Trưng bày "Tiếng nói của đất" tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, TPHCM:

Truyền tải thông điệp tôn vinh và bảo tồn nghề truyền thống

Thứ Sáu, 12/05/2023 15:20  | Huệ Trinh

|

(CAO) "Tiếng nói của đất"- trưng bày chuyên đề vừa được Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (TP.HCM) khai mạc vào sáng 12/5/2023 đã mang đến cho công chúng, những người tham quan một không gian văn hóa đặc trưng về nghề gốm truyền thống- một trong những ngành nghề thủ công phát triển lâu đời ở Việt Nam.

Qua khối óc tinh anh, cùng bàn tay tài hoa, tỉ mỉ của con người, những hạt đất vô tri được biến thành nhiều sản phẩm tinh xảo phục vụ đời sống dân sinh đã hình thành nên đời sống mới của gốm.

Cùng với sự biến chuyển của thời gian, nghề gốm cũng thay đổi không ngừng từ thủ công đến công nghiệp hóa, đóng góp nhiều giá trị về kinh tế, văn hóa trong đời sống các dân tộc Việt Nam.

Cắt băng khai mạc trưng bày "Tiếng nói của đất"

Từ lâu, các sản phẩm được làm bằng gốm đã trở thành hàng hóa thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân Việt Nam, nhất là vùng miền Đông, Tây Nam bộ.

Theo đó, những sản phẩm nồi, lu, hũ, khạp, đèn, chén, tô, dĩa, bình hoa, ly trà... luôn quen thuộc, hiện diện trong cuộc sống mỗi nhà, gắn liền với công việc nội trợ của những người phụ nữ. Sản phẩm gốm được làm ra không chỉ dùng trong đời sống hàng ngày mà còn để mua bán, trao đổi ở các chợ, các thị tứ, cũng như các địa phương lân cận tạo ra một thị trường sôi động.

Đông đảo khách tham quan trưng bày

Cũng xuất phát từ đất nhưng qua kinh nghiệm, cách xử lý tinh tế, khéo léo, tài hoa của người dân từng địa phương, mỗi sản phẩm gốm hình thành lại có đời sống rất riêng của nó, đã tạo nên tính đặc thù, riêng biệt cho mỗi làng nghề và hình thành nên thương hiệu đặc trưng cho từng vùng.

Đến nay, nhiều địa phương sản xuất gốm gia dụng vẫn còn bảo lưu những giá trị văn hóa mang nhiều tính truyền thống, gắn liền với tên tuổi, sức sáng tạo của từng địa phương như: gốm Sành nổi tiếng của người Việt (Bình Định); gốm Bàu Trúc của người Chăm (Ninh Thuận); gốm Krông-gọ của người Chu Ru ở Lâm Đồng...

Hay nhắc tới miền Đông Nam Bộ, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới gốm của người Việt, người Hoa ở Tân Vạn, Biên Hòa (Đồng Nai) và Lái Thiêu (Bình Dương). Cũng vậy, miền Tây Nam bộ lại nổi tiếng với gốm Phnôm Pi của người Khmer ở Hòn Đất (Kiên Giang) và Tri Tôn (An Giang)...

Một sản phẩm gốm trưng bày

Để ghi nhận những đóng góp của các làng nghề truyền thống, cùng việc bảo tồn, lưu giữ nghề thủ công truyền thống của các nghệ nhân yêu nghề, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã tổ chức sưu tầm tư liệu, hiện vật, trưng bày chuyên đề “Tiếng nói của đất” nhằm tạo ra một không gian văn hóa mang đậm tính truyền thống, đồng thời nhấn mạnh đến việc kế thừa, lưu giữ và truyền dạy các ngành nghề truyền thống, trong đó có nghề gốm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang