Sau khi nhận hàng từ một phụ nữ có quen biết từ trước, họ liên hệ với những khách hàng đặt hàng qua mạng xã hội bất ngờ không nhận được phản hồi, chặn tin nhắn, thậm chí khóa tài khoản… Vừa ôm đống hàng tồn, các “đại lý” này còn khoản nợ vay nóng bên ngoài với lãi suất “cắt cổ”.
Những chiếc đầm, quần áo được định giá 80 ngàn đồng nhưng các nạn nhân phải mua với số tiền từ 250 - 270 ngàn đồng.
Vay nợ mua đầm bán qua zalo
Cầm xấp hóa đơn, kèm tờ tường trình, chị P.T.T (ngụ TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) kể, trước đây chị làm nghề uốn tóc ở xã Tân Khánh Đông. Cách nay 12 ngày, có thuê căn nhà ở phường 1, TP.Sa Đéc để tiếp tục làm nghề với hy vọng lo được cho 2 đứa con nhỏ.
Cạnh căn nhà thuê là nhà của gia đình bà N.T.T.C. Sau khi tiệm nail khai trương, C. thường xuyên sang để uốn tóc, gội đầu, làm móng chân, rồi từ đó 2 người trở nên quen biết. Cách nay không lâu, C. gặp chị T. rồi đề cập: “Em thấy chị có con nhỏ nên muốn giúp đỡ. Em sẽ giới thiệu một khách hàng mua quần áo với số lượng lớn”.
Khi đó, chị T. nói rằng bản thân không biết buôn bán và chẳng có vốn. Tuy nhiên C. không ngừng tác động và hứa hẹn sẽ hướng dẫn, bán hàng tiếp, thậm chí đi giao hàng mà chẳng lấy tiền công. Bán mỗi cái đầm hoặc bộ quần áo sẽ được tiền lãi 50 ngàn đồng. Trước những hứa hẹn đầy hấp dẫn, chị T. đồng ý.
Lúc này, C. kêu chị T. đưa điện thoại để kết bạn với bạn của người này qua mạng xã hội zalo. Sau khi C. đưa máy cho chị L., zalo của chị nhận được tin nhắn thông qua tài khoản “quakhuxoadi” với nội dung: “Nghe chị C. giới thiệu chỗ chị với em. Em cần đặt 50 cái đầm…”. Lúc này, chị T. tức tốc qua hỏi ý C. và được người tư vấn là nên nhận đơn hàng vì đó là chỗ quen biết.
Đưa tiền để nhận số hàng đã đặt từ C., điện thoại chị L. hiện thông báo tin nhắn từ tài khoản “quakhuxoadi” với nội dung: “Em đặt thêm 20 cái đầm và 5 bộ quần áo nữa”. Lúc này, chị T. báo giá là 300 ngàn đồng/sản phẩm và chủ tài khoản trên đồng ý.
Ngoài ra, người này còn kêu chị T. ghi phiếu tính tiền số hàng đã đặt. Sau đó phiếu thu số tiền 22,5 triệu đồng được gửi qua zalo. Tài khoản “quakhuxoadi” xem xong rồi nhắn tin đặt thêm 75 cái đầm.
Lúc này, chị T. liền đến trực tiếp nhà C. đặt hàng và trả số tiền còn lại. Sau đó, 30 phút có một thanh niên đi xe máy đến giao hàng, dù số hàng đầu tiên vẫn chưa giao cho chủ tài khoản zalo.
“Sau khi chỗ C. nhận hết tiền hàng, tôi về mở zalo liên hệ với người đặt hàng nào ngờ họ chặn tin nhắn. Nghi ngờ bị lừa, tôi tìm đến C. và người này cho rằng tài khoản trên không phải người mà cô giới thiệu cũng như việc kết bạn trên là sự nhầm lẫn”, chị T. buồn bã nhớ lại.
Trước vẻ thất thần của chị T., C. có hứa sẽ bán tiếp số hàng trên nhưng với điều kiện: “không được làm phiền đến gia đình và người lớn, không tranh chấp. Hàng em giữ đến 27 tết và bán phụ được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Đề nghị chị T. tự giao hàng”.
