Cảnh sát Việt Nam-Trung Quốc phá đường dây sản xuất ma tuý xuyên quốc gia

Thứ Hai, 09/05/2022 11:49

|

(CAO) Ngày 16/4/2022, sau 5 ngày xét xử, TAND tỉnh Kon Tum đã tuyên án tử hình, 1 án chung thân và và 5 án từ 34 tháng đến 20 năm tù cho nhóm người Trung Quốc và người Việt Nam về tội sản xuất ma tuý.

Trước đó, để triệt phá đường dây sản xuất ma tuý xuyên quốc gia có quy mô cực lớn này, Bộ Công an Việt NamBộ Công an Trung Quốc đã phải lập chuyên án điều tra chung, lên kế hoạch đồng loạt bắt giữ hàng chục đối tượng liên quan ở cả hai nước, thu giữ hàng chục tấn hoá chất, tiền chất và nhiều dây chuyền sản xuất ma tuý lên tới vài chục tấn.

Nếu không bị triệt phá, đường dây sản xuất ma tuý trên sẽ sản xuất ra hàng tấn ma tuý cung cấp cho thị trường Việt Nam và các nước khác.

Các đối tượng trước vành móng ngựa

Chuyên án đặc biệt

Qua công tác hợp tác quốc tế, tháng 11/2018, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C04)-Bộ Công an và Cục Phòng chống ma túy-Bộ Công an Trung Quốc phát hiện thông tin nghi vấn về đường dây sản xuất trái phép chất ma túy do các đối tượng người Trung Quốc câu kết với một số đối tượng người Việt Nam thực hiện.

C04 đã phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức xác minh, xác định nhóm đối tượng người Trung Quốc, thuê nhà trong ngõ 665 và 767 đường Âu Cơ, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có nhiều biểu hiện nghi vấn.

Các đối tượng này thuê nhà xưởng của công ty TNHH Hoàng Ngân Phát, địa chỉ Khu phố 8, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định để sản xuất đá xây dựng nhưng hoạt động cầm chừng, thường xuyên khóa cửa nhà xưởng. Toàn bộ công nhân trong nhà xưởng đều là người Trung Quốc, sang Việt Nam bằng Visa du lịch.

Trước những biểu hiện nghi vấn đó, C04 đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an đề nghị xác lập chuyên án 626T, đồng thời thiết lập đường dây nóng giữa C04 và Cục Phòng chống ma túy-Bộ Công an Trung Quốc để tập trung đấu tranh.

Theo đề nghị của Bộ Công an Trung Quốc, lãnh đạo Bộ Công an có thư mời đoàn công tác của Cục Phòng chống ma túy, Bộ Công an Trung Quốc và Công an tỉnh Phúc Kiến sang Việt Nam phối hợp đấu tranh chuyên án. Ngày 16/7/2019, đoàn công tác của Công an Trung Quốc sang Việt Nam và họp với Ban chuyên án để nhận định và thống nhất kế hoạch phá án, chuẩn bị kế hoạch, lực lượng để đồng thời bắt giữ các đối tượng có liên quan tại Trung Quốc.

Sau một thời gian tập trung xác minh, thu thập tài liệu, Ban chuyên án đã nhanh chóng dựng lên được sơ đồ đường dây, làm rõ được vai trò, vị trí của từng đối tượng.

Trong đó, cầm đầu đường dây này là Thái Tự Lực (SN 1963, thị trấn An Hải, TP Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) và Tống Kiến Hoàng (SN 1963, ngụ khu Tương Kiều, TP Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc).

Nhóm “chuyên gia” về sản xuất ma túy đều có quốc tịch Trung Quốc gồm: Lư Gia Lâm (SN 1990), Thái Chí Phong (SN 1990), Dương Viễn Đức (SN 1964, ngụ khu Tam Nguyên, thành phố Tam Minh, tỉnh Phúc Kiến), Trương Cần Thư (SN 1961, ngụ thị trấn Nội Khanh, TP Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến), Diêu Kiến Giao (SN 1978), Lục Thiếu Thanh (SN 1970).

