Công an TPHCM cảnh báo các thủ đoạn lợi dụng dịch Covid-19 để lừa đảo

Thứ Năm, 19/08/2021 18:39  | Đức An

|

(CAO) Lợi dụng tình hình dịch bệnh, các đối tượng tội phạm mạng đã triệt để sử dụng những sơ hở trong quá trình thanh toán số của ứng dụng mua sắm trực tuyến, sự bất cẩn của người dân... để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TPHCM áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội, người dân hạn chế đi lại, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, cấp bách…

Qua đó các hoạt động mua sắm trực tuyến gia tăng, kéo theo là sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động thương mại điện tử, thanh toán số của người dân tăng cao.

Lợi dụng tình hình này, các đối tượng tội phạm mạng đã triệt để sử dụng những sơ hở trong quá trình thanh toán số của ứng dụng mua sắm trực tuyến, sự bất cẩn của người dân để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể một số thủ đoạn như sau:

- Lừa đảo qua dịch vụ "Ship COD" (dịch vụ vận chuyển sẽ ứng số tiền hàng cho người bán khi nhận hàng và thu lại tiền của người mua khi giao hàng). Nhiều trường hợp người mua yêu cầu người bán nâng giá ghi trên phiếu mua hàng của sản phẩm để thu khoản chênh lệch giá, do nhận thức không đầy đủ về vấn đề này, người bán cho rằng việc đó không ảnh hưởng gì đến mình nên đã đồng ý và sử dụng dịch vụ “Ship COD” để giao nhận hàng.

Sau khi đưa hàng cho dịch vụ vận chuyển và nhận tiền ứng hàng lớn hơn so với giá trị sản phẩm, người bán chuyển khoản số tiền chênh lệch lại cho người mua theo như đã thỏa thuận.

Tuy nhiên, khi dịch vụ vận chuyển thông báo không tìm thấy người nhận, ở địa chỉ nhận hàng, người dân cho biết không có ai mang tên như trên phiếu giao hàng. Theo quy định của dịch vụ vận chuyển, người bán phải hoàn lại tiền ứng hàng nếu không thể giao hàng đến địa chỉ người mua. Như vậy người bán đã bị lừa mất số tiền chênh lệch giá như đã thỏa thuận trước với người mua.

Lực lượng Công an xác minh vụ việc lừa đảo qua mạng

- Ảnh chụp màn hình lệnh chuyển khoản giả: Rất nhiều người bán hàng bị một nhóm trên mạng xã hội Facebook lừa vì tưởng nhầm khách đã chuyển tiền cho mình. Theo đó, đối tượng giả làm khách đặt mua hàng qua mạng, đồng thời chụp màn hình điện thoại về thông tin chuyển khoản số tiền phải thanh toán cho bên bán thành công qua Internet Banking. Bên bán coi hình chụp màn hình điện thoại, tưởng đó là thật nên nhờ dịch vụ giao nhận chuyển hàng cho khách.

Khi shipper lấy hàng đi rồi, tài khoản ngân hàng của người bán chưa nhận được tiền nên họ gọi điện cho khách thì được trấn an là do ngân hàng bị lỗi mạng nên tiền chưa tới. Phía dịch vụ vận chuyển giao hàng xong và cũng không thể lấy lại được (người mua có thể sử dụng địa chỉ giả, các khu vực không rõ ràng để làm địa chỉ nhận hàng).

- Lợi dụng lòng tham của một bộ phận người dân, cũng như tình trạng người dân có nhu cầu tìm kiếm thông tin về nhu yếu phẩm, hay khám chữa bệnh qua Internet, nhiều người gặp khó khăn về tài chính và có nhu cầu kiếm tiền trong thời gian bị cách ly, không có việc làm… gần đây trên không gian mạng xuất hiện ngày càng nhiều các ứng dụng lừa đảo mạo danh đầu tư vaccine (tương tự hình thức đầu tư huy động vốn qua các sàn giao dịch trực tuyến trước đây).

