Nhan nhản rao bán, cho thuê tài khoản app
Anh Hiền chạy xe ôm ở Q.Gò Vấp (TPHCM) cho biết, do nghề xe ôm truyền thống ế ẩm nên anh phải chuyển sang chạy xe ôm công nghệ. Để được cấp tài khoản chạy xe ôm công nghệ, anh Hiền phải đăng ký với công ty, chuẩn bị hồ sơ cá nhân, lý lịch tư pháp, xác nhận hạnh kiểm. Ngoài ra, anh còn phải đăng ký sim ĐTDĐ chính chủ, tân trang lại xe, đóng tiền mua đồng phục, học cách sử dụng ứng dụng gọi xe trực tuyến, học các quy tắc giao tiếp cộng đồng cũng như Luật Giao thông đường bộ...
Nếu đăng ký mở tài khoản, anh phải mất khá nhiều loại phí, như: phí làm hồ sơ, phí chiết khấu trên mỗi chuyến xe... Trường hợp không may tài xế vi phạm luật giao thông 3 lần trở lên thì có nguy cơ bị khóa tài khoản vĩnh viễn, vừa mất phí, vừa mất cơ hội việc làm. Để giảm chi phí và tránh dính vào danh sách "đen" của các hãng xe công nghệ, anh Hiền "lách" quy chế bằng cách lên mạng mua vài bộ đồ và tài khoản của một hãng xe công nghệ, sau đó vô tư... hành nghề. Theo anh Hiền, việc bán hoặc cho thuê tài khoản xe công nghệ diễn ra nhan nhản qua mạng, mua "dễ như mua rau".
Tại trang mạng mua bán, cho thuê app "Grab/Be/Go/Aha...", tài khoản Facebook "Th. Lê” cho biết đang có app của Ahamove, Bee mới chạy được một năm, giờ không chạy nữa muốn bán lại. Tài khoản Facebook "Nguyen Anh Q." thì thông báo "có app cho thuê theo ngày, tuần, tháng đều được, giá 500k (tức 500 ngàn đồng - PV)/tháng". Tài khoản Facebook "Anh T." thông tin còn dư app Gojek cho ai có nhu cầu thuê. Tài khoản Facebook "Nam N." ghi rõ đang có tài khoản của Bebike hạng Pro, do bận công việc nên cho thuê chạy ca đêm đến 10 giờ sáng hôm sau, giá 500 ngàn đồng/tháng.
Tương tự, tại trang mạng thuê xe và tài khoản Grab/Be/Go..., tài khoản Facebook "Trần Quang V." thông báo: "mình có app Be không chạy, em nào thiện chí, mình cho thuê 300k/tháng, gặp nói chuyện trực tiếp". Liên hệ với tài khoản Facebook "Thảo V." chuyên cho thuê tài khoản app, chúng tôi được chủ tài khoản quảng cáo: "Bên em có bán hoặc cho thuê app của các hãng xe công nghệ nổi tiếng, như: Grab, Bee, Gojek với giá chỉ 300k/tháng, 100k/tuần. App "nổ" đều, "full" hạng bạch kim, Pro+, siêu chiến binh, không "check" khuôn mặt, sang tên sim đầy đủ”. Ngoài bán các loại tài khoản, trên mạng còn rao bán các loại đồng phục, phụ kiện và nhận mở lại các tài khoản xe công nghệ bị khóa.
Tài khoản xe công nghệ được rao bán nhan nhản qua mạng
Bên cạnh người bán, người cho thuê, các trang mạng xã hội có hàng trăm người tìm kiếm mua hoặc thuê app chạy xe công nghệ. Một tài khoản Facebook có tên người ẩn danh, đăng tin "cần thuê app Bebike khu vực TPHCM, anh em nào không chạy để lại cho mình thuê”. Tài khoản Facebook "H. Manucians" cho biết cần thuê tài khoản Bee khu vực Aeon Tân Phú...
Hiểm họa khó lường
Nhiều người cho biết, việc thuê tài khoản app luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tài khoản Facebook "Trương Anh H." cho biết: "Thông qua mạng xã hội, em thuê app xe công nghệ của tài khoản "Nguyễn Khắc V.", giá 400k/tháng. Em chạy được 21 ngày, V. ngỏ ý muốn bán luôn cho em với giá 300k, tổng cộng là 700k. Do em về quê có công việc, V. nói muốn mượn lại app của em chạy ít hôm nên em đồng ý. Khi trở lại thành phố, em mở app lên chạy thì app đã bị khóa. Em liên hệ với V. để nhờ mở lại app, nhưng anh ta giải thích lằng nhằng rồi đồng ý trả lại em 400k, ít hôm nữa sẽ chuyển tiền. Mấy hôm sau, em gọi điện cho V. đòi tiền, V. không nghe máy. Em nhắn tin V. cũng không trả lời và chặn luôn số điện thoại của em".
Anh Trần Văn Tài (quê Bình Thuận) kể: Mấy tháng trước, cha con anh vào TPHCM xin việc làm. Tìm việc chưa có, con trai anh phải chạy xe ôm tạm. Chạy xe ôm truyền thống vắng khách nên con trai anh lên mạng thuê một tài khoản xe công nghệ giá 400 ngàn đồng/tháng. Chạy đến ngày thứ 3, app bắt quét khuôn mặt. Do khuôn mặt con trai anh không giống với khuôn mặt của chủ tài khoản đăng ký nên app bị khóa, không chạy được. Gọi điện cho chủ app đề nghị hỗ trợ thì thuê bao "tò tí te", coi như mất toi 400 ngàn đồng, "đã nghèo còn mắc cái eo". Theo anh Tài, ngoài việc mất tiền cọc, phí thuê app, người thuê còn có nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng để đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng...
Ngay cả khách hàng sử dụng dịch vụ xe ôm công nghệ "dỏm" cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chị Nguyễn Thị Hương (ngụ Q.Gò Vấp) cho biết, vào tháng trước, người nhà của chị dưới quê gửi lên một thùng hàng. Đến ngã tư Bình Phước (TP.Thủ Đức), nhà xe gọi xe ôm trông giống với tài xế xe ôm công nghệ của hãng Grab, thuê chở hàng tới nhà cho chị Hương. Đến nơi, tài xế "hét giá” 250 ngàn đồng. Chị Hương tá hỏa với giá cước "trên trời", còn tài xế nại lý do đường xa, xăng lên giá. Chị Hương lên mạng check quãng đường và thông tin giá cước, hãng Grab báo giá 85 ngàn đồng. Chị đưa thông tin cho tài xế xem, lúc này ông ta mới xuống giọng: "Chị cho bao nhiêu thì cho".
Tương tự, đặt cuốc xe ôm công nghệ từ Q.Gò Vấp đến Q12, chị Trần Mỹ Kim (ngụ Q.Gò Vấp) phải hủy chuyến vì thông tin xe, tài xế đặt trên mạng khác hoàn toàn với thực tế. Khi chị Kim đặt xe trên mạng, app thông báo phương tiện đón là xe tay ga Honda gắn biển kiểm soát TPHCM, tài xế 32 tuổi. Tuy nhiên, xe đến đón chị là xe tay ga Yamaha, biển kiểm soát của một tỉnh khác, tài xế hơn 50 tuổi. Chị Kim hắc mắc vì sao xe trên app một đằng mà thực tế một nẻo, tài xế này cho biết do tài xế kia bận nên ông ta chạy giùm. Thấy bất thường nên chị Kim hủy chuyến, đón taxi đi cho an toàn. Chị Kim cho biết, sau vụ đối tượng Trương Gia Huy (21 tuổi, ngụ Q10) mượn tài khoản Bebike của bạn để chạy xe ôm công nghệ rồi có hành vi đồi bại với một phụ nữ vô gia cư tại Q5, chị luôn đề cao cảnh giác.