Lợi dụng bóng lăn để làm gia tăng tội phạm
Trong những năm gần đây, khi mạng internet phát triển rộng rãi, việc đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá càng được các đối tượng tội phạm điều hành hoạt động kín đáo, tinh vi và phạm vi hoạt động rộng hơn. Mặc dù hoạt động phạm pháp này khiến cho nhiều người lâm vào cảnh tán gia, bại sản, thậm chí có nhiều trường hợp quẫn trí tìm đến cái chết thương tâm nhưng rất nhiều người vẫn tìm đến chỉ vì lòng tham.
Theo cơ quan CA, cá độ bóng đá rất đa dạng về hình thức và quy mô, từ tự phát, nhỏ lẻ đến các đường dây quy mô liên tỉnh, xuyên quốc gia với hàng chục nghìn người tham gia, số tiền cá cược lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong thời đại công nghệ, tội phạm cá độ bóng đá trên không gian mạng có xu hướng diễn biến phức tạp. Trên các nền tảng mạng xã hội, các trang web xem bóng đá trực tuyến, nhiều đối tượng ngang nhiên tổ chức quảng cáo cá độ bóng đá.
Hầu hết các đường dây, ổ nhóm tội phạm đều do các đối tượng cờ bạc chuyên nghiệp cầm đầu, đặt mua các tài khoản cá cược trên các trang mạng nước ngoài, sau đó chia nhỏ bán lại cho các "đại lý” cấp dưới để tổ chức cho các con bạc ở khắp các tỉnh, thành cá độ. Người chơi chỉ cần có các thiết bị kết nối internet đăng ký tài khoản thành viên, mở tài khoản cá nhân tại các ngân hàng để giao dịch, chuyển tiền vào tài khoản của trang web, hoặc nạp tiền đánh bạc thông qua thẻ cào điện thoại, qua cổng trung gian thanh toán để tham gia cá cược. Thậm chí, nhiều trường hợp còn được các đối tượng cấp cho tài khoản, mật khẩu cùng một khoản tiền ảo ứng trước để đánh bạc.
Các đối tượng trong đường dây cá độ bóng đá 6.000 tỷ đồng
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá trên không gian mạng, ngày 25-11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1123/CĐ-TTg về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến cá độ bóng đá, yêu cầu Bộ CA chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương tổ chức đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm, đường dây, đối tượng hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, nhất là trong thời gian diễn ra vòng chung kết World Cup 2022...
Lãnh đạo Bộ CA đã nhanh chóng chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đặc biệt là cá độ bóng đá.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo, ngày 01-12, Công an TP.Vinh (tỉnh Nghệ An) đã triệt xóa chuyên án, bắt giữ 12 đối tượng trong một đường dây đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá qua mạng internet do Nguyễn Đình Quân (SN 1993, trú tại xã Quang Trung, H.Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) cầm đầu. Tang vật thu giữ được trong quá trình phá án gồm: 1 xe ôtô, 15 điện thoại di động và nhiều tài liệu khác liên quan. Đường dây cá độ bóng đá này hoạt động từ đầu tháng 6-2022 đến cuối tháng 11-2022 thì bị CA triệu phá. Trong 6 tháng hoạt động, số tiền đánh bạc thông qua đường dây này lên đến hơn 2.000 tỷ đồng. Riêng trong 2 tháng diễn ra World Cup 2022, số tiền cá cược qua đường dây này khoảng 1.700 tỷ đồng.
Tiếp đó, ngày 05-12, Phòng CSHS CA tỉnh Nghệ An cũng đã phá thành công chuyên án, bắt giữ 8 đối tượng về hành vi đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá, thu 1 xe ôtô, 1 máy tính, 7 điện thoại di động và nhiều tang vật khác. Đường dây cá độ này do Nguyễn Văn Hiếu (SN 1994, trú tại xã Diễn Thành, H.Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) cầm đầu. Số tiền các đối tượng đã sử dụng cá cược qua đường dây này hơn 10 tỷ đồng.
Tương tự, từ ngày 15-12 đến ngày 19-12, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc CA tỉnh Nghệ An, Phòng CSHS CA tỉnh Nghệ An chủ trì phối hợp các phòng nghiệp vụ và CA các địa phương liên quan phá đường dây đánh bạc có quy mô lớn, tiến hành bắt, khám xét đồng loạt nơi ở của 21 đối tượng trú tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, thu giữ 21 điện thoại di động, 1 máy tính và nhiều tang vật có liên quan. Đường dây đánh bạc này do Nguyễn Đức Tuấn (SN 1989, trú xã Châu Khê, H.Con Cuông, Nghệ An), Phạm Đình Bình (SN 1989, trú xã Nghi Ân, TP.Vinh, Nghệ An) và Phạm Đức Cung (SN 1981, trú xã Nghi Phú, TP.Vinh, Nghệ An) cầm đầu. Phòng CSHS CA tỉnh Nghệ An xác định, từ đầu mùa giải World Cup 2022 đến thời điểm bị triệt phá, tổng số tiền giao dịch để cá độ bóng đá qua đường dây này lên đến hơn 50 tỷ đồng. Lực lượng CA tiến hành phong tỏa 15 tài khoản ngân hàng của các đối tượng để phục vụ công tác điều tra.
