Tuy tự giới thiệu tập thơ này là thuần Việt, nhưng ngay bài mở đầu đã khiến độc giả té ngửa.
Tập thơ “Quà cho con” của tác giả Nguyễn Huy Hoàng được Nhà sách Tân Việt chi 550 triệu đồng để mua bản quyền gây xôn xao dư luận. Song bản quyền cao không có nghĩa là chất lượng tốt.
Tuy tự giới thiệu tập thơ này là thuần Việt, nhưng ngay bài mở đầu của “Quà cho con” đã khiến bạn đọc té ngửa trước lời chào của trẻ con: “Cái miệng xinh xắn ngọt ngào/ Sinh ra là để xin chào, hê lô (hello)”. Hello mà thuần Việt thì đến chú Cuội cũng phải cười. Tất nhiên, các từ mượn khác như “Facebook”, “Download” cũng được sử dụng để phản ánh đúng xã hội hiện nay song không phải không có từ tiếng Việt tương đương để thay thế nếu như tác giả thực sự muốn giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.
Bên cạnh đó, việc ép vần ngay trong chính bài thơ mở đầu này cũng khiến các bậc làm cha làm mẹ phải suy nghĩ khi đọc: “Con chào các thầy, các cô/ Con chào ba, mẹ, Bác Hồ kính yêu”. Trẻ em chào thầy, cô giáo; trẻ em chào cha, chào mẹ là những người gần gũi thì đương nhiên rồi. Nhưng sau đó mới đến chào Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu thì ngoài cái chuyện ép vần “Ô/Ô” ở câu lục với câu bát ra, thì không hiểu dạy kỹ năng gì cho trẻ ở đây? Phải chăng tác giả đã hơi giáo điều?
Cho nên, tôi thấy ý kiến của nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Văn nghệ, báo Nhân dân, rất chính xác. Nên đặt đúng vị trí của cuốn sách như lời phi lộ của tác giả Nguyễn Huy Hoàng: “Vần thơ mộc mạc nôm na/ Gom kĩ năng sống làm Quà cho con”. Bởi vì, với những câu “Khó khăn là chuyện bình thường/ Như xe đang chạy gặp đường mấp mô/ Dòng đời gian khổ đẩy xô/ Thường tình như thể Thủ đô tắc đường”… Nhà thơ Hữu Việt còn không hiểu tác giả đang dạy trẻ con kỹ năng sống gì? Còn câu: “Chịu đựng, kiên nhẫn dựng xây/ Vượt qua khó nhọc sẽ đầy vinh quang”... lại vô cùng tối nghĩa, khó hiểu.
Cá nhân tôi cũng có nhiều dịp được nhà thơ Hữu Việt chia sẻ về kỹ năng dạy bảo hai cậu con trai. Tôi tin rằng, đến nhà thơ Hữu Việt còn thấy tối nghĩa, khó hiểu thì các bậc làm cha, làm mẹ khác hẳn sẽ càng khó hiểu hơn.
Có thể kể thêm một chi tiết này, sáng 1.6.2016, tôi dự cuộc tọa đàm tập “Quà cho con” của tác giả Nguyễn Huy Hoàng tại Thư viện Bộ Giáo dục và Đào tạo ở Hà Nội. Khi hỏi các cháu thiếu nhi có mặt tại đây đã đọc tập thơ này có thể chia sẻ cảm xúc hay suy nghĩ của mình không, thì tất cả các cháu đều… im lặng. “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, người xưa đã dạy như vậy rồi. Đây lại là tập thơ được tác giả cho biết là viết dành cho các lứa tuổi. Thế mà, đối tượng chủ thể là các em thiếu nhi đều im lặng khi được hỏi cảm xúc thì có lẽ hơi ngại.
Cho nên, cách “thổi phồng” của truyền thông rằng, đây là cuốn cẩm nang giáo dục đạo đức, lối sống và kĩ năng sống bằng thơ đầu tiên ở Việt Nam, theo tôi cần phải xem lại. Tập thơ dạy kỹ năng sống có thể là đầu tiên, lưu ý rằng đầu tiên được xuất bản ở thế kỷ 21 thôi; chứ còn, hãy đọc lại sách “Quốc văn giáo khoa thư” của các nhà giáo dục đầu thế kỷ 20 để lại đi; chúng ta sẽ phải thận trọng trước những phát ngôn “nổ” và có phần nông nổi này.
Một trong 100 bài thơ dạy kỹ năng sống của tập thơ "Quà cho con"
TS Nguyễn Thanh Tâm - Phòng Văn học Việt Nam đương đại, Viện Văn học, cho rằng: “Chúng ta cần công bằng, khách quan trong việc nhìn nhận, đánh giá “Quà cho con”. Vấn đề là chúng ta xem xét “Quà cho con” từ góc độ nào! Nếu là một “thương phẩm” thì đây là một thương vụ rất tốt mà nhà sản xuất đã đạt được! (Tôi không bàn đến các lực lượng trung gian cũng như các quyền lực chi phối sự thương thỏa về giá cả). Nếu xem đó là một “thi phẩm” thì đây quả là một thảm họa! Trong một hình dung tức thì, nếu “Quà cho con” là một tập thơ, nó xúc phạm đến tất cả những gì chúng ta đang nói về cái gọi là “chất thơ” – “Thi tính”. Sách vở hơn một chút, như Jakobson nói, nó không có “chức năng thi ca”.
Tôi cũng muốn nói thêm là, gọi “Quà cho con” là cuốn cẩm nang thì tôi e ngại lắm. Bởi vì, có nhiều thứ giáo điều, không áp dụng được vào cuộc sống đâu. Chuyện cười dân gian xưa đã có bài học, đau bụng uống nhân sâm, giở sang trang bên cạnh, có 2 chữ “tắc tử” – chết chắc – mà thầy lang không đọc tới. Áp dụng “Quà cho con” thì không đến nỗi bi đát như vậy; nhưng nó cũng hài hước như chuyện đứa trẻ mới tập đánh vần mà đã nói với bố: “hay nhờ bố nhờ” như lời một nghệ sĩ hài chia sẻ ở phần đầu của tập thơ.
http://m.danviet.vn/kinh-da-trong/tap-tho-nua-ty-dong-thi-pham-hay-tham-hoa-684182.html
Kiều Mai Sơn (Theo Dân Việt)