Kể chuyện đặt biệt danh cho bài viết thêm… ấn tượng

Chủ Nhật, 15/01/2023 16:02

|

(CATP) Nghề làm báo cho phóng viên (PV) nhiều cơ hội tiếp xúc với hồ sơ các vụ án, những trinh sát, điều tra viên (ĐTV) trực tiếp tham gia phá án. Để lưu nhớ từng vụ việc và dễ nhận diện "nhân vật chính" trong mỗi vụ, người khai thác tài liệu thường gợi mở, cố hỏi thêm về các chi tiết khác lạ không có trong hồ sơ hoặc chỉ được nhắc thoáng qua nhưng có thể khái quát được công việc, tính cách của đối tượng, rồi đặt thành "biệt danh" cho… ấn tượng! Qua đó, nhiều tên phụ vui nhộn đã ra đời mà ngay cả người được đặt cũng ngỡ ngàng, dù khi nhắc tới cái tên ấy, nhiều bạn đọc đã nhớ ngay đến nhân vật của bài viết mặc cho năm tháng qua đi.

ĐẠO DIỄN HÀI ĐẶT BIỆT DANH GÂY… BÙNG NỔ

"Anh đọc bài của em rồi, viết rất ổn, chắc tay, sắc sảo, nhưng thiếu một chút... ấn tượng", biên tập viên kiêm đạo diễn (ĐD) Thạch Tuyền cầm xấp bản thảo bước tới trao đổi với phóng viên Đ.H.G, người thực hiện loạt bài viết về nhóm đối tượng buôn lậu xăng dầu. Sau một lúc gợi hỏi sôi nổi nhiều vấn đề về nhân thân, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, ĐD Thạch Tuyền cười, gợi ý: "Nhóm này buôn lậu xăng dầu quy mô quá lớn, để dễ gợi nhớ về vụ án hay, ta nên đặt cho đối tượng chính một biệt danh gắn liền với hành vi, nghề nghiệp cụ thể".

Câu chuyện trao đổi giữa ĐD Thạch Tuyền và phóng viên Đ.H.G đã thu hút cánh PV có mặt trong phòng lúc ấy. Vì thế, khi ĐD vừa đưa ra câu gợi mở, tất cả nhóm "chầu rìa" đều đóng góp ý tưởng đặt biệt danh cho đối tượng chính khiến không khí sôi nổi hẳn lên. Những tên gọi phụ liên quan đến nhiên liệu, chất đốt như lửa, hỏa, cháy, nổ... được đưa ra kèm những tràng cười giòn giã. Lĩnh hội xong, ĐD Thạch Tuyền phân tích: "Các biệt danh đều ấn tượng nhưng chưa khái quát đầy đủ cả quá trình làm giàu bất chính rồi lụn bại, cũng như ngành nghề đối tượng kinh doanh. Theo tôi, ta nên đặt cho đối tượng chính trong vụ án là H. "xì tẹt" được không?".

Biệt danh ĐD Thạch Tuyền đưa ra rất hình tượng, giàu ý nghĩa nên PV viết bài, cũng như thành phần "chầu rìa" bên ngoài, đồng ý cái rụp và trên mặt báo hôm sau xuất hiện biệt danh H. "xì tẹt" đi cùng tên cha sinh mẹ đẻ của đối tượng chính.

Lúc ấy, Báo Công an TPHCM còn độc quyền thông tin từ cơ quan điều tra, nên sau đó các đơn vị truyền thông khác đều đồng loạt viết bài về vụ án buôn lậu xăng dầu, đương nhiên đối tượng chính "bùng nổ" với biệt danh kèm theo là "xì tẹt" đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa về vụ án.

Chuyện xảy ra gần 20 năm nhưng các PV có mặt hôm đó đã học được cách tạo ấn tượng cho bài viết. Đến nay, dẫu nhiều người không còn nhớ tên họ đối tượng chính hay đồng bọn trong băng nhóm, nhưng chỉ cần nhắc đến hoặc tìm kiếm biệt danh "H. xì tẹt" là toàn bộ nội dung vụ án sẽ hiện ra.

KẺ TRỘM KIM CƯƠNG "CHẾT TÊN" LEO TRÈO

Vụ án xảy ra đã gần chục năm nhưng nếu dùng công cụ tìm kiếm Google chỉ cần gõ chữ "T. nhện" là toàn bộ nội dung sẽ hiện đủ. Đây quả là một biệt danh ấn tượng khiến "nhân vật chính" đi cùng năm tháng.

Trong vụ trộm đột nhập biệt thự nhà chị H. (ở quận 6) cuỗm đi nhiều nữ trang kim cương và sổ tiết kiệm có tổng trị giá hơn 1,4 tỷ đồng xảy ra năm 2013, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ huy Công an (CA) quận 6, Đội Điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã khẩn trương vào cuộc tìm kiếm, truy vết thủ phạm đang giấu mặt. Thông qua các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, chỉ trong thời gian ngắn, thủ phạm đã sa lưới CA, dù hiện trường không để lại chút manh mối nào.

Là báo ngành nên PV Báo Công an TPHCM được biết tin đầu tiên. Điều tra viên Nguyễn Tấn Phương trực tiếp điều tra vụ án được phân công cung cấp thông tin cho PV đã kể rất chi tiết về quá trình phá án, bắt giữ thủ phạm vụ trộm đặc biệt do T.T.T (SN 1990) gây ra. Lắng nghe, thu thập, ghi chép đầy đủ xong, PV đặt câu hỏi: "T. có biệt danh gì không anh?". Câu trả lời là "không". Khai thác tiếp các biệt tài, khả năng đặc biệt của đối tượng, ĐTV cho biết thủ phạm vụ án có khả năng leo trèo, bấu víu vào tường nhà rất siêu nên việc đột nhập, leo chuyền qua các nhà cao tầng để trộm cắp đối với hắn dễ như... nhện đu dây!

Vốn thân tình như anh em vì đã cùng nhau tác nghiệp, gắn bó lâu năm, nên PV mắt bừng sáng, cất lời chen ngang: "Anh vừa nói giống nhện đu dây đúng không?". Điều tra viên cười, gật đầu xác nhận và kể tiếp về vụ trộm do T. thực hiện trước đó vào đêm khuya ở một căn hộ ba tầng, lấy được cái máy tính xách tay, nhưng chưa kịp thoát xuống đất đã bị chủ nhà phát hiện, tri hô. Để thoát thân, đối tượng quyết định ôm theo tang vật phi thân từ tầng 2 xuống đất. Những người chứng kiến vụ việc đều lo cho sự an nguy của đối tượng. Còn hắn, sau khi tiếp đất dù loạng choạng giây lát nhưng đã nhanh chóng ngồi dậy, ôm theo tang vật tập tễnh lẩn vào một con hẻm và mất dạng trong bóng tối nhập nhoạng.

Sau khi nghe ĐTV kể nhiều câu chuyện về khả năng leo trèo thiên phú của thủ phạm vụ trộm, PV chốt: "Từ hôm nay, đối tượng sẽ có thêm biệt danh mới là "T. nhện". Sau khi hoàn tất khâu lấy tài liệu, tiếp đến là phần thu thập hình ảnh. Hoạt cảnh được dựng lại là khung hình ĐTV làm việc, lấy lời khai của đối tượng. Lì lợm, liều lĩnh trong thực hiện hành vi trộm cắp là thế, nhưng khi làm việc với ĐTV và trả lời những câu hỏi do PV đặt ra, T. có lúc đẫm lệ biện minh cho hành vi, đổ lỗi vì hoàn cảnh.

Bài báo được phát hành và đối tượng siêu trộm ngoài tên cha sinh mẹ đẻ còn được gắn thêm biệt danh mới là "T. nhện". Đồng loạt sau đó, các báo khai thác thông tin về vụ trộm kim cương bạc tỷ do T.T.T thực hiện đã được CA điều tra khám phá ra sao và đối tượng khai nhận quá trình phạm pháp thế nào... đều được đăng kèm biệt danh "T. nhện". Có lẽ cho đến nay, ngay cả T. cũng không hiểu nổi mình có biệt danh liên quan đến một loài giăng tơ, giỏi leo trèo từ khi nào và do ai đặt cho.

Bình luận (0)

Lên đầu trang