(CAO) Trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM, đại diện Bệnh viện dã chiến số 8 cho biết, rất may là bệnh viện đã phát hiện kịp thời, liên hệ với người nhà thông báo về tình hình sức khỏe của bệnh nhân, và cảnh báo đến người nhà không rơi vào bẫy lừa đảo.
Hiện nay tình dịch dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp, TPHCM thiết lập hàng loạt bệnh viện dã chiến để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. Nhiều gia đình lâm cảnh ly tán, gây tâm lý lo sợ cho người thân. Lợi dụng tình hình này, nhiều đối tượng đã ra sức thực hiện đủ chiêu trò lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản của người dân.
Cách đây mấy ngày, tại nhóm Giúp nhau mùa dịch trên Facebook xuất hiện một dòng cầu cứu rất thảm thiết: "Làm ơn cho em hỏi có bác sĩ nào đang làm ở Bệnh viện dã chiến số 8 ở Thủ Đức không ạ, giúp em với. Hôm qua có bác sĩ điện thoại báo là mẹ em đã đứng tim, nguy cơ tử vong rất cao, báo cho người nhà biết để nắm rõ tình hình. Sáng giờ em liên lạc về trên đó không được ạ, mong các bác sĩ giúp em với ạ. Do em mới mất ba cũng vì nhiễm, nhà rất rối cho nên em không muốn mất thêm mẹ, cầu mong mọi người giúp em với ạ. Mẹ em tên là...".
Đọc được lời cầu cứu thương tâm trên, hàng trăm Facebooker đã hỏi thăm, chia sẻ tìm cách giúp đỡ. Trong mớ thông tin hỗn loạn, người nhà bệnh nhân hiện đang thất nghiệp, rất lo lắng khi có người xưng là nhân viên bệnh viện kêu đóng 8 triệu đồng tiền viện phí.
Trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM, đại diện Bệnh viện dã chiến số 8 cho biết bệnh viện đã liên hệ với người nhà thông báo về tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Các bác sĩ đang ra sức điều trị cho bệnh nhân, gia đình không phải đóng bất kỳ một khoản chi phí nào cho bệnh viện. May là có sự cảnh báo kịp thời của bệnh viện không thì cô con gái của người bệnh lại long đong đi vay tiền để chuyển khoản lo cho mẹ.
Mới đây, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có thông tin cảnh báo thủ đoạn giả mạo trang thông tin điện tử (website) của Bộ Y tế để lừa đảo trợ cấp COVID-19.
Cụ thể, đối tượng xấu lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người dân để giả mạo thông tin xin trợ cấp tiêm chủng vaccine COVID-19 và lừa tiền cứu trợ thông qua 2 tên miền là “honapply.vn” và “miniboon.vn."
Theo Công an TPHCM, tranh thủ lúc tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều kẻ xấu đã thực hiện hành vi lừa đảo, trộm cắp, cướp tài sản. Ngoài các thủ đoạn giả làm nhân viên bệnh viện yêu cầu nộp tiền viện phí, lừa tiền cứu trợ..., đối tượng tội phạm còn giả dạng nhân viên y tế, mặc trang phục bảo hộ đến nhà phát "thuốc diệt khuẩn", nhằm lừa đảo thu tiền của người dân hoặc bán hàng gian hàng giả, tìm sơ hở để trộm tài sản.
Cuối tháng 7 vừa qua, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TPHCM phối hợp Công an TP.Thủ Đức đã bắt giữ Nguyễn Minh Phụng (25 tuổi, ngụ phường Tam Phú, TP.Thủ Đức) để điều tra về hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phụng đã đăng tải trên facebook, zalo... các nội dung: cung cấp giấy xét nghiệm Covid-19 để làm giấy thông hành đi qua các trạm kiểm soát dịch (600.000đ/tờ); đăng ký dịch vụ tiêm ngừa vắc xin các loại (Pfizer 1.250.000đ/liều, AstraZeneca 1.080.000/liều); các loại dược phẩm để chữa trị khi nhiễm Covid-19; bán hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu... Sau khi các nạn nhân chuyển tiền thì Phụng chặn liên lạc để chiếm đoạt...
Trong thời điểm dịch COVID-19 còn diễn biến rất phức tạp, người dân cần hết sức đề cao cảnh giác để bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo đang ngày càng gia tăng. Khi có bất cứ điều gì không rõ ràng, nghi ngờ thì hãy liên hệ ngay với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xác minh lại, tránh rơi vào bẫy lừa đảo.
(CAO) Lợi dụng tình hình dịch bệnh, các đối tượng tội phạm mạng đã triệt để sử dụng những sơ hở trong quá trình thanh toán số của ứng dụng mua sắm trực tuyến, sự bất cẩn của người dân... để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.