(CAO) Triển lãm “Tay níu thời gian” của cố họa sĩ Bửu Chỉ khai mạc tại Ana Mandara Đà Lạt, có khá nhiều sự tham gia của khách mời có tên tuổi trong giới hội họa Việt Nam.
Không được cất lên bằng giai điệu và thanh âm như nhạc của Trịnh Công Sơn, tâm tư của Bửu Chỉ được ẩn hiện trong từng nét vẽ. Sau khi qua đời, tranh Bửu Chỉ trở thành của hiếm được nâng niu, cất giữ ở nhiều nơi, riêng lẻ.
Cố họa sĩ Bửu Chỉ (1948-2002)
Vì thế, triển lãm “Tay níu thời gian” của cố họa sĩ khai mạc tại Ana Mandara Đà Lạt, có khá nhiều sự tham gia của khách mời có tên tuổi trong giới hội họa Việt Nam.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: “Đây là lần thứ hai trong đời tôi được xem triển lãm cá nhân của hoạ sĩ Bửu Chỉ, vẫn biết rằng tranh của ông đã được sở hữu hầu hết bởi những nhà sưu tập, nhưng không ngờ lần này lại có số lượng tác phẩm lại lớn như vậy - hơn 30 tác phẩm được sáng tác trong một giai đoạn quan trọng của sự nghiệp, từ năm 1993-1997, sau thời gian ông lưu trú, sáng tác ở Pháp. Phải nói rằng cái hay của Bửu Chỉ ở đây là đã phiên dịch được hội họa trường phái Paris sang “Việt ngữ” một cách tài tình, trọn vẹn”.
Hoa hậu Ngọc Hân chia sẻ cô rất tự hào được tham gia chương trình triển lãm tranh ý nghĩa, tưởng niệm 20 năm ngày mất họa sĩ Bửu Chỉ - một trong những danh họa mà cô rất yêu thích.
“Bửu Chỉ có hai giai đoạn sáng tác khác nhau rõ nét, đó là trước 1986, khi ông là hoạ sĩ tranh đấu, bận tâm chuyện chung của thế sự, với nhiều tranh - nhiều biếm hoạ có sức “chiến đấu cao”. Đó là sau 3 tháng lưu trú tại Orléans (Pháp) để đi xem tranh và vẽ năm 1989. Sau 3 tháng này, Bửu Chỉ đã chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy sáng tác, đã quay về với cõi lòng riêng, truy vấn thời gian và các khúc phi thời của đời người, trong tương quan với trời đất, với hiện sinh”, Giám tuyển Lý Đợi chia sẻ.