(CAO) Mới đây, nhà báo Sông Hương (tên thật là Nguyễn Văn Thân, SN 1980) đã cho ra mắt cuốn sách “Báo chí truyền thông 4.0 – Sự tương tác đa chiều”. Có thể nói đây là ấn phẩm giúp ích rất nhiều cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hiểu rõ về vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông, trong mối tương quan với đời sống kinh tế - xã hội bối cảnh hiện nay; đặc biệt ấn phẩm này được đánh giá là “công cụ” tuyệt vời để nhận biết và loại bỏ tin tức giả…
Theo tác giả Sông Hương, báo chí truyền thông có mối tương quan chặt chẽ với mọi mặt của đời sống xã hội,… Nó mở ra cơ hội phát triển marketing cho tất cả các lĩnh vực, nhưng đó phải là tin tức chuẩn xác, với độ tin cậy cao.
Tuy nhiên, không ít người làm báo chí, truyền thông hiện nay đã có sự thay đổi. Phần lớn thay đổi đều bị bó buộc bởi tư duy theo kiểu rập khuôn, máy móc. Người làm báo chí cần thoát ra khỏi lối tư duy đó và cần nhận biết được những chiếc “bẫy tin tức” đang vây kín họ.
Đó là tin tức giả (fake news) kiểu như: nghe nói, tin đồn, phao tin có chủ ý và rác thông tin. Những biểu hiện cơ bản của tin tức giả là sự cường điệu và sai sự thật. Nếu người cầm bút mà rơi vào tình huống này thì có nghĩa là họ đang thiếu các kỹ năng làm báo.
Có nhận định cho rằng: “Người ta bắt đầu nói dối khi công nghệ quảng cáo ra đời”. Tin tức giả giống như các thông điệp quảng cáo bị cường điệu hóa và thực tế đã xuất hiện từ lâu. Gốc rễ của nó xuất phát từ động cơ tiêu cực của nguồn tin. Đó có thể là động cơ liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội, doanh nghiệp, cá nhân… hoặc đơn giản chỉ là truyền thông gây ảnh hưởng, giải trí. Bản thân tin tức giả không thể tạo ra mối đe dọa nào nếu không được công chúng đón nhận và tương tác nhiều.
Vì lẽ đó, tin tức giả sẽ tự sinh tự diệt khi công chúng đủ tỉnh táo để nhận biết. Nhưng có một thực tế là tin tức giả đang tấn công mạnh vào hệ thống chia sẻ thông tin xã hội, nhất là trên mạng xã hội facebook. Tin tức giả đang trở thành cơn bão, len lỏi vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa... Nó thách thức sự thật và gây tổn hại đến cơ cấu xã hội.
Khi nước ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, mọi thứ càng dễ thay đổi và khó kiểm soát. Cần phải thấy rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra nền kinh tế “nhấp chuột” vô cùng năng động, trở thành xu hướng kinh tế mới. Điều này khiến giới báo chí buộc phải thích nghi với xu hướng “chuyển động” kỹ thuật số này.
Sản phẩm tin tức khi đó được cập nhật gần như tức thời, hấp dẫn, đa dạng, đa chiều và tác động đến đa giác quan của công chúng độc giả. Tuy nhiên, mặt trái của báo chí kỹ thuật số cũng bộc lộ rõ nhược điểm khi các tin tức dễ bị lợi dụng cho việc thông tin giật gân câu khách, nhằm tăng lượng views, traffic, visitors hay rating.
Trong khi các nguồn tin không được kiểm chứng một cách rõ ràng, đánh giá mức độ thiệt hại, hậu quả tác động xã hội, lợi ích lớn lao hướng đến phát triển bền vững như: ổn định chính trị, phát triển kinh tế, an toàn xã hội, chống ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu…
Nhà báo Sông Hương với ấn phẩm “Báo chí truyền thông 4.0 – Sự tương tác đa chiều”
Nhà báo Sông Hương kể: “Một đồng nghiệp của anh ở một cơ quan báo kể về chuyện tác nghiệp trong vụ án “Thảm sát 6 mạng người ở Bình Phước”. Từ khi xảy ra vụ án đến khi kết thúc, cậu ta đã tạo ra khoảng 140 bài viết, để “câu views” và lấy hết chỉ tiêu nhuận bút của văn phòng đại diện phía Nam. Vì thế, sau này tòa soạn của cậu ta đã phải khoán lại “views” cao hơn trước để “khống chế” thu nhập từ nhuận bút cho phóng viên.
Cũng trong vụ thảm án cướp đi 6 mạng người này, trưởng ban thời sự của một tờ báo điện tử có tiếng ở Việt Nam khoe là tòa soạn đã cử hẳn một “team” ăn ngủ tại Bình Phước để phục vụ tác nghiệp về vụ án. Kết quả đã thành công ngoài mong đợi, có bài viết còn kiếm được tới 8 triệu “views””.
Việc làm báo chí, truyền thông kiểu “bầy đàn”, giật gân, câu khách đã để lại nhiều hậu quả cho các cá nhân, cho nền kinh tế và cho cả xã hội. Nhiều tác phẩm báo chí được xuất bản với mục đích “câu views” đã tác động tiêu cực, nhiều khi còn góp phần phá nát hạnh phúc của không ít người.
Một bài báo thiếu kiểm chứng, thông tin mang tính quy chụp về an toàn thực phẩm dễ làm cho một doanh nghiệp khủng hoảng hoặc phá sản. Hay những bài báo mang tính suy diễn về tiêu cực đất đai, tham nhũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của xã hội...
Cuốn sách “Báo chí truyền thông 4.0 – Sự tương tác đa chiều” được Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông cấp phép lưu hành, sẽ chỉ ra cách để loại bỏ tin tức giả và xây dựng giá trị tin tức báo chí truyền thông cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp...
Ngoài ra, ấn phẩm này còn mang đến các “giải pháp truyền thông” chuyên nghiệp khác như: tối ưu ngân sách truyền thông, kịch bản chống khủng hoảng, chiến lược xây dựng thương hiệu, kết nối hiệu quả với báo chí truyền thông…