(CAO) Ngày 1-11, thượng tá Nguyễn Khắc Thống – trưởng Công an huyện Đô Lương (Nghệ An) cho biết đơn vị vừa phối hợp với lực lượng quản lý thị trường phát hiện một cơ sở sản xuất, tái chế mỡ công nghiệp trái phép có quy mô lớn.
Trước đó, từ giữa tháng 10, Công an huyện Đô Lương nhận được tin báo trên địa bàn xã Mỹ Sơn (huyện Đô Lương) có một cơ sở sản xuất mỡ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường khiến người dân rất bức xúc.
Từ những thông tin trên, Công an huyện đã cử các trinh sát điều tra, xác minh sự việc. Cơ sở này do anh Hoàng Văn Quân (SN 1973, trú tái xóm 6, xã Mỹ Sơn) làm chủ.
Do cơ sở này năm ở cuối xóm, toàn bộ khuôn viên được xây bịt kín, cửa ra vào luôn được khóa chặt nên các trinh sát gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận. Để vào được trong đó, các trinh sát phải leo qua núi đá rồi men theo sườn núi phía sau nhà xưởng.
Sau nửa tháng theo sát hoạt động của cơ sở này, nắm chắc mọi quy luật hoạt động trong đó, ngày 29-10-2015, Công an huyện Đô Lương đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 5 (Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An) ập vào phát hiện Hoàng Văn Sáu (SN 1962) và Đặng Duy Quang (SN 1985, cả hai đều trú tại xã Mỹ Sơn) đang lúi húi pha chế mỡ.
Qua kiểm tra xung quanh, lực lượng chức năng còn phát hiện trong xưởng này còn có 158 túi mỡ công nghiệp thành phẩm, 31 thùng đựng nhựa thành phẩm và tổng cộng có hơn 3 tấn mỡ công nghiệp thành phẩm, 2 tấn chất bột phụ gia cùng nhiều máy móc, vật dụng dùng để tái chế dầu mỡ.
Bên trong cơ sở tái chế dầu mỡ công nghiệp - Ảnh: Văn Tình
Vào thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở Hoàng Văn Sơn không có mặt mà chỉ có vợ là chị Hoàng Thị Thúy (SN 1975). Khi được yêu cầu, chị Thúy đã không xuất trình được giấy tờ do các cơ quan chức năng cấp phép về việc tổ chức sản xuất dầu mỡ.
Chị Thúy trình bày, do thấy nhu cầu sử dụng dầu mỡ công nghiệp trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh rất lớn nên vợ chồng chị nghĩ ra cách thu mua dầu nhớt thải, các loại mỡ động vật như trâu, bò, heo… và các chất phụ gia về tái chế lại thành mỡ công nghiệp bán để kiếm lời.
Thời gian đầu chỉ hai vợ chồng làm, nhưng càng về sau, đơn đặt hàng càng nhiều nên họ phải thuê thêm Hoàng Văn Sáu về làm bảo vệ, cảnh giới không cho người ngoài vào và Đặng Quang Duy làm nhân viên pha chế.
Tất cả mọi quy trình “sản xuất” đều diễn ra vào ban đêm nên rất khó bị phát hiện.
Chị Thúy khai nhận, mỗi tháng “xưởng” này sản xuất và bán ra khoảng từ 1 – 1,5 tấn dầu mỡ công nghiệp cho các khu công nghiệp, nhà máy trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh.
Đến chiều ngày 30-10-2015, Hoàng Văn Sơn đã đến Công an huyện Đô Lương trình diện và khai nhận toàn bộ quá trình tái chế dầu mỡ trái phép của mình.
Hiện Công an huyện Đô Lương đã thu giữ toàn bộ tang vật và đang tiến hành giám định số dầu mỡ trên để xử lý nghiêm minh hành vi của các đối tượng theo quy định của pháp luật.