Theo lời chị T., để có số tiền lấy hàng từ C. chị phải bán vàng, vay tiền nóng thêm 15 triệu đồng với mức lãi suất phải đóng là 3 triệu đồng/tháng. Sau khi biết mình bị lừa, chị đem hàng đã mua đến những cửa hàng bán quần áo hỏi thì mới tá hỏa số quần áo trên chỉ được bày bán ở lề đường, với mức giá 80 ngàn đồng.
Bán nhà trả nợ, vợ chồng chờ ngày ra tòa
Trình bày với phóng viên vào sáng ngày 3-1, chị H.T.T.L (36 tuổi, cùng là nạn nhân của C.) cho biết, vào khoảng 8-2018, C. (hàng xóm cũ) có giới thiệu cho chị việc mua bán hàng qua mạng. Mặt hàng buôn bán là quần áo và hoa giả. Đối với quần áo sẽ được đổi trả nếu như giao hàng không đúng chất lượng, riêng hoa giả sẽ được bảo hành trong 4 tháng nếu không đúng giá trị, chất lượng.
Hóa đơn bán hàng và giấy cam kết của bà C.
Lúc này, C. gưới thiệu cho chị L. 2 người phụ nữ với nick zalo lần lượt là “doichoai” - chủ xưởng may, chuyên cung cấp quần áo giá sỉ; người thứ hai với nick là “quakhuxoadi” - chủ cửa hàng hoa giả.
Sau khi chị L. liên hệ với 2 người phụ nữ này, họ có hướng dẫn cách đặt hàng và kêu thông qua C. Sau đó, họ sẽ gửi hàng về cho C. để người này giao lại cho chị L. cũng như tiền mua hàng trả cho người này.
Tin tưởng chỗ quen biết, chị L. đăng thông tin bán các mặt hàng trên lên Facebook cá nhân của mình. Trong thời gian ngắn, 2 khách hàng (chị L. không quen biết) liên hệ đặt hàng với số lượng lớn. Người tên N.Th (ngụ tỉnh Tiền Giang) đặt 703 bộ quần áo các loại với số tiền lên đến 124 triệu đồng; người còn lại tên B.N.H (ngụ TPHCM) đặt 100 giỏ, chậu hoa và gối các loại với giá trị lên đến hơn 100 triệu đồng.
Sau khi có đơn hàng, chị L. liên hệ với C. để đặt hàng. Không lâu sau, C. thông báo cho chị L. hàng đã về và sẽ tiến hành giao ngay.
“Thời điểm đó, C. buộc tôi phải đặt cọc một khoản tiền và khi nhận hàng sẽ thanh toán số còn lại. Tổng cộng tôi đã giao cho C. và chồng người này với số tiền là gần 245 triệu đồng. Do tin tưởng từng là hàng xóm nên lúc đó tôi không kiểm tra hàng. Nhận hàng xong, tôi liên hệ với Th. và H. để tiến hành giao nào ngờ họ khóa Facebook, tắt điện thoại…”, chị L. buồn bã nói.
Nghi ngờ mình đã bị lừa, chị L. về kiểm tra lại số hàng thì phát hiện quần áo, hoa giả mua không giống với chất lượng đã đặt trước đó. Do vậy, chị L. kêu C. trả hàng về xưởng để chủ giao đúng loại hàng đã đặt nhưng không được chấp nhận.
Ngoài ra, chị L. liên lạc với 2 nick zalo “quakhuxoadi” và “doichoai” cũng không nhận được hồi đáp. “Tôi ôm 2 lô hàng với trị giá hàng trăm triệu đồng nhưng bán lại không được vì giá quá cao cũng như chất lương không đảm bảo. Tôi cho rằng sự việc này có điều gì đó không minh bạch cần phải nhờ đến cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ”, chị L. mong mỏi.
Để có số tiền mua hàng, chị L. phải vay nóng của các đối tượng nặng lãi. Do vậy, để có tiền trả nợ vợ chồng chị đã quyết định bán căn nhà mới mua cách nay 8 tháng. “Giờ vợ chồng đang làm thủ tục ly dị. Bán căn nhà xong tôi và đứa con trai phải thuê nhà trọ ở”, chị L. nghẹn ngào.