Tết Nguyên đán được xem là lễ quan trọng nhất để tạm nghỉ việc nước và thưởng thức tiết xuân ấm áp, nhằm mong muốn sự phồn thịnh của quốc gia, dòng tộc...
Những lễ hội chính trong Tết cung đình
TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô (TTBTDTCĐ) Huế nhận xét: “Trong cung đình có những đặc trưng riêng do các lễ chính được quy định chặt chẽ, được xem là luật lệ. Vì vậy, phần lễ là chính, phần hội đôi khi mờ nhạt. Vào thời Nguyễn, các hoạt động lễ trước và sau Tết Nguyên đán được tổ chức rất trang trọng và chu đáo”.
Đầu tiên là Lễ Ban sóc (Lễ ban lịch năm mới) vào ngày 1-12 âm lịch tại điện Thái Hòa (từ năm 1840 thì tổ chức tại Ngọ Môn). Cơ quan Khâm Thiên Giám đặt triều nghi và dâng lịch năm mới. Sau đó, vua ban lịch cho các quan, các quan làm lễ tạ ơn rồi tổ chức các quan huyện lĩnh lịch để phát cho thần dân.
Tiếp đến là Lễ Tiến xuân - Nghênh xuân. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng trong dịp Tết ở cung đình, tổ chức vào tiết Lập xuân (đầu tháng 2 dương lịch) tại điện Cần Chánh đến quảng trường Ngọ Môn. Khoảng ngày 21, 22-12 âm lịch, Khâm Thiên giám và Võ khố lấy nước và đất ở phường Tuế Đức, dùng gỗ làm cốt làm ra 3 con Trâu đất và 3 vị Mang thần (thần chăn trâu với hình tượng là đứa bé đứng cạnh con trâu). Thân trâu cao 4 thước (thước phong thủy tính mỗi thước 28cm) tượng trưng 4 mùa; dài 8 thước tượng trưng 8 tiết, đuôi dài 1 thước 2 tấc tượng trưng 12 tháng. Mang thần cao 3 thước, 6 tấc, 5 phân tượng trưng 365 ngày...
Phủ Thừa Thiên cho đặt đàn tế, các quan binh rước Trâu đất và Mang thần đến đàn tế làm lễ Nghênh xuân. Sớm ngày Lập xuân, các đại thần mặc triều phục rước Trâu đất và Mang thần đi qua các cửa chính và Nội giám tiếp nhận tiến vua, sau đó quan phủ Thừa Thiên đánh trâu đất 3 roi tỏ ý khuyên việc cày cấy, khuyến khích nông nghiệp. Từ đó về sau, hàng năm làm Lễ Tiến xuân xong, cứ bưng Trâu đất và Mang thần lần trước ra giao Võ khố nhận lưu trữ.
Vua Khải Định chủ tọa đãi yến tiệc Tết hoàng cung - Ảnh: tư liệu
Lễ Phất thức (Lễ quét dọn) vào ngày 20 tháng Chạp. Triều đình cho chuẩn bị 6 tủ gỗ chứa các ấn vàng, ấn ngọc. Khi vua ra ngự giá, các cửa tủ đều mở, dùng khăn thấm nước lấy từ sông Hương lau các ấn rồi cho vào tủ khóa lại, niêm 2 chữ “Hoàng phòng”. Sau lễ này, vua và các quan nghỉ việc, không dùng ấn nữa, cho đến đầu năm mới sau khi làm lễ Khai ấn, các công việc mới tiếp tục trở lại. Từ 25 tháng Chạp đến 11 tháng Giêng là thời gian vui Tết, triều đình ngưng giải quyết các công việc.
Lễ Cáp hưởng là lễ tế cuối năm tại các miếu để mời các bậc tiên đế về ăn Tết, tổ chức ngày 30 tháng Chạp. Vua ngự ra Thế Miếu hoặc Thái Miếu làm chủ tế lễ. Các thân công (họ hàng của vua được phong tước công), hoàng tử, đại thần đi cúng tế ở các lăng tẩm, đền miếu, chùa quán ở kinh đô. Lễ Thướng tiêu (lễ dựng cây nêu) tổ chức vào 30 tháng Chạp. Vua ngự ra điện Thái Hòa, các thân công, hoàng tử, các đại thần dựng nêu ở các lăng tẩm, đền miếu, chùa quán ở kinh đô sau đó thần dân mới dựng cây nêu tại nhà.
Đội quan làm lễ ngày Tết - Ảnh: tư liệu
Trong và sau Tết cũng có nhiều lễ rất quan trọng. Lễ mừng nhà vua như một lễ đại triều. Sáng mùng 1, tất cả thân công và văn võ bách quan đều mặc lễ phục. Thân công đứng hai hàng bên trong điện Thái Hòa, quan văn võ đứng hai hàng trên tầng sân rồng thứ nhất theo phẩm sơn (tả văn, hữu võ); các bô lão đứng ở tầng sân dưới và bên ngoài là binh lính, voi ngựa. Biểu mừng Tết dành cho vua thường có nội dung: “Gặp Tết Nguyên đán, Tam dương tươi sáng; muôn vật sinh sôi. Non sông một cảnh tượng êm đềm, tiên bàn dâng Thụy; Cung khuyết ba sắc mây đầm ấm, giáp lịch mở đầu. Chúng thần thực lòng hoan hỉ, kính cẩn dâng biểu chúc mừng”. Sau đó các hoàng đệ, hoàng tử, công chúa đến mừng vua 5 lạy.
Quang cảnh Đại lễ tế Tết năm 1923 - Ảnh: Tư liệu
Nghi lễ mừng Thái hậu được thực hiện trang trọng do các vua Nguyễn đề cao chữ hiếu, được tổ chức tại cung Trường Thọ (nay là cung Diên Thọ) – nơi Thái hậu ở, sinh hoạt. Lễ mừng Hoàng thái phi diễn ra tại điện Khôn Đức. Lễ mừng Hoàng thái tử diễn ra ở điện Thanh Hòa. Đến ngày mùng 2, vua quan bái lạy tại điện Phụng Tiên (nơi thờ các vua Nguyễn); ngày mùng 3 đi thăm thầy dạy; ngày mồng 5 đi du xuân, thăm viếng lăng tẩm, chùa đền bên ngoài Kinh thành; ngày mồng 7 làm lễ Khai hạ (hạ nêu), các quan giữ ấn làm lễ Khai ấn, mở hòm ấn, tượng trưng bắt đầu công việc trong năm mới.
Ngoài ra còn nhiều lễ khác như Lễ tế cờ, có bắn 3 tiếng súng thần công với ý nghĩa xua đuổi tà ma ác quỷ. Lễ tế hưởng ở các miếu được thực hiện trang trọng khi vua làm chủ lễ tế ở Thái Miếu hoặc Thế Miếu; các công thần tế lễ ở các miếu còn lại.
Đoàn của vua Bảo Đại trong một nghi lễ ngày Tết
Đoàn voi trong lễ tế giao - Ảnh: nghi lễ được phục dựng ở Festival
Độc đáo yến tiệc cung đình
Sáng mùng 1 sau khi làm Lễ mừng nhà vua xong thì vua truyền chỉ ban tiền thưởng xuân và yến tiệc. Các hoàng thân hoàng tử mỗi người được 20 lạng bạc, quan văn võ chánh nhất phẩm 12 lạng bạc, tòng nhất phẩm 10 lạng, chánh nhị phẩm 8 lạng.
Yến tiệc Tết mang dấu ấn đặc sắc văn hóa cung đình triều Nguyễn, thường tổ chức ở điện Cần Chánh và Tả Vu, Hữu Vu. Các quan phủ doãn, quan tỉnh dự tiệc yến ở hai bên, trước điện Thái Hòa. Mỗi cuộc yến tiệc có nhiều sơn hào hải vị: yến sào, nem công, chả phụng, môi đười ươi, thịt chân voi... Sau đó, mỗi người được biếu một gói quà mang về cho con cháu.
Nguyên vật liệu ẩm thực được cung cấp từ 3 nguồn trong cả nước. Món ăn gồm nhiều loại từ thủy hải sản (yến sào, vây cá, bào ngư, hải sâm, cá khoai, tôm, cua…), cầm thú (gân hươu, thịt gà, dê, lợn, ngựa…), lương thực, chè, hoa quả, các loại bánh kẹo, mứt... Những món ngự thiện như nem công được xem như thần hộ mạng của các bậc đế vương bởi có công dụng giải độc tố. Món chả phượng không rán mà chỉ gói vào lá chuối thật kín rồi đem hấp chín. Bàn tiệc không thể thiếu món gân nai, chè yến, chè hạt sen, môi đười ươi, bàn tay gấu, đệm chân voi… Đặc biệt phải kể đến nhóm món ăn cao cấp, quý hiếm là bát trân gồm yến sào, hải sâm, bào ngư, hào xi, lộc cân, cửu khổng, tê bì, hùng chưởng.
Tranh vẽ đại lễ ngày mùng 1 Tết ở Thế Miếu – Đại nội Huế năm 1923- Ảnh: tư liệu
Theo bà Tôn Nữ Thị Hà (SN 1941, trú TP.Huế, hậu duệ của vua Minh Mạng) là truyền nhân ẩm thực cung đình triều Nguyễn, thì ở cung vua là một không gian uy nghi, cao quý và tại điện thiết tiệc là choáng ngợp trước sự xa hoa, lộng lẫy của những vật dụng dát vàng và những món ăn đặc biệt cầu kỳ. Yến tiệc đa dạng và phong phú, tập hợp các món ăn quý tộc cùng với các món ăn dân dã. Bộ phận tổ chức ẩm thực tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, chuẩn tắc được cụ thể hóa trong các văn bản. Phong cách yến tiệc của mỗi vị vua cũng hết sức riêng biệt, cá tính.
Các nghệ nhân ẩm thực phải đảm bảo nghệ thuật sắp xếp rất cầu kỳ, kết hợp với kỹ thuật nấu nướng tài tình để luôn làm hài lòng những vị vua kỹ tính nhất. Các món trình bày đẹp mắt, sạch sẽ và thơm ngon. Bàn tiệc đầy đủ sắc màu và dư vị, đan xen hòa quyện. Đơn vị lo việc ăn uống của vua được lập từ thời vua Gia Long (1802) là Thuyền nội trù.
Đến thời vua Minh Mạng, đổi tên thành đội Thượng Thiện gồm 50 người (1820), mỗi người phụ trách một món, tùy theo sở trưởng. Ngoài ra, còn có ty Lý Thiện chuyên làm cỗ bàn mỹ vị, ty Tả chuyên làm bánh kẹo, đồ nước; ty Hữu chuyên việc quầy bánh, dâng tiến. Bấy nhiêu sự kỳ công, cốt để tạo nên vẻ tinh tấn trong ngọc thực dâng yến tiệc cung đình.
Món ăn cung đình Huế - Ảnh: nghi lễ được phục dựng trong Festival
Trên bàn tiệc có huỳnh tửu cùng hơn 30 món ăn khác nhau được cung kính dọn lên, thơm phức và đẹp cầu kỳ, mang đủ hình ảnh long, lân, quy, phượng để dâng lên vua và các vị quan khách. Với 50 bát và 16 dĩa, mỗi món chỉ cần gắp 1 miếng là quan khách đã đủ no mười phần.
Sau các cuộc lễ này, vua cùng các đại thần đưa các hoàng tử đến cung Diên Thọ dâng biểu chúc mừng Hoàng Thái hậu (mẹ của vua). Việc du xuân được các vua Nguyễn thực hiện từ ngày mùng 5 âm lịch. Thường thì vua lên kiệu cho quân lính cáng đi, các quan văn, võ cùng binh lính theo sau hộ giá. Đoàn đi một vòng quanh kinh thành và một vài nơi vua thích để vừa du xuân lại vừa xem dân tình ăn tết ra sao.
TS Phan Thanh Hải khẳng định: “Một số lễ hội (trong lễ hội có yến tiệc, ẩm thực) cung đình đặc sắc của Huế đã được đầu tư nghiên cứu, phục dựng, phục vụ trực tiếp cho các Festival quốc tế và xa hơn là nhằm vào mục tiêu góp phần xây dựng Huế trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Không ít các lễ hội nói trên đều có khả năng phục hồi, phát huy giá trị và thực tế đã chứng minh điều đó”.
Khách dự tiệc cung đình Huế - Ảnh: buổi tiệc mô phỏng thời nay
Hoạt cảnh tái hiện vua dự yến tiệc hoàng cung