Ngoài ra, còn có nhóm đối tượng thường xuyên ở Việt Nam chịu trách nhiệm thuê kho xưởng, chuẩn bị hậu cần và các thủ tục khác cho đường dây là Sàn Khuấn Sáng (thường gọi là Thành, người Việt gốc Hoa, SN 1976, trú tại tổ 20, KP2, phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM), Lâm Xuân Châu (SN 1988, quốc tịch Trung Quốc, thuê nhà trong ngõ 665 đường Âu Cơ, phường Bùi Thị Xuân, TP.Quy Nhơn, Bình Định), Hoàng Gia Nguyên (SN 1990, ngụ TP Nam An, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, thuê nhà cùng Châu).

Các đối tượng trên thuê nhà xưởng của công ty TNHH Hoàng Ngân Phát để sản xuất trái phép chất ma túy, ngụy trang dưới vỏ bọc là sản xuất đá xây dựng. Ngoài địa điểm này, các đối tượng còn liên hệ thuê nhiều địa điểm khác ở TP Quy Nhơn (đã xây dựng nhà xưởng trên núi, nhưng do là đất lâm nghiệp nên bị UBND phường đình chỉ) và huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định để chứa hóa chất, tiền chất và thay đổi địa điểm sản xuất nếu có nguy cơ bị lộ.

Qua theo dõi, Ban chuyên án phát hiện, từ ngày 28/4/2019, các đối tượng có dấu hiệu đi vào sản xuất trái phép chất ma túy. C04 đã phối hợp với các cục nghiệp vụ và Công an tỉnh Bình Định giám sát chặt chẽ hoạt động của các đối tượng trong đường dây nhằm xác định thời điểm sản xuất ra ma túy thành phẩm sẽ tổ chức phá án. Tuy nhiên, do sợ bị lộ và mâu thuẫn nội bộ nên ngày 11/5/2019, các đối tượng đã dừng hoạt động và vận chuyển toàn bộ thiết bị máy móc, tiền chất, hóa chất từ Công ty Hoàng Ngân Phát về cất giấu tại nhà kho ở 93/3 Nguyễn Thị Tú, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM và Công ty Việt - Hoa - Thắm, ở khu phố Khánh Hòa, tổ 4, phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, Bình Dương.

Ngày 14/5/2019, toàn bộ các đối tượng người Trung Quốc xuất cảnh về nước bằng đường hàng không, riêng Thái Tự Lực dùng giấy tờ giả về nước bằng tàu hỏa nhằm che giấu tung tích. Chỉ còn 3 đối tượng là Sàn Khuấn Sáng, Lâm Xuân Châu, Hoàng Gia Nguyên ở lại Việt Nam.

Ban chuyên án triển khai các tổ công tác giám sát 24/24 các đối tượng và địa điểm nghi vấn, kết hợp với các tài liệu nghiệp vụ xác định, từ ngày 12/6/2019 đến ngày 17/7/2019, các đối tượng người Trung Quốc trong chuyên án nhiều lần sang Việt Nam để mua máy móc, thiết bị và khảo sát, tìm địa điểm sản xuất ma túy tại các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Tây Ninh, Bình Dương, Ninh Thuận, Bình Định, TPHCM...

C04 đã kịp thời trao đổi với Công an Trung Quốc và phối hợp với các Cục nghiệp vụ cùng Công an các địa phương, Đoàn 3-Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng bám sát mọi di biến động của các đối tượng.

Sau khi khảo sát nhiều nơi, các đối tượng quyết định thuê nhà xưởng của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đồng An Viên ở Tổ dân phố 3B, Khu làng nghề, thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum để sản xuất trái phép chất ma túy dưới “vỏ bọc” là phòng thí nghiệm sản xuất thuốc trừ sâu và phân bón vi sinh.

Nhà xưởng của Công ty Đồng An Viên được các đối tượng đầu tư xây dựng lại, quây kín bằng tôn và lắp đặt hệ thống điều hòa, thông gió, thoát nước, gia cố tường bao xung quanh khuôn viên chắc chắn; lắp đặt hệ thống camera giám sát và cảnh báo người lạ xâm nhập.

