(CAO) Hơn hai mươi hộ dân làm ăn và sinh sống tại tiểu khu 442, khoảnh 10 và 11, thôn Nao Quang, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) trong vụ việc bị những kẻ lạ mặt đốt nhà, chặt phá cây trồng đang lâm vào tình cảnh khốn đốn.
Người thì ăn nhờ ở đậu, người thì làm thuê cuốc mướn, cuộc sống hết sức khó khăn.
Trở lại Bảo Lâm vài tháng sau vụ việc, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy bà con nơi đây vẫn còn chạy cái ăn hàng ngày, nhà cửa vườn tược xác xơ nhưng không dám rời mắt ngày nào vì sợ lại bị kẻ gian phá hoại. Họ còn hoang mang, không yên tâm tu sửa nhà cửa hay trồng lại cây trồng vì vẫn nơm nớp lo sợ bị phá phách...
Trong buổi trao đổi với PV Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh, chị Trần Thị Na (44 tuổi) ngụ tại thôn 9, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm nước mắt lưng tròng kể lại: “Năm 2009, vợ chồng tôi dành dụm chắt chiu được chút tiền mua một miếng đất ở thôn Nao Quang để trồng chè và dâu tằm, đến đợt thu hoạch rộ vào khoảng tháng 5 năm 2015 thì vợ chồng tôi bàng hoàng thấy 7000 cây chè và gần 4 sào dâu trong một đêm đã bị chặt phá hết.
Chị Nguyễn Thị Na bức xúc kể câu chuyện với PV
Chúng tôi không biết phải sống thế nào nữa vì không còn nguồn thu nhập nào khác, có 5 người con thì 3 đứa đã nghỉ học để phụ giúp cha mẹ, còn 2 cháu nhỏ giờ đây chẳng biết làm gì kiếm sống. Vợ chồng tôi giờ phải trồng lại bắp, khoai, rồi rảnh rang lúc nào thì làm thuê kiếm cái ăn hàng ngày...”
Cũng rơi vào tình trạng khốn đốn đó, anh Đặng Văn Quân (36 tuổi) ở thôn Nao Quang, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm cho biết: “ Sinh ra ở Hà Tĩnh, cuộc sống ở quê gặp khó khăn nên năm 1993 tôi khăn gói vào Lâm Đồng làm kinh tế.
Đến năm 2005 tôi lấy vợ và sinh được 2 người con, cuộc sống chật vật lại nhân lên bội phần khi bị kẻ gian đập phá đồ đạc, đốt nhà trong một lần gia đình tôi đi vắng vào ngày 21 tháng 3 năm 2015”.
Cùng ngày với trường hợp của anh Quân là gia đình anh Nguyễn Văn Phương (34 tuổi) cũng bị kẻ gian lợi dụng lúc anh Phương đưa vợ đi sinh ở bệnh viện, chúng đã đến đốt sạch nhà cửa của anh. Thương tình đôi vợ chồng trẻ và con thơ, bà con lối xóm đã đến giúp anh dựng tạm ngôi nhà nhỏ trú mưa tránh nắng...
Chị Ka Nhiễu với bố mẹ
Ở bài viết “Nhiều đối tượng lạ lén lút đốt nhà, chặt phá và ‘đầu độc’ cây trồng tại Lâm Đồng” chúng tôi đã đề cập đến trường hợp của chị Ka Nhiễu (33 tuổi) ở Thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm. Gia đình chị là gia đình chính sách, bố chị là ông Ka Sáu (75 tuổi) là thương binh được nhận trợ cấp hàng tháng của nhà nước vì đã tham gia chiến đấu 15 năm ở chiến trường miền Đông, hòa bình rồi ông lại tiếp tục làm công tác trông coi và bảo vệ rừng suốt 10 năm; còn mẹ chị là bà K’Bràng (62 tuổi) cũng là thanh niên xung phong làm công tác hậu cần; gia đình chị chắt chiu làm lụng và khai phá được vài hécta để trồng cà phê nuôi 36 nhân khẩu, tưởng chừng cuộc sống được ấm no hơn, nào ngờ khi cà phê đang vào đợt thu hoạch lại bị chặt hàng loạt.
Cháu Nguyễn Hồng Sơn và bà ngoại.
Kiến thức hạn chế, đời sống khó khăn, những người đồng bào dân tộc ít người này giờ lại lâm vào hoàn cảnh túng quẫn hơn bao giờ hết.
Cháu Nguyễn Hồng Sơn (16 tuổi) là con trai thứ hai của chị Nguyễn Thị Hương ngụ tại thôn 9, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm cho biết: “Cháu mồ côi bố từ nhỏ, ban đầu cháu cũng được đi học nhưng từ khi vườn nhà cháu (tức khu vực thôn Nao Quang) bị người ta phá thì cháu phải nghỉ học để đi làm thuê giúp mẹ cháu.
Mẹ con cháu phải ra ở nhờ nhà bà ngoại để đi làm thuê kiếm ăn và nuôi bà nữa... Cháu chỉ mong nhà nước tìm ra người phá nhà cháu để cháu được có nhà để ở, có vườn để làm, chứ cháu bé quá người ta ít mướn cháu lắm...”
Cũng thông tin thêm về gia cảnh của anh Phạm Văn Học (sinh năm 1969) ở thôn Nao Quang, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm. Gia đình anh mua được 1,5 ha để canh tác cà phê và chanh dây, nhưng lại bị chặt phá gần hết chỉ còn sót lại gần 1 sào cà phê. Suốt mấy tháng qua anh phải cắn răng trồng lại mà vẫn nơm nớp lo sợ. Anh bùi ngùi:“Vợ chồng tôi khăn gói vào đây làm kinh tế, hai con thơ phải gửi ông bà ở quê, vào tận vùng sâu rồi mà vẫn chẳng yên thân,...”.
Câu nói bỏ ngang và cái lắc đầu của anh khiến cho ai nấy nghe được đều thắt lại.
Căn nhà bị kẻ xấu phá
Không chỉ riêng gia đình chị Trần Thị Na, anh Đặng Văn Quân, chị Ka Nhiễu, cháu Nguyễn Hồng Sơn, anh Phạm Văn Học mà hơn hai mươi hộ dân làm ăn và sinh sống tại tiểu khu 442, khoảnh 10 và 11, thôn Nao Quang, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm cũng đang lâm vào tình trạng khốn đốn, người thì ăn nhờ ở đậu, người thì làm thuê cuốc mướn, cuộc sống hết sức khó khăn trong vụ việc bị những kẻ lạ mặt đốt nhà, chặt phá cây trồng.
Tận mắt chứng kiến giọt nước mắt và lắng nghe những người dân nơi đây chia sẻ, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Thiết nghĩ chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan cần nhanh chóng vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc để bà con nơi đây yên tâm sinh sống và làm ăn.