Những ngày Tết dấu yêu

Chủ Nhật, 15/01/2023 15:44  | An Hòa

|

(CATP) Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, dù là giai đoạn hậu "kinh tế mở cửa", nhưng nhiều gia đình vẫn còn khó khăn. Gia đình công chức thuộc khối hành chính còn được phân bổ tem phiếu để mua gạo, thịt…, lắm nhọc nhằn...

Tuy vậy, sáng mùng 1 Tết năm nào cũng nồng nàn tình thân, là kỷ niệm đẹp mang theo trong suốt cuộc đời mỗi người.

Với suất lương còm cõi, từ đầu tháng 12 của năm cũ, ba má tôi đã lo sắm đồ mới cho hai đứa con đón Tết. Tôi học lớp 1, anh Hai học lớp 7. Khi đó, quần áo chủ yếu là đặt tiệm may. Sau khi gói ghém lương, ba má lại chở hai đứa con trên chiếc xe "cúp" cà tàng đi lựa vải, chọn một tiệm may quen thuộc để may đồ mới cho các con. Với con nít, sáng mùng 1 năm nào cũng có bộ đồ mới cho "bằng bạn bằng bè" thì rất đỗi sung sướng. Trong khi đó, dù ngày Tết nhưng quanh đi quẩn lại ba má vẫn chỉ mặc vài bộ đồ đi làm thường nhật, có khi đã bạc màu theo thời gian.

Trước bữa cúng tất niên, ba má tôi lại ra tiệm may mang hai bộ đồ mới về cho các con. Má tỉ mẩn giặt tay (khi đó làm gì có máy giặt), cẩn thận ủi từng nếp ly trên áo quần rồi trang trọng đặt trong tủ quần áo. Ba thì lo phun nước, rửa sạch chiếc xe máy để chuẩn bị cho dịp năm mới.

Đúng đêm giao thừa, sau những tiếng pháo nổ rền vang và nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước qua tivi đen trắng, má tôi mang hai bộ đồ mới ra treo bên ngoài để sáng hôm sau các con mặc du xuân. Sáng mùng 1, ba má dậy thật sớm chuẩn bị bữa sáng và lì xì mừng tuổi cho hai con. Xong xuôi đâu đó, tôi leo lên phía trước xe cúp, anh Hai ngồi phía sau với má, ba cầm lái chở cả nhà đi chúc Tết cơ quan của ba má. Khi đó, hai anh em được lì xì rất nhiều phong bì đủ màu sắc, mang về nhà bỏ vào "ống heo" tiết kiệm để dành mua quần áo, sách vở.

Bé bỏ ống heo sáng mùng 1 Tết

Ba má bảo anh Hai lấy xe đạp chở tôi đến một tiệm chụp hình gần nhà để chụp vài tấm hình kỷ niệm. Bác thợ chụp hình tay cầm loại máy ảnh "cơ" rất lớn, mỉm cười thật tươi, ẵm tôi đặt đứng lên gốc một chậu cảnh, tay tôi cầm khẩu súng nước. Anh Hai thì đứng cạnh chậu cây. Bác thợ chụp hình sửa soạn, đặt vị trí cho hai vị khách "nhí" rồi bấm chừng chục tấm ảnh. Chụp xong, tiệm ghi giấy biên nhận, hẹn cả tuần sau tới lấy.

Buổi trưa, sau khi dâng mâm cúng lên tổ tiên là dĩa thịt gà chặt rất kiểu cách, tô đu đủ xào thịt bò, tô khổ qua nhồi thịt..., ba má dọn ra chiếc bàn tròn. Lúc này, đồng nghiệp của ba má tôi tới nhà chúc Tết, được mời dùng bữa cùng gia đình. Trong ngày này, theo phong tục, ai nấy cũng nói điều vui tươi, cấm kỵ nói những chuyện buồn. Tiếng cười tan chảy đến giữa giờ ngọ. Cả năm trời tất bật công việc, đây là những ngày đẹp nhất trong năm khi mọi người ngồi gần nhau hơn, sẻ chia bao điều dung dị từ công việc đến cuộc sống thường nhật, bao gồm cả chuyện mua chậu hoa và mâm ngũ quả chưng Tết...

***

Hơn 30 năm đã trôi qua, từ cậu bé lớp một nhìn lại đã nửa đời người, bất chợt thấy mái tóc điểm vài sợi bạc, tôi vẫn nhớ như in về những ngày xưa cũ. Đó là cái thuở còn thiếu thốn, vất vả nơi miền Trung xa xôi. Tới giờ, dù thời buổi kinh tế mở cửa, hòa nhập với thế giới, nhưng phong vị sáng mùng 1 Tết của gia đình tôi vẫn vậy, tiếp nối truyền thống qua nhiều thế hệ. Ba má giờ gần 70 tuổi, tóc đã bạc nhiều, vẫn tất bật chuẩn bị trang hoàng nhà cửa, mâm cúng trong những ngày Tết đến xuân về, y như nhiều năm về trước. Nhiều lúc con cháu muốn ông bà nghỉ ngơi, thuê người dọn dẹp, nhưng má tôi lại cười hiền từ: "Còn sức thì làm một tí cho vui, cho khỏe mà con". Ánh nhìn hồn hậu của má tôi làm con cháu không thể cưỡng lại được.

Đường phố rộn ràng sắc xuân

Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước, bây giờ sáng mùng 1, các cháu nhỏ không còn cảnh nhảy cẫng lên vì bộ đồ mới duy nhất trong năm như xưa, mà đã có nhiều đồ thời trang, thỏa sức lựa chọn. Thường thì các cháu sẽ mặc áo dài màu đỏ tươi để chúc thọ ông bà, chúc phúc cha mẹ, rồi sẽ mặc bộ màu xanh đi khai xuân. Vẫn là sáng sớm mùng 1 bên chậu cúc vàng ươm, giữa tiết trời se lạnh, ông bà lì xì cho các cháu rồi các cháu lấy "ống heo" nhét vào để dành mua những món đồ mình yêu thích, có nhà thì trẻ tích cóp để dành đi du lịch. Phong bao lì xì sáng mùng 1 của một xã hội sung túc cũng nhiều màu sắc, lộng lẫy, trang nhã hơn. Các cháu nhỏ bây giờ đủ đầy hơn, ít thích ăn kẹo dừa, bánh thuẫn như xưa vì đồ ăn tràn ngập, nào là nước ngọt, socola, bánh tây, gà rán...

Thời gian trôi nhanh như gió thoảng mây bay, không còn cảnh hai anh em "cưỡi" xe đạp đi chụp hình đầu năm mà đã có điện thoại thông minh thay thế. Thay cho cảnh cả nhà chở nhau trên chiếc xe máy cũ kỹ, nhiều nhà chở nhau bằng xe máy tay ga "xịn" hoặc xe hơi rộng rãi, thoáng mát. Dù vậy, trong tâm tưởng tôi, những hoài niệm dấu yêu vẫn đẹp dường nào giữa một thời khốn khó nhưng đậm đà và lung linh cảm xúc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang