(CAO) Từ các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, mạng viễn thông với số tiền lớn xảy ra trên địa bàn, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã có sáng kiến làm biển cảnh báo đặt ở các quầy giao dịch ngân hàng. Từ đó, đã ngăn chặn kịp thời nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet. Nhiều vụ việc được phát hiện ngay tại ngân hàng khi người bị hại đến chuyển tiền…
Câu chuyện xảy ra cách đây gần 4 tháng nhưng mỗi khi nhớ lại sự việc xảy ra, bà Nguyễn Thị M (trú Hà Nội) vẫn bàng hoàng.
Hôm đó, nếu không có sự can thiệp kịp thời của cán bộ Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàn Kiếm, bà đã bị mất 50 triệu đồng.
Bà M kể lại: Ngày 26-10-2020, bà M đến một ngân hàng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm làm thủ tục chuyển tiền. Vào thời điểm đó, nhân viên ngân hàng thấy bà M có biểu hiện lạ nên đã thông báo cho Công an quận Hoàn Kiếm.
Sau khi nhận được thông tin, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàn Kiếm đã có mặt tại ngân hàng, kịp thời trao đổi với bà M. Qua nói chuyện, bà M cho biết bà có một tài khoản facebook nước ngoài giới thiệu, làm quen và tỏ ra có tình cảm với mình…
Sau đó, đối tượng nhắn có bưu kiện có 800.000 USD gửi về Việt Nam cho bà M nhưng bà phải nộp trước một số tiền để trả phí thông quan, phí làm giấy tờ, phí vận chuyển. Nghĩ là vậy, bà đã đến ngân hàng để chuyển tiền theo lời của đối tượng. Sau khi nghe bà M kể chuyển, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự đã giải thích với bà về phương thức và thủ đoạn phạm tội của đối tượng.
Các bảng cảnh báo giúp ngăn chặn nhiều vụ
lừa đảo thông qua hệ thống ngân hàng.
Ngày 3-11, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàn Kiếm cũng đã kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nạn nhân là bà Mai Thị L (trú Ba Đình, Hà Nội).
Ngày 3-11, bà L đến một ngân hàng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm để chuyển số tiền 600 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng theo sự hướng dẫn của đối tượng. Đối tượng này đã sử dụng phần mềm máy tính gọi điện vào số điện thoại của bà L, xưng là Công an và đe dọa nếu không chuyển tiền vào tài khoản trên thì sẽ bắt tạm giam bà.
Quá trình giao dịch, nhân viên ngân hàng đã cho bà đọc biển cảnh báo của Công an quận Hoàn Kiếm đặt tại ngân hàng, đồng thời gọi điện báo cơ quan Công an. Cán bộ Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận Hoàn Kiếm có mặt giải thích, ngăn chặn kịp thời việc chuyển tiền của bà L.
Tiếp đó, hồi 15h30 ngày 9-11-2020, bà Vũ Thị H ( trú tại Hoàn Kiếm) đến ngân hàng yêu cầu chuyên số tiền 100.000.000 đồng. Sau khi đọc biển cảnh báo và được nhân viên ngân hàng giải thích đã ngăn chặn thành công vụ việc.
Trong thời gian qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các trang mạng xã hội và gọi điện thoại giả danh cơ quan tư pháp với nhiều thủ đoạn mới tinh vi hơn. Một số người dân, trong đó có cả cán bộ, công nhân viên chức nhà nước, nhân viên ngân hàng, trí thức, người trẻ tuổi,... do nhận thức chưa đầy đủ hoặc nhẹ dạ cả tin đã bị lừa đảo chiếm đoạt với số tiền lớn. Đặc biệt có nhiều người dân mặc dù đã được tuyên truyền nhưng vẫn bị các đối tượng gọi điện giả danh cán bộ tư pháp (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án) lừa đảo chuyển tiền vào tài khoản đối tượng cung cấp để chiếm đoạt số tiền rất lớn.
Phần lớn sau khi xảy ra các vụ việc, các bị hại đến cơ quan Công an trình báo thì đã bị các đối tượng rút hết tiền trong tài khoản hoặc chuyển đến nhiều tài khoản khác nhau để chiếm đoạt, ít có khả năng thu hồi. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật nhất là sự phát triển của công nghệ thông tin tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng triệt để lợi dụng sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Thông tin cảnh giác và phòng chống tội phạm.
Trường hợp khác, đối tượng giả làm người quen, người thân trên facebook, Zalo hoặc chiếm quyền sử dụng (hack) Facebook, Zalo của người thân, người quen để mượn, xin tiền cần dùng vào việc gấp. Khi bị hại gọi qua Facebook, Zalo thì báo bận không thể nghe, đề nghị chuyển tiền ngay. Đối tượng cung cấp số tài khoản, tên tài khoản là người khác không phải họ tên người quen, nói là chuyển nhờ. Một số đối tượng người nước ngoài còn giả vờ kết thân, kết bạn trên Zalo, Facebook. Sau thời gian, có ý định tặng gói quà có giá trị lớn hoặc bảo lãnh đến Việt Nam để gặp mặt trực tiếp nhưng do trục chặc (sân bay, hải quan, phí vận chuyển...) nên chưa chuyển được quà hoặc cần nộp phí bảo lãnh nhưng bản thân chưa thể tự nộp. Đối tượng người Việt câu kết yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để hoàn tất việc nhận quà, bảo lãnh qua Việt Nam.
Trường hợp khác, bị hại nhận được tin nhắn mạo danh các công ty, ngân hàng lừa trúng thưởng hoặc tin nhắn khuyến mại, để được nhận thưởng hoặc hưởng quyền lợi. Đối tượng đề nghị người dân đăng nhập vào đường link cho sẵn và thực hiện các thao tác theo yêu cầu. Sau cùng đối tượng yêu cầu bị hại cung cấp mã OTP và bị chiếm quyền sử dụng và chiếm đoạt tiền.
Để phòng ngừa tội phạm trên, ngay từ đầu năm 2020, Công an quận Hoàn Kiếm đã có công văn chỉ đạo Công an các phường tổ chức tuyên truyền và phát tài liệu tuyên truyền phòng ngừa tội phạm lừa đảo giả danh cơ quan đến từng hộ dân trên địa bàn và tuyên truyền thông qua các buổi họp khu dân cư. Cùng với đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Chỉ thị 21 ngày 25-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Công an quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo các đơn vị trong Công an quận triển khai các biện pháp tuyên truyền, phát tờ rơi đến từng hộ gia đình, cơ quan, đơn vị để người dân biết chủ động phòng tránh.
Từ khi triển khai việc đặt biển cảnh báo tại các ngân hàng đến nay, Công an quận Hoàn Kiếm đã ngân chặn được tổng 10 vụ lừa đảo chiếm đoạt số lượng tiền lớn kịp thời làm giảm thiệt hại cho người dân số tiền 6,035 tỷ đồng.