(CAO) Trong 2 ngày 26, 27/10, TAND Hà Nội sẽ mở phiên sơ thẩm xét xử Trần Quốc Đông và 5 đồng phạm. Cả 6 bị can bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” nhận "bôi trơn" hơn 11 tỷ đồng theo Khoản 3 điều 281 BLHS.
Đầu mối của vụ việc là Phạm Hải Bằng (SN 1969, ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội, cựu Phó giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU), thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam.
Ngoài ra, các đồng phạm là Nguyễn Nam Thái (SN 1977, ở phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cựu Trưởng phòng thực hiện dự án 3, thuộc RPMU); Trần Văn Lục (SN 1958, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội, cựu Giám đốc RPMU); Trần Quốc Đông (SN 1964, ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam); Nguyễn Văn Hiếu (SN 1962, ở phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, cựu Giám đốc RPMU) và Phạm Quang Duy (SN 1975, ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, cựu Phó giám đốc RPMU).
Phạm Hải Bằng tại tòa sáng 26-10
Cả 6 bị cáo cùng bị xét xử với tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 281 Bộ luật Hình sự.
Trước ngày mở phiên xử 6 cựu quan chức đường sắt bị cáo buộc nhận “lại quả” 11 tỷ đồng của nhà thầu Nhật Bản, 4 bị can đã bị tạm giam để đảm bảo cho công tác xét xử.
Lệnh tạm giam được TAND Hà Nội đưa ra với các bị can gồm Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc Ban Quản lý các Dự án đường sắt – RPMU, thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên giám đốc RPMU), Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên giám đốc RPMU), Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên phó giám đốc RPMU).
Theo cáo trạng, tháng 10-2008, Bộ GTVT phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1). Theo đó, RPMU là đại diện chủ đầu tư quản lý dự án; Phạm Hải Bằng được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm dự án.
Ngày 9-9-2009, RPMU đã ký hợp đồng tư vấn kỹ thuật dự án tuyến số 01 với công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) và một số công ty khác. Phạm Hải Bằng đã nêu ra một số lý do, yêu cầu phía JTC hỗ trợ một khoản kinh phí.
Sau khi JTC chấp thuận ý kiến, Bằng đã thông báo cho Phạm Quang Duy (lúc đó là Trưởng phòng dự án 3 - RPMU) cùng Nguyễn Nam Thái biết để thực hiện.
Kết quả điều tra cho thấy, trong quãng thời gian từ tháng 9-2009 đến tháng 2-2014, JTC đã chuyển Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái và Phạm Quang Duy 11 tỉ đồng.
Toàn bộ số tiền này đã được các bị can sử dụng cho các chi phí tiếp khách, in ấn tài liệu, hội họp đi lại, làm ngoài giờ,… Ngoài ra, các bị cáo còn rút tiền chi cho tập thể để vụ lợi cá nhân như: đi du lịch, hoạt động đoàn thể,…
Cáo trạng của VKSND Tối cao khẳng định: Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn thỏa thuận nhà thầu JTC chi tiền ngoài hợp đồng của Phạm Hải Bằng và Nguyễn Nam Thái sử dụng nêu trên gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín Việt Nam, ảnh hưởng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vay, sử dụng vốn ODA.
Hiện Nhật Bản đang xử lý JTC nên đã làm ngưng trệ việc thực hiện dự án. Các bị can Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu và Phạm Quang Duy biết việc nhận tiền từ nhà thầu JTC của Phạm Hải Bằng và Nguyễn Nam Thái, nhưng vẫn đồng tình để sự việc diễn ra trong thời gian dài.
Quá trình điều tra các bị can đã tự nguyện nộp tiền vào tài khoản của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để khắc phục hậu quả gồm: Bằng nộp 970 triệu đồng và 7.000 USD; Duy nộp 65 triệu đồng, Thái nộp 600 triệu đồng, Lục nộp 100 triệu, Đông nộp 30 triệu. Được biết, việc nhà thầu JTC chi tiền ngoài hợp đồng cho RPMU đã bị cơ quan tố tụng Nhật Bản khởi tố xử lý về hành vi cạnh tranh không công bằng.