Nhà tôi ở trước nhà Duyên nên được hưởng luôn khoảnh sân giáp đường lớn. Còn mặt tiền nhà Duyên là giếng nước chung cho hai nhà dùng. Thuở ấy, cha mẹ tôi theo nghề buôn bán, còn ba má Duyên nuôi dạy con cái bằng đồng lương và nề nếp gia đình giáo chức, nên so với Duyên tôi thường được tự do hơn.
Hai đứa chơi với nhau, hôm thì nhặt đá xếp "ô làng", hôm thì la hét khàn cổ với trò rượt bắt. Một hôm, khi đã chán những trò chơi cũ, hai đứa ngồi buồn rầu nhìn khoảnh đất nhỏ trong sân, Duyên chợt nảy ý cuốc lên rồi kiếm hoa mười giờ về trồng. Những dây hoa từ từ xanh lại rồi bò lan ra khắp mặt đất. Hai tuần sau, những nụ hoa li ti xuất hiện giữa nách lá. Từng ngày, hai đứa hồi hộp chờ xem mười giờ hoa nở như người ta thường nói...
Rồi một hôm, tôi không còn thích những bông hoa bé nhỏ màu hồng ấy nữa. Tôi ra cuốc cả "vườn hoa" ấy lên. Duyên đang bế em trong nhà, hoảng hốt chạy ra giằng lại, cán cuốc bập vào đầu tôi một cái rất đau. Không cần nghĩ ngợi, tôi xô Duyên ngã chúi... để "trả thù”. Duyên ngồi dậy, nâng niu một cành hoa tả tơi lấm đất, bật khóc:
- Vũ ác lắm, đẹp thế này mà nỡ cuốc đi!
Tôi vẫn chưa biết ân hận gì trước hành động thô bạo với những cành hoa và người bạn yêu hoa.
*
* *
Năm tháng trôi...
Chúng tôi cùng học lớp 9. Duyên đã ra dáng thiếu nữ, còn tôi vẫn là một cậu bé đứng chưa cao bằng Duyên. Hết học kỳ 1, Duyên được cử đi học lớp chuyên toán ở trường tỉnh. Thấy tôi buồn, Duyên an ủi: "Cố lên, rồi Vũ sẽ hơn Duyên". Lớp học trống vắng theo từng buổi thiếu Duyên. Tôi ngồi đó, chẳng nghe lời thầy giảng, tai ong ong từng lời trong lá thư đầu tiên Duyên gởi hôm nào: "Đà Lạt tháng này nhiều mây, thiếu mặt trời nên cứ lạnh mãi, mưa lưa thưa trên đường vắng. Duyên đi dạo một mình với nỗi nhớ nhà, nhớ lớp...".
Nhưng Duyên không học hết khóa bồi dưỡng học sinh giỏi đó. Một người đàn bà quyến rũ ba Duyên ra đi, bỏ lại ba mẹ con thui thủi trong căn nhà quạnh quẽ. Tối tối, ra mé hiên sau nhà, tôi vẫn nghe tiếng thút thít của Duyên từ bên kia vách gỗ lọt sang. Sáng đến lớp, hôm nào mắt Duyên cũng thâm quầng, đỏ hoe. Bạn bè có đứa không hiểu, tưởng Duyên thức đêm học bù lớp bồi dưỡng dang dở nên trêu Duyên "tham lam danh tiếng". Duyên chỉ cười gượng gạo, không than một lời.
Ba Duyên bỏ đi, nỗi buồn chưa nguôi ngoai. Chợt một buổi sáng, chiếc xe cấp cứu mang đến trả lại cho Duyên người cha không bao giờ biết ôm hôn, vuốt tóc chị em Duyên như ngày nào nữa. Ông giáo bị xe tải tông trúng, khi vào bệnh viện thì mùi rượu vẫn chưa tan trong khóe miệng rỉ máu. Duyên lặng đi trong đau đớn tột cùng. Buổi tối, ra giếng rửa chân tay, tôi không còn nghe tiếng khóc thút thít của Duyên nữa, chỉ có tiếng đập tay xuống giường và sau đó là tiếng thở dài não ruột. Duyên khóc hết nước mắt rồi.
Sau đám tang của ba Duyên, kinh tế gia đình sa sút trông thấy. Mỗi bữa ra giếng vo gạo, Duyên thường cặp theo hôm thì mớ khoai khô, hôm thì mấy củ sắn (khoai mì) đã gọt vỏ trắng trẻo nằm dài thượt trong rổ. Buổi tối, chị em Duyên không còn được mẹ kèm cặp. Bà giáo phải thực hiện việc này như một bổn phận với con cái của một gia đình khác. Cố gắng của mẹ vẫn không bù đắp nổi cơn lốc vật giá gia tăng.
Từng đêm, tôi lại được ngắm mặt Duyên hồng lên bên ánh lửa chập chùng, lung linh dáng người con gái mồ hôi nhễ nhại, cắm cúi trong tiếng đũa khuấy chảo gang rủng rẻng. Rồi chiều mai, với nón lá lúp xúp, chiếc xe đạp mini cọc cạch, một giỏ lớn sau baga, Duyên lặn lội khắp quán xá trong thị trấn, bỏ sỉ từng lô đậu da cá, từng phong kẹo đậu phộng. Chiều chiều, bóng vai gầy lặng lẽ ra đi, rồi khi các nhà hàng xóm sum vầy, hạnh phúc trong bữa cơm tối dưới ánh đèn ấm cúng, Duyên lại trở về một mình với chiếc xe đạp cọc cạch ngang khung cửa sổ nơi tôi đang ngồi học. Vậy mà sáng ra, với nhiệm vụ lớp phó học tập, hôm nào Duyên cũng đứng lớp sửa bài tập cho các bạn. Mọi người cắm cúi ghi chép nên chẳng ai buồn hỏi: "Ở nhà Duyên học bài khi nào?".