Nhóm đối tượng trong đường dây cá độ bóng đá 2.000 tỷ đồng bị Công an Hà Tĩnh triệt xóa
Xóa sổ 2 đường dây cá độ "khủng"
Trước và sau khi diễn ra World Cup 2022, CA tỉnh Hà Tĩnh đã đấu tranh, triệt xóa thành công 2 đường dây cá độ cực "khủng", hoạt động liên tỉnh. Điển hình mới đây, Phòng CSHS CA Hà Tĩnh phối hợp với các phòng nghiệp vụ triệt phá thành công đường dây cá độ bóng đá liên tỉnh với quy mô giao dịch đến nay gần 2.000 tỷ đồng. Theo tài liệu, nhóm đối tượng cầm đầu đường dây đánh bạc này quản lý một tài khoản cấp độ Super Master (siêu tổng đại lý) từ năm 2018. Trong tài khoản có 1.825.000 điểm, tương đương 73 tỷ đồng. Tính lũy kế từ khi hoạt động đến nay, số tiền giao dịch cá độ bóng đá lên đến gần 2.000 tỷ đồng.
Cũng cố đầy đủ tài liệu, chứng cứ, Phòng CSHS CA tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành bắt giữ 8 đối tượng liên quan đến đường dây đánh bạc này trú ở các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Dương và TPHCM, sau đó đã ra quyết định khởi tố 8 đối tượng về hành vi "tổ chức đánh bạc" và "đánh bạc". Trong đó, ra lệnh bắt tạm giam đối với 2 bị can Nguyễn Công Anh (SN 1989, trú xã Thạch Mỹ, H.Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) và Trần Văn Công (SN 1989, trú tại phường Dĩ An, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương); áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với những đối tượng còn lại.
Trước đó, ngày 04-11, Phòng CSHS CA tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với CA tỉnh Quảng Bình, CA tỉnh Quảng Trị và các Cục nghiệp vụ Bộ CA triệt xoá thành công đường dây cá độ bóng đá cực "khủng" với số tiền giao dịch lên đến hơn 6.000 tỷ đồng.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, đầu năm 2022, các trinh sát Phòng CSHS CA tỉnh Hà Tĩnh phát hiện trang mạng có địa chỉ ag.bong88.com có dấu hiệu tổ chức đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá với phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, chuyên nghiệp. Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc CA tỉnh Hà Tĩnh, Phòng CSHS CA tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, tập trung lực lượng điều tra thu tập tài liệu để đấu tranh triệt phá.
Củng cố đầy đủ tài liệu, ngày 17-10, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thượng tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc CA tỉnh Hà Tĩnh, các đơn vị nghiệp vụ CA tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với CA tỉnh Quảng Bình, CA tỉnh Quảng Trị và các Cục nghiệp vụ Bộ CA thống nhất phương án triệt phá đường dây đánh bạc này. Theo đó, lực lượng CA đã điều động 120 cán bộ, chiến sỹ đồng loạt triển khai thành 20 tổ công tác tiến hành bắt giữ 20 đối tượng tại nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Khám xét nơi ở của các đối tượng, lực lượng CA thu giữ được 11 xe ôtô, 510 triệu đồng tiền mặt, 15 máy tính các loại, 35 điện thoại di động và nhiều tang vật liên quan đến vụ án.
Bước đầu, căn cứ vào lời khai của các đối tượng và những tài liệu thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra CA tỉnh Hà Tĩnh xác định, trang mạng ag.bong88.com do đối tượng Trần Quang Nam làm chủ. Nam đứng ra điều hành và cấu kết với các đối tượng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị để tổ chức hoạt động. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, Nam đã sử dụng tài khoản cấp độ "siêu tổng đại lý” này để tổ chức đánh bạc và đánh bạc với quy mô đặc biệt lớn, cơ cấu tổ chức chặt chẽ, hoạt động liên tỉnh. Ước tính số điểm đánh bạc hàng tháng là 5.000 điểm, tương ứng với số tiền giao dịch hàng trăm tỷ đồng/tháng. Tổng số tiền giao dịch đánh bạc của đường dây từ khi hoạt động đến thời điểm bị phát hiện lên đến khoảng 6.000 tỷ đồng.
Củng cố đầy đủ tài liệu, chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra CA tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 20 đối tượng trong đường dây về tội "tổ chức đánh bạc" và "đánh bạc".
Ngoài 2 đường dây đánh bạc nghìn tỷ vừa bị triệt xóa nói trên, từ đầu năm 2022 đến nay, CA tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện, đấu tranh, bắt giữ 1.944 đối tượng/407 vụ vi phạm pháp luật về đánh bạc và tổ chức đánh bạc.
Thượng tá Nguyễn Phi Hải - Trưởng phòng CSHS CA tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tội phạm cá độ bóng đá trên không gian mạng có rất nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng. Những đối tượng này thường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, sử dụng các thiết bị thông tin di động thông minh và phương tiện kỹ thuật hiện đại kết nối mạng internet để trao đổi, thực hiện hành vi phạm tội. Chúng lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước như quản lý, kiểm soát trên không gian mạng, quản lý sim rác, quản lý thanh toán qua các tổ chức tín dụng, thanh toán trung gian để thực hiện tội phạm. Chúng đã lợi dụng triệt để mọi kẻ hở để hoạt động phạm pháp khiến cho lực lượng CA quá trình đấu tranh, bóc gỡ gặp rất nhiều khó khăn.