Hồ sơ vụ án:

Đường dây ma túy xuyên quốc gia của các gã trùm đến từ châu Phi

Thứ Sáu, 13/03/2020 17:19

|

(CATP) Bị tòa sơ thẩm kết án tử hình về tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, 2 bị cáo có quốc tịch Nigeria kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt nhưng bất thành. Hai kiều nữ sống chung như vợ chồng với 2 gã cũng phải trả giá đắt cho hành vi tội ác của mình bằng 2 bản án chung thân.

“VỢ TA - CHỒNG TÂY” CÙNG HẦU TÒA

Từ Nigeria xa xôi, Michael Ikenna Nduanya (SN 1977) đến Việt Nam du lịch và tìm việc làm, sau đó kết bạn làm quen với Nguyễn Thị Hải Anh (SN 1984), một cô gái đến từ Tây nguyên. Do hoàn cảnh gia đình, Hải Anh rời quê Hà Nam từ nhỏ, theo cha mẹ vào Đắk Lắk sinh sống. Học hết cấp 3, Anh lên TPHCM tìm việc làm. Sau thời gian làm quen, 2 người kết thành một đôi, sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.

Cuộc tình “vợ ta, chồng Tây” sớm sinh sôi nảy nở với một mầm sống mới chào đời. Nduanya muốn làm chỗ dựa cho vợ con nhưng lại thất nghiệp, không có tiền. Khoảng năm 2008, một đối tượng có tên Chika (quốc tịch Nigeria, sống tại Ấn Độ) thông qua bạn bè xin số điện thoại làm quen và rủ Nduanya tham gia đường dây vận chuyển “hàng trắng”.

Lúc đầu, Nduanya từ chối do biết luật pháp Việt Nam rất nghiêm khắc với tội phạm ma túy, mức án cao nhất của hình phạt cho tội danh này là tử hình. Tuy nhiên, đến tháng 9-2009, do cần tiền tiêu xài, lo cho vợ đang mang thai, Nduanya đã nhận lời và rủ Agu Kingsley (đồng hương Nigeria, ở chung nhà thuê) tham gia.

Bị cáo Michael Ikenna Nduanya và vợ Nguyễn Thị Hải Anh hầu tòa.

Chika cho biết ma túy được chuyển từ Ấn Độ sang Campuchia. Sau khi nhận “hàng” được giấu trong các túi xách, giày dép, ví da..., Nduanya cùng một số đối tượng người Nigeria chịu trách nhiệm vận chuyển từ Campuchia đưa ra Hà Nội. Tại đây, “hàng” tiếp tục được giao cho một “mắt xích” khác do Mika chỉ định để các nhóm này đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Mỗi lần vận chuyển trót lọt, Nduanya được trả công từ 500 đến 1.000USD.

Do không có giấy tờ, không quen đường, đi lại bất tiện nên Nduanya đã lôi kéo vợ cùng tham gia với các “chiến hữu” đồng hương Nigeria tạo thành mắt xích trong đường dây xuyên quốc gia.

Theo “kế hoạch”, đầu tháng 12- 2009, Chika gọi điện cho Nduanya và Agu sang Campuchia nhận “hàng” chuyển về Việt Nam với giá 2.000USD. Ngay sau đó, Agu được phái đi Campuchia nhưng bị cảnh sát nước này bắt, tịch thu tiền. Ngày 6-12-2009, Nduanya hướng dẫn vợ đón xe đến cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), rồi thuê xe ôm sang Campuchia nhận “hàng” (gần 1kg heroin), đem về cất giấu tại nhà ở Q7.

Đến ngày 9-12-2009, Hải Anh mang gói ma túy ra Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh) để chuyển đi Hà Nội thì bị lực lượng công an bắt quả tang. Lúc này, Hải Anh đang mang thai đứa con thứ hai. Nduanya cũng bị bắt khẩn cấp ngay sau đó.

Hoàn tất hồ sơ, TAND TPHCM đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm ngày 22-3-2011. Cả hai bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội. Ngoài lần bị bắt quả tang, vợ chồng bị cáo còn 4 lần vận chuyển trót lọt ma tuý từ Campuchia về Việt Nam. Do Hải Anh phạm tội trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ nên được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt. Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt Nduanya tử hình và Hải Anh tù chung thân với cùng tội danh “vận chuyển trái phép chất ma túy”.

Vợ chồng Hải Anh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 23-5-2011, HĐXX nhận thấy, tòa cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ liên quan đến từng bị cáo. Cả Nduanya và Hải Anh đều không đưa ra được tình tiết nào mới nên Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT MUỘN MÀNG

Cùng cảnh ngộ với Michael Ikenna Nduanya, Nnaji David Ete (SN 1978 tuổi, quốc tịch Nigeria) cũng bị TAND TPHCM tuyên án tử vì “mua bán trái phép chấp ma túy”.

Theo hồ sơ vụ án, năm 2004, Ete du lịch sang Việt Nam rồi tìm cách ở lại TPHCM bất hợp pháp. Sau một thời gian kết bạn, làm quen với Phan Thị Thanh Lễ (SN 1980, ngụ Bình Dương, trú Q1), 2 người sống chung như vợ chồng từ năm 2005.

Để có tiền tiêu xài, Ete đã “tuyển” một nhóm người Việt Nam lẫn ngoại quốc (chủ yếu Nigeria), hình thành đường dây ma túy xuyên quốc gia. Trong số này có Thanh Lễ (vợ Ete), Đoàn Nguyễn Minh Châu (SN 1979, ngụ Q7), trở thành 2 mắt xích quan trọng của đường dây.

Bị cáo Nnaji David Ete và Đoàn Nguyễn Minh Châu

Nhóm này mua “hàng trắng” từ một số nước châu Á (Ấn Độ, Malaysia, Pakistan...) đưa về Việt Nam, sau đó thuê các “chân rết” chuyển sang Trung Quốc để tiêu thụ. Để tránh bị phát hiện, Ete bày cách giấu “hàng” dưới đế giày dép, túi xách, ép vào đáy valy, đường viền cổ áo, ống tròn của 2 đầu bức tranh...

Sau thời gian hoạt động, đường dây này đã bị bóc gỡ vào giữa năm 2009. Chiều 10-6-2009, tại cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), tổ công tác Cục CSĐT tội phạm về ma túy Bộ Công an phối hợp với Chi cục Hải quan và Đồn biên phòng cửa khẩu, phát hiện Đoàn Nguyễn Minh Châu đang làm thủ tục xuất cảnh đi Trung Quốc, mang theo gần 0,4kg ma túy được “ngụy trang” dưới đế giày của Châu.

Sau khi Châu bị bắt, Ete cùng vợ và các “tay chân” khác cũng sa lưới. Ete khai mua bán trái phép tổng cộng hơn 11,3kg ma túy. Thành Lễ tham gia tích cực cùng chồng với nhiều lần vận chuyển, tổng cộng hơn 8,6kg; Châu vận chuyển nhiều lần hơn 5,7kg... Theo cơ quan điều tra, thực tế lượng ma túy mà nhóm Ete mua bán, vận chuyển trót lọt còn nhiều hơn.

Ngày 24-4-2011, TAND TPHCM đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Ete khẩn thiết xin tòa khoan hồng, còn vợ bị cáo xin được mức án nhẹ để trở về nuôi dạy 2 con thơ. Do số lượng ma túy quá lớn nên Nnaji không thể thoát án tử hình về tội “mua bán trái phép chất ma túy”.

Đối với Thanh Lễ đang nuôi con nhỏ nên được giảm nhẹ hình phạt, lĩnh án chung thân. Bị cáo Đoàn Nguyễn Minh Châu cũng lĩnh án chung thân. Bốn đồng phạm khác, trong đó có 3 đồng hương với Ete là Chukwuma Obi Remy, Okapor Peter Chuma, Nnamdi Aghaji và ReginaWhing Wiri (32 tuổi, quốc tịch Zimbabwe) nhận mức án từ 15 đến 20 năm tù.

Bị cáo Phan Thị Thanh Lễ và một đồng phạm

Ngày 29-9-2011, TAND tối cao tại TPHCM mở phiên phúc thẩm theo kháng nghị tăng hình phạt của Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM và kháng cáo của 5 bị cáo. Sau khi xem xét, HĐXX phúc thẩm chấp nhận kháng nghị, tăng án từ chung thân lên tử hình đối với Đoàn Nguyễn Minh Châu; từ 20 năm lên từ chung thân đối với Chukwuma Obi Remy cùng về tội “mua bán trái phép chất ma túy”.

HĐXX cũng bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, giữ nguyên mức án tử hình đối với Ete; tù chung thân đối với Thanh Lễ; 3 bị cáo còn lại nhận từ 15 đến 20 năm tù như án sơ thẩm đã tuyên.

Bản án nghiêm khắc dành cho hai cặp vợ chồng bị cáo và các đồng phạm là lời cảnh tỉnh cho toàn xã hội. Chỉ tội cho 4 đứa trẻ, 2 con của Hải Anh (một bé 3 tuổi, một bé mới sinh 6 tháng) và 2 con của Thanh Lễ (một bé 4 tuổi, một bé mới 12 tháng) đã phải chịu cảnh mất cha, xa mẹ. Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt hai bà mẹ trẻ, thể hiện cho sự hối hận tột cùng nhưng tất cả đều đã quá muộn...

Bình luận (0)

Lên đầu trang