Làm việc nhiều, lại thêm bao buồn phiền chất chứa, đến cuối năm lớp 11, Duyên ngã bệnh. Hôm tôi đến thăm, Duyên đón tôi bằng đôi mắt đượm buồn:
- Duyên đau màng óc, bác sĩ bảo vậy. Nhưng Duyên không sợ chết đâu! Coi vậy chết khó lắm phải không Vũ?
Biết nằm không cũng buồn, nghe các bạn kháo nhau về truyện "Mùa thu lá bay", tôi mang đến. Nhưng Duyên chê truyện đó "ướt át" nên không đọc, bắt tôi phải tìm những cuốn sách về nghị lực vượt khó. Tôi hiểu lòng người bạn gái tội nghiệp của mình.
Ra viện, Duyên nghỉ học rồi lên Đà Lạt học nghề may. Tôi lại đọc lá thư đầy hối tiếc: "Vũ ạ! Đối với Duyên tất cả đã trở thành... ngày xưa", "ngày xưa" ra đi như con bướm không bao giờ trở lại với chiếc chụp đèn xanh trên bàn học của cô học trò nhỏ ngày nào. Duyên yêu vô cùng cái "ngày xưa" ấy. Đêm đêm, trong căn nhà trọ, nhìn ra mặt hồ Xuân Hương chấp chới ánh đèn, Duyên thấy lòng buồn vô hạn. Nghe mơ hồ như nuối tiếc tuổi học trò vừa đánh mất".
Tôi muốn khóc vì thương Duyên qua từng nét chữ mềm mại ấy. Không kiềm mình được nữa, tôi bỏ học, đón xe lên Đà Lạt, tìm đến nơi Duyên ở. Căn nhà cổ kính chìm giữa những tàng thông reo vi vu dưới cơn mưa phùn lất phất. Tôi gõ cửa. Bóng Duyên nhập nhòe sau khung kính phủ bụi mưa. Hai đứa ngồi với nhau, lâu lắm chẳng nói được điều gì ngoài câu thăm hỏi đầu tiên...
*
* *
Ba má tôi làm ăn khá giả nên căn nhà cũ giờ được thay bằng ngôi nhà đúc hai tầng, ốp đá sang trọng. "Mảnh vườn nhỏ” của hai đứa ngày trước giờ biến thành bệ xi măng dài, có đặt mấy chậu hoa. Sáng sáng, sau vài tách trà, ba tôi gật gù, chiêm ngưỡng những cành lan ẻo lả, kiêu hãnh ra hoa khoe màu quý phái. Thế mà ông vẫn chưa thỏa mãn với cơ ngơi ấy.
Một hôm, đi học về, tôi nghe ba tôi nói với mẹ Duyên:
- Như thế là phải chăng. Làm giấy xong, tôi chồng đủ...
Ba hôm sau, cái chỗ ở hóc hẻm, đầy những buồn vui một thời của Duyên được ba tôi biến thành cơ sở sản xuất xà phòng. Mẹ con Duyên dọn về ở nhờ trong một căn phòng chật chội của khu tập thể giáo viên. Mẹ Duyên trích một phần tiền bán nhà, sang cho Duyên một quán nhỏ ven trục lộ độc nhất của thị trấn để mở hiệu may. Nhưng nghề may ế ẩm vì vẻ mặt non nớt của cô thợ và vì vẻ xập xệ của tiệm may nghèo.
Tôi đi qua học kỳ đầu của lớp 12 với nỗi buồn vơ vẩn và không khí uể oải của cả lớp, không hứng thú chuyện học hành, thi cử. Biết vậy, Duyên rất buồn. Một lần gặp nhau, Duyên nói: "Vũ thông minh nhưng không chịu học. Phải biết giữ cái đang còn trong tay. Như Duyên bây giờ có muốn cũng không được, tiếc lắm!". Tôi thương Duyên nên tự hứa với mình sẽ thay đổi. Và tôi đã làm được. Ba mẹ tôi rất ngạc nhiên. Ba nói với mẹ rằng: "Từ ngày xa con Duyên đến giờ, coi bộ nó chăm học hơn". Đêm đó, tôi mất ngủ, trằn trọc đến sáng vì không dám lên tiếng bênh vực cho Duyên.
Ngày nhận giấy báo nhập học đại học, ba tôi khao tiệc lớn. Bạn bè đổ xô tới ồn ào, còn tôi dửng dưng trước mọi lời chúc tụng, đúng hơn là tôi "tuyệt vọng" khi gần chiều vẫn chẳng thấy bóng Duyên. Không chờ được nữa, tôi bỏ mặc cả nhà đi tìm Duyên. Duyên vẫn bình thản với từng mũi kim thêu. Một chiếc khăn mùi-xoa trắng có cánh hoa đỏ hồng sắc sảo. Tôi liều nắm giữ hai bàn tay khéo léo dễ thương ấy...
- Đừng Vũ, chưa xong mà... - Tiếng Duyên thỏ thẻ yếu đuối, đôi mắt đen tròn long lanh.
- Hoa mười giờ phải không?
- Ừ, hoa của... tuổi thơ chúng mình...!