Người chơi bị lôi kéo và tin rằng việc đầu tư các gói vaccine Covid-19 qua ứng dụng sẽ thu lời hàng ngày, nhiều người bị lừa hàng chục triệu đồng khi app sập và không thể rút tiền. Các ứng dụng này có hình thức đầu tư vào các gói vaccine hoặc trang thiết bị y tế, như khẩu trang, kính bảo hộ.

Người dùng được lôi kéo đăng ký tài khoản và chơi qua một trang web hoặc ứng dụng không rõ nguồn gốc, không có bản quyền công ty bảo hộ. Việc trao đổi thông tin với người hỗ trợ cũng như với các thành viên khác được thực hiện qua nhóm chat trên Zalo, Telegram hoặc các ứng dụng mạng xã hội khác.

Đây là một kiểu tấn công lừa đảo phổ biến trên không gian mạng thời gian qua. Hình thức này sử dụng kỹ thuật cũ nhưng nội dung, thông tin theo cách mới, nhằm làm cho người dân mất cảnh giác và dễ dàng mắc bẫy, những bẫy lừa đảo này sử dụng các sản phẩm dịch vụ liên quan đến phòng chống, xét nghiệm, chữa trị Covid-19 - vốn là vấn đề được quan tâm nhiều tại Việt Nam và tiếp tục sử dụng “miếng bánh” lợi nhuận lớn để dụ dỗ người chơi.

- Đáng chú ý, lợi dụng tâm lý hoảng loạn lo sợ lây nhiễm Covid-19, các đối tượng xấu giả làm bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện mạo nhận là chúng đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi Covid-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán phí cho quá trình điều trị đó.

Các đối tượng mạo danh là nhân viên y tế của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), hay của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)... gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung về cập nhật tình hình lây nhiễm của COVID-19.

Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị tấn công bởi các mã độc và có thể bị lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng được lưu trữ trực tuyến sẽ bị đánh cắp.

Ngoài ra, các đối tượng còn tạo ra các phần mềm ứng dụng cho điện thoại, thoạt nhìn giống như các ứng dụng phổ biến dùng để theo dõi diễn biến lây lan của dịch Covid-19, nhưng khi người dùng tải về điện thoại của họ sẽ bị tấn công bởi các mã độc nhằm lấy thông tin cá nhân, thông tin bảo mật, hay chi tiết tài khoản ngân hàng/thẻ tín dụng của nạn nhân…

Cùng với đó, lợi dụng tâm lý lo sợ lây nhiễm COVID-19 của người dân, các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá dịch vụ tiêm vắc-xin, bán các sản phẩm có khả năng phòng ngừa virút để lừa nạn nhân.

Hơn nữa, các đối tượng lừa đảo lập nên các website bán hàng trực tuyến vật tư y tế như khẩu trang y tế và nước rửa tay khử khuẩn và lương thực thực phẩm... Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng lừa đảo ngắt liên lạc và không giao hàng như đã thỏa thuận.

Từ tình hình trên, Công an TPHCM đề nghị các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, lồng ghép những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trên vào các kế hoạch, chương trình, tài liệu tuyên truyền để người dân cảnh giác, phòng ngừa.

Tuyên truyền người dân tự trang bị kiến thức trước khi quyết định đầu tư trên các ứng dụng trực tuyến, người dân có thể nhận diện mô hình lừa đảo đầu tư online qua một số dấu hiệu, như kêu gọi đầu tư làm giàu nhanh; hứa hẹn trả lãi với lãi suất cao; cam kết không có rủi ro hoặc rủi ro đầu tư rất thấp, hoàn vốn theo tỉ lệ cố định; khó rút vốn và thường đưa ra lời mời chào các gói đầu tư tiếp với lãi suất cao hơn…

Thường xuyên theo dõi các trang thông tin chính thống của cơ quan nhà nuớc, nâng cao ý thức cảnh giác và cẩn trọng trong quá trình sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử… Khi phát hiện các hành vi lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trên, hướng dẫn người dân trình báo cơ quan Công an để tiến hành điều tra xử lý theo quy định của pháp luật và có thể trực tiếp gửi các đường link lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn để lực lượng chức năng tiến hành xác minh, xử lý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang