Nhận diện bọn cướp giật:

Kỳ 2: Ứng phó thế nào nếu rơi vào cảnh bị cướp?

Thứ Ba, 16/06/2015 17:51  | Minh Tiến

|

(CAO) Theo kinh nghiệm của "hiệp sĩ đường phố" Trần Văn Hoàng, nguyên nhân của đa số các vụ cướp giật đều là do người dân sơ ý, để lộ những hớ hênh về tài sản nên vô tình biến mình thành "miếng mồi ngon" cho bọn cướp giật.

Cách phòng tránh cướp giật tốt nhất là mỗi người phải biết tự cất giữ, bảo quản tài sản của mình thật kỹ khi đang lưu thông ngoài đường phố.

Cẩn thận khi "phơi hàng" ra bên ngoài

Hiệp sĩ Hoàng chia sẻ: “Vì có giá trị cao, nhỏ gọn và dễ tẩu tán, điện thoại di động là loại tài sản thường xuyên trở thành mục tiêu của bọn cướp giật nhất. Có tuần tôi nhận được hàng chục cuộc gọi của các nạn nhân báo bị giật điện thoại di động, tất cả đều từ lý do hớ hênh khi sử dụng.

Đó là chưa kể người dân khi đi đường thường có thói quen nghe điện thoại ở bất kỳ thời điểm nào có cuộc gọi mà không quan sát trước sau. Việc nghe điện thoại khi lái xe vừa gây mất tập trung, dễ dẫn đến tai nạn vừa vô tình biến chúng ta thành "miếng mồi ngon" cho những tên cướp giật. Thậm chí có nhiều người có ý thức bảo đảm an toàn cho mình bằng cách dừng xe sát lề đường khi sử dụng điện thoại, nhưng điều này không giúp họ tránh được việc trở thành nạn nhân của cướp giật khi chúng di chuyển vòng từ bên trong ra”.

Hạn chế sử dụng điện thoại di động khi đang chạy xe hoặc đi bộ ngoài đường - Ảnh: Hoàng Sơn

Vì lẽ đó, người dân nên hạn chế việc sử dụng điện thoại khi đang di chuyển trên đường. Nếu cuộc gọi quá quan trọng, người dân cần di chuyển lên lề đường, dừng xe sát nhà dân hết mức có thể và quay mặt ra ngoài, vừa nói chuyện vừa quan sát.

Ngoài ra, các tài sản khác như ba lô, túi xách, vòng vàng, dây chuyền đều là những tài sản cần phải được cất giữ cẩn thận. Cách tốt nhất để phòng tránh cướp giật là đừng là hạn chế đeo đồ trang sức khi ra đường. Nếu có đeo, chúng ta nên quàng khăn, mặc áo dài tay, áo khoác… để bọn cướp không thể nhìn thấy các tài sản trên. Không nên mang theo nhiều tài sản đắt tiền bên mình, trừ khi thật sự cần thiết. Tiền, túi xách nhỏ phải luôn luôn được bỏ vào cốp xe hoặc được ràng, buộc cẩn thận.

Hạn chế hoặc thậm chí là không cho người lạ mặt đi nhờ xe, nhất là vào ban đêm để tránh việc bị bọn cướp lợi dụng lòng tốt khống chế từ phía sau. Khi đi bộ dưới lòng đường, người dân cần lưu ý phải đi sát lề đường và giữ túi xách, điện thoại luôn hướng về phía tay phải. Tránh trường hợp đi sát lề đường nhưng đeo túi xách và cầm điện thoại hướng ra ngoài.

Trong trường hợp cần rút tiền tại ngân hàng hoặc cái máy ATM, người dân phải có biện pháp cất giữ tiền thật cẩn thận trước bước ra bên ngoài. Trước và sau khi rút tiền, các bạn nên để ý quan sát xung quanh xem có ai đang dừng xe hoặc ngồi gần nơi rút tiền có các biểu hiện bất thường như đang theo dõi mình hay không. Tốt nhất khi đi rút tiền nên có một người khác đi cùng để vừa làm nhiệm vụ giữ xe vừa quan sát.

Hiệp sĩ Trần Văn Hoàng bị thương trong một lần truy bắt tội phạm - Ảnh: Minh Tiến

Các cặp đôi thanh niên nam nữ nên hạn chế ngồi tâm sự tại những nơi vắng vẻ, ít người qua lại để tránh bị những đối tượng giang hồ, nghiện hút trấn lột tài sản. Trong trường hợp đi về khuya, các bạn càng phải chịu khó quan sát kỹ hơn, tốt nhất là chạy xe theo sau đám đông. Nếu các bạn đang đi trên một con đường vắng và bị một vài người bám theo sau một quãng đường dài thì nhiều khả năng một vụ cướp giật tài sản sắp xảy ra.

Ứng phó thế nào nếu rơi vào cảnh bị cướp?

Trong đa số các trường hợp, nạn nhân bỗng nhiên bị cướp giật thường hoảng sợ, mất bình tĩnh và không kịp phản ứng. Theo kinh nghiệm của nhiều người từng bị cướp, hành động khôn ngoan nhất vào thời điểm trên là giữ bình tĩnh, hô hoán thật to để nhờ sự giúp đỡ của người đi đường. Trong khi tri hô, các bạn phải kết hợp chỉ tay về phía đối tượng để người dân xung quanh nhanh chóng nắm bắt được tình hình, hướng đi của tên cướp để có thể hỗ trợ kịp thời.

Những nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ, tuyệt đối không nên cố gắng đuổi theo hung thủ. Hành động này thường rất nguy hiểm cho cả bản thân người bị cướp giật