Công ty "vỏ bọc" cho các hoạt động sản xuất ma tuý trái phép

Ngày 18/7/2019, toàn bộ thiết bị máy móc được vận chuyển từ kho số 93/3 Nguyễn Thị Tú, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM đến Công ty Đồng An Viên. Ngày 26/7/2019, các đối tượng cũng chuyển toàn bộ hóa chất đã gửi tại kho của Công ty TNHH Việt - Hoa - Thắm ở tỉnh Bình Dương về Công ty Đồng An Viên. 2 hôm sau, các đối tượng tiến hành lắp đặt thiết bị, máy móc và phân loại hóa chất, chuẩn bị đi vào sản xuất trái phép chất ma túy.

Từ ngày 29/7/2019 đến 5/8/2019, các đối tượng đi vào sản xuất trái phép chất ma túy tại xưởng của Công ty Đồng An Viên. Thái Tự Lực chỉ đạo toàn diện, Tống Kiến Hoàng chỉ đạo về kỹ thuật, Ngô Thiên Hoàng phụ trách hậu cần, cơm nước, các đối tượng khác là người trực tiếp vận hành máy móc, thiết bị. Trong quá trình sản xuất, tất cả các đối tượng đều ăn ở tại chỗ, không ra ngoài và không cho người lạ vào. Các cửa vào khu sản xuất khóa kín, bên ngoài có dán biển “KHU VỰC THÍ NGHIỆM, KHÔNG PHẬN SỰ MIỄN VÀO”.

Thủ đoạn tinh vi của nhóm tội phạm quốc tế

Sau khi đánh giá, phân tích các tài liệu chứng cứ đã thu thập được, Ban chuyên án và đoàn công tác của Bộ Công an Trung Quốc đã tổ chức họp bàn, nhận định các đối tượng đã sản xuất thành công ma túy nên quyết định phá án vào rạng sáng ngày 6/8/2019, khi người dân còn đang say ngủ nhằm đảm bảo an toàn cho quần chúng nhân dân.

Thực hiện kế hoạch phá án, ngày 6/8/2019, tại kho của Công ty Đồng An Viên ở tổ 3B, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, Cục C04 đã chủ trì, phối hợp với 5 Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an các tỉnh: Kon Tum, Bình Dương, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Cao Bằng, Đà Nẵng, TPHCM, Cục phòng chống ma túy Bộ đội Biên phòng và Viện Kiểm sát tối cao tiến hành bắt quả tang 7 đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc đang có hành vi sản xuất trái phép chất ma túy gồm: Thái Tự Lực, Tống Kiến Hoàng, Dương Viễn Đức, Hoàng Sơn Nguyên; Lữ Dư Trọng (SN 1975, trú thị trấn Nam An, TP Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc); Thái Tư Nguyễn (SN 1946, trú thị trấn An Hải, TP Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc); Trương Cần Thư (SN 1961, trú tại thị trấn Nội Khanh, TP Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc).

Vật chứng thu giữ khoảng 140 lít dung dịch dạng sệt màu nâu đen và trắng đục, qua giám định có thành phần Methamphetamine (ma túy đá); khoảng 13 tấn hóa chất, tiền chất các loại được đựng trong các thùng phi, can nhựa, thùng nhựa, chai, lọ thủy tinh, bao giấy, bao ni lông... phục vụ sản xuất trái phép chất ma túy; khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy gồm: hệ thống bình phản ứng, máy gia nhiệt, máy li tâm, máy bơm, máy hút chân không, máy sấy, thùng, xô, chậu, khay nhựa...; 13 điện thoại di động, nhiều thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân của các đối tượng và tài liệu khác có liên quan.

Dây chuyền sản xuất ma tuý lên tới hàng chục tấn máy móc, thiết bị của nhóm tội phạm người Trung Quốc

Ngay sau khi bắt quả tang, C04 đã phối hợp với các lực lượng chức năng đồng loạt triển khai 10 tổ công tác tại các tỉnh, thành phố để tiến hành khám xét và triệu tập các đối tượng có liên quan lên CQĐT để xác minh, củng cố chứng cứ, phân loại đối tượng phục vụ áp dụng các biện pháp tố tụng.

Khi khám xét tại các địa điểm này, Ban chuyên án cũng thu giữ thêm 157 thùng hóa chất các loại; 380 bao hóa chất các loại dạng bột; 84 can hóa chất các loại; 1 xe ô tô tải, BKS: 77C-181.20 và nhiều công cụ, phương tiện, tài liệu có liên quan.

Cùng ngày 6/8/2019, Bộ Công an Trung Quốc đã cử đoàn công tác đến Kon Tum thực địa hiện trường vụ án và trao đổi các thông tin, tài liệu. Ngay sau đó, lực lượng chức năng nước này đã bắt giữ tổng cộng 18 đối tượng liên quan đang hoạt động ở Trung Quốc.

Quá trình điều tra vụ án, các bị can đều khai nhận vai trò nhiệm vụ của mình trong quá trình làm việc tại xưởng. Theo đó, Thái Tự Lực là đối tượng chủ mưu cầm đầu trong vụ án sản xuất trái phép chất ma túy tại tỉnh Bình Định và Kon Tum; Tống Kiến Hoàng trực tiếp pha trộn, điều chế các loại hóa chất để sản xuất ma túy. Các đối tượng còn lại gồm: Dương Viễn Đức; Hoàng Sơn Nguyên; Lữ Dư Trọng; Thái Tư Nguyễn và Trương Cần Thư giữ vai trò lắp đặt các loại thiết bị, máy móc đảm bảo việc điều chế, sản xuất ma túy theo sự chỉ đạo của Thái Tự Lực.

Nhóm đối tượng cầm đầu là người Trung Quốc có kinh nghiệm và trình độ cao trong sản xuất ma túy tổng hợp, sau khi bị trấn áp mạnh tại Trung Quốc (trong đó có đối tượng Thái Tự Lực bị kết án tù chung thân về tội sản xuất trái phép chất ma túy ở Trung Quốc vừa mới ra tù) tìm cách nhập cảnh vào Việt Nam liên kết với các đối tượng người Việt gốc Hoa tại các địa phương để tổ chức sản xuất trái phép ma túy tổng hợp.

Chúng thường đến các doanh nghiệp có trụ sở mà nhà xưởng có đường vào độc đạo, xa khu dân cư, dễ che giấu việc sản xuất trái phép ma túy tổng hợp, lừa doanh nghiệp bằng cách đặt vấn đề nhờ sản xuất thử nghiệm thuốc trừ sâu, phân bón vi sinh để xuất khẩu đi nước ngoài; nếu thành công thì sẽ đầu tư số lượng lớn tiền vào doanh nghiệp…

Sau khi được đồng ý chúng tập trung sản xuất trái phép ma túy tổng hợp trong khoảng từ 15 đến 30 ngày; sau đó chấm dứt và chuyển sang lừa các doanh nghiệp tại các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, khi tới Kon Tum, ngay khi các đối tượng mới sản xuất trái phép ma túy tổng hợp “mẻ” đầu tiên, chúng đã bị Bộ Công an Việt Nam phát hiện, triệt phá.

Đây là chiến công đặc biệt xuất sắc, triệt phá đường dây sản xuất trái phép chất ma túy có tính chất, quy mô lớn nhất từ trước đến nay, bắt được toàn bộ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thể hiện sự mưu trí, kiên quyết tấn công, trấn áp tội phạm, đánh đúng, đánh trúng các đường dây tội phạm ma túy lớn, xuyên quốc gia, góp phần ngăn chặn và từng bước kiềm chế, làm giảm nguồn cung ma túy.

Chiến công này cũng minh chứng cho việc hợp tác quốc tế chặt chẽ, hiệu quả giữa lực lượng Công an Việt Nam và Công an Trung Quốc; sự phối hợp, hiệp đồng tác chiến hiệu quả giữa các lực lượng nghiệp vụ của Bộ và Công an các địa phương.

2 án tử hình, 1 chung thân cho nhóm người Trung Quốc sản xuất ma tuý quy mô lớn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang