(CATP) Mặc dù các cơ quan truyền thông đã nhiều lần cảnh báo về nạn lừa đảo mua bán xe máy qua mạng, nhưng các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi, nhắm vào tâm lý muốn mua xe "xịn" với giả rẻ, khiến không ít nạn nhân tiếp tục sập bẫy. Đây là thực trạng đáng báo động, khi mạng xã hội đang trở thành thị trường giao dịch lớn.
Thời gian qua, xuất hiện nhiều thông tin rao bán xe máy nhập khẩu giá rẻ, thậm chí chỉ bằng một phần ba so với các loại xe trên thị trường. Nếu trước đây, xe máy được kẻ gian rao bán nhập lậu, không có giấy tờ thì hiện tại, các loại giấy tờ đều đầy đủ, tạo lòng tin cho người mua. Thực tế, những loại giấy tờ này đều là giả, được chỉnh sửa bằng phần mềm photoshop rất tinh vi.
Muốn mua xe, khách phải đóng các khoản phí và chuyển tiền đặt cọc từ 30 - 50% cho bên bán. Phương thức đặt cọc chủ yếu là chuyển khoản từ vài triệu đến cả chục triệu đồng. Khi nhận được tiền cọc, các đối tượng liền... chặn liên lạc đối với nạn nhân. Thủ đoạn lừa đảo này không mới, nhưng nhắm trúng tâm lý ham mua "xe máy xịn giá rẻ” nên đến nay lại có thêm nhiều người "tiền mất hận mang".
Từ trái qua: Thành, An và Mạnh
Đầu tháng 1-2022, Công an H.Duy Xuyên (Quảng Nam) bắt 3 đối tượng, gồm: Huỳnh Bá Thành (SN 1998), Trương Đức Mạnh (SN 2000), Trương Đức Thiên An (SN 1999, cùng ngụ địa phương). Trong đó, Thành là đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo. Với thủ đoạn rao bán xe máy đắt tiền với giá rẻ và giả mạo công ty tài chính để cho vay online, nhằm chiếm đoạt các khoản phí của khách hàng, số tiền mà đường dây này chiếm đoạt lên đến 10 tỷ đồng. Có hàng trăm nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Cuối tháng 12-2021, nhóm đối tượng đã lừa một nạn nhân tại TP.Phú Quốc (Kiên Giang), chiếm đoạt 30 triệu đồng đặt cọc mua xe máy Vision giá rẻ.
Quá trình điều tra, Thành khai chúng rao bán tất cả các loại xe, tùy theo nhu cầu khách hàng, nhất là các loại xe "xịn" như SH, nhưng giá rẻ hơn thị trường rất nhiều. Hình ảnh các loại xe được nhóm đối tượng cop trên mạng internet, căn cứ thông số kỹ thuật của xe rồi tư vấn cho khách.
Nhóm Thành rao bán xe có giấy tờ đầy đủ, từ biển số đến giấy chứng nhận đăng ký phương tiện. Để tạo sự tin tưởng, chúng dùng phần mềm photoshop để chỉnh sửa giấy tờ giống y như thật rồi gửi cho khách xem. Chúng yêu cầu khách phải chuyển tiền cọc trước. Sau khi nhận tiền cọc khoảng 2-3 ngày, các đối tượng tiếp tục liên lạc, thông báo rằng xe sắp được vận chuyển tới cho khách và bảo họ chuyển khoản hết số tiền còn lại. Đến khi nhận đủ tiền thì chúng chặn liên lạc của bên mua.
Công an H.Duy Xuyên cho hay, đơn vị thường xuyên chủ động rà soát, đưa các đối tượng liên quan, nghi vấn trên địa bàn vào diện quản lý, theo dõi, điều tra. Tuy nhiên, quá trình điều tra đối với các đối tượng hoạt động trên không gian mạng gặp nhiều khó khăn, do phạm vi rất rộng, thủ đoạn tinh vi, nạn nhân lại không phải là người địa phương. Do đó, quan trọng nhất vẫn là công tác phòng ngừa. Người dân cần tăng cường cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo, nếu mua bán xe thì phải nhận sản phẩm rồi mới chuyển tiền.