Truyện ngắn:

Màu mận chín

Chủ Nhật, 26/03/2023 17:51

|

(CATP) Một mùa hè bận túi bụi đã qua. Tuy vậy, công việc vẫn chưa hoàn thành như ý muốn. Còn được ở nhà thêm một hôm nữa, anh cố quên tất cả: những hàng đậu đang ra bông chưa làm cỏ xong, mấy luống khoai chưa được tém chân và cả những con gà mái cục tác suốt ngày đòi ổ đẻ, để sắp đặt mấy thứ cần thiết chuẩn bị cho chuyến đi ngày mai.

Đang lúi húi với mấy cái giỏ xách và mấy cuốn sách, anh phải dừng tay vì cô em gái nhỏ không biết từ lúc nào đã chờ sẵn để "hù” anh một tiếng rõ to rồi sà vào lòng anh.

- Mai anh Hai đi phải không?

- Ừ! Anh đi rồi tết anh về. Út ở nhà ngoan nhé. Tết về anh mua quà cho Út. Út thích cái gì nào?

- Nhưng anh Hai dạy học, làm gì có tiền dư mà mua? À! - Cô bé bỗng nhỏm dậy, tròn xoe mắt - Hôm nào mấy con gà của em lớn, em đem bán rồi gửi tiền xuống nhờ anh mua cho em cái áo len màu như trái mận chín kia kìa.

Anh nhìn theo cánh tay nhỏ bé, lấm đầy cám của nó. Màu đỏ thẫm của những quả mận đang chín nổi chập chờn trên nền lá xanh theo từng đợt gió hây hây buổi sớm mai. Em thích một chiếc áo len, nhưng chỉ nhờ anh mua giùm. Rõ ràng Út đã hiểu đồng lương của người anh giáo viên cũng như thu nhập của người cha già trên mảnh vườn khô khan.

Những con gà mà em nuôi là kết quả của những buổi nghỉ học, em ra đồng nhặt từng bông lúa rơi rớt. Cho đến khi những bông lúa thành những nắm lúa, những nắm lúa dồn thành nhiều ký lúa, em đổi nhiều ký lúa ấy để lấy những con gà vừa lẻ mẹ. Em nuôi nấng, ấp ủ chúng như nuôi nấng, ấp ủ mong ước bé nhỏ của mình.

Anh ôm chặt thân hình gầy nhom của cô em gái 11 tuổi vào lòng. Anh muốn dù phải đổi tất cả để có ngay tức khắc chiếc áo len màu mận chín ấy, khoác lên đôi vai côi cút của nó.

- Thế nào anh cũng mua cho em...

*

* *

"... Ngày... tháng... năm 1988

Anh Hai thương,

Hôm qua em mới bán bớt ba con gà lớn, được 5.000 đồng luôn đó anh Hai. Em định gửi xuống nhờ anh mua áo cho em. Nhưng ba không có tiền đóng tiền xây dựng trường ở xã, nên em cho ba mượn mất. Còn hai tháng nữa mới tới tết, thế nào mấy con gà nhỏ cũng lớn kịp... À! Tụi em sắp được học trường mới rồi đó, trường đẹp lắm. Ngồi trong đó học chắc không bị mưa dột ướt như bây giờ đâu...

Hôn anh Hai

Út".

Không biết đã lần thứ mấy rồi, viết thư cho anh Hai, nó lại nhắc chuyện cái áo. Thật tình anh đâu có quên. Bao nhiêu lần anh đến cửa hiệu đó, ngắm nghía thật kỹ chiếc áo đã chọn. Nhưng chưa lần nào số tiền trong túi có thể làm anh an tâm để hỏi giá. Là một thầy giáo luôn biết tự cố gắng, mới ra trường hơn ba năm, anh đã có phong thái chững chạc. Chưa bao giờ anh bị bắt bí bằng những câu hỏi của sinh viên hay phải mặc cảm thua kém đồng nghiệp cùng lứa. Thế nhưng bước đến những nơi giao dịch, mua bán thế này, anh cảm thấy mình nhỏ bé, yếu đuối.

*

* *

Sáng nay, trời thật đẹp, anh hớn hở, nôn nao như đón những tia nắng đầu tiên. Hôm nay, anh đến cửa hiệu ấy với cả tháng lương còn y nguyên trong túi.

- Cái áo len màu mận chín đó bao nhiêu vậy cô? - Anh hỏi.

- Bảy ngàn - Cô gái trả lời trong lúc vẫn cắm cúi với cái dũa và những móng tay trau chuốt.

"Không sao, còn có thể trả giá được" - Anh tự nhủ.

- Năm ngàn được không cô?

- Nếu anh mua ngày hôm qua thì tôi có thể bán với giá năm ngàn được, còn hôm nay thì khác rồi.

Anh nghe mà bàng hoàng cả người. Thế là lại thiếu tiền. Thiếu một cách phi lý: cả tháng lương của một giáo viên giảng dạy đại học không mua nổi một cái áo len trẻ em. Lại chỉ vì mua trễ có một ngày... Ngày mai, ráng chạy vay mượn ở đâu đó đủ bảy ngàn rồi mua cũng được. Nhưng không biết ngày mai nó có còn giá bảy ngàn không, hay lại nhảy lên một nấc giá mới? Anh bước ra khỏi cửa hiệu với tâm trạng tiếc rẻ, lo lắng, thắc mắc và cả bực bội.

*

* *

Con đường cũ nay trông rộng rãi hơn với màu đất đỏ mới đắp. Mấy cây ăn trái từ những khu vườn góp phần làm mát mẻ cho khách qua đường trong lúc quá trưa. Nắng Tây Nguyên đang dội xuống những luồng nóng hổi cuối cùng, để rồi khi những đám mây đen lớn kéo tới là lúc mặt đất đón những trận mưa tầm tã.

Anh rảo bước với một niềm rạo rực thôi thúc trong lòng. Từ ngày mẹ mất đến giờ, anh càng thương em gái hơn. Út - đứa em gái duy nhất của anh sẽ reo lên thật to, sẽ vứt thúng, nia, sàng... hay bất cứ thứ gì đang cầm trên tay để chạy ùa ra ôm lấy anh Hai của nó, khệ nệ ôm cái gói nặng trịch đựng những cuốn sách của anh vào để trên bộ phản. Rồi nó cũng nhảy lên, chồm chồm bên cái giỏ xách, lục tìm những thứ anh Hai mang từ thành phố về. Một gói giấy bọc nylon mềm mềm. Nó kéo ra rồi la lên: "A! Cái áo len của em! Ui! Đẹp quá! Anh Hai mua bao nhiêu vậy anh Hai? Em mặc thử nghe...". Nghĩ đến cảnh đó, lòng anh sung sướng vô cùng.

Xuống hết con dốc đã đến đầu xóm, chỉ một đoạn nữa là về tới nhà. Anh càng muốn đi nhanh hơn. Chợt có ai gọi lớn: "Hai!...". Tiếng gọi bất ngờ của giọng một phụ nữ quen thuộc làm anh giật mình, quay lại. Dì P., người bạn gần gũi của mẹ anh ngày còn sống, vừa kịp thắng chiếc xe đạp lại trước mặt anh, nét mặt xúc động.

- Chào dì! Cháu vừa về tới đây...

Khuôn mặt phúc hậu của người đàn bà đứng tuổi bỗng nhiên giãn ra từ khóe miệng móm mém, rồi đôi mắt đọng đỏ, đầy vết chân chim sụp xuống, ứa ra những giọt nước mắt chờ đợi tự bao giờ.

- Ai đời... - Giọng dì tức tưởi - Ai đời... Cái trường mới xây mà có một trận gió tầm tầm hôm qua đã sụp nóc. Gần chục đứa nhỏ chạy ra không kịp. Con Út...

- Em cháu nó làm sao hở dì? - Anh thấy ngộp thở.

- Nó bị một viên ngói rớt trúng...

Anh muốn khuyụ xuống trên con đường mà mới đây anh còn mong sao đi cho chóng hết, để được hưởng niềm vui lớn lao đang chờ đợi. Tiếng dì P. nghèn nghẹn:

- Cũng tại ông hiệu trưởng vô trách nhiệm. Bao nhiêu tiền bạc bà con đóng góp, rồi tiền huyện cho, tỉnh cho... Vậy mà tính toán thêm bớt với nhau sao đó, cuối cùng cây gỗ lớn cứ đem xẻ hai làm đòn tây, xi măng thì độn thêm cát vô... Rồi nhắm mắt "lùa" con người ta vô học, biểu sao mà không chết chớ?

*

* *

Buổi chiều trời thật lạnh, những thân cây dầu cong queo, mốc meo, mệt mỏi, ngả nghiêng theo từng đợt gió lướt qua. Trên khu đồi lởm chởm đá sỏi, dưới gốc một thân cây dầu già, hai người đàn ông cùng cúi xuống bên nấm đất con con mới đắp. Phía đầu nấm đất, một bó nhang chưa kịp tàn, bên cạnh có đống lửa đang cháy dang dở.

- Còn cái áo mới, con đốt luôn cho em đi!

- Không được, bố à. Con phải giữ lại. Mọi cái coi như đã mất, chỉ còn chiếc áo màu mận chín... Con phải giữ!

Bình luận (0)

Lên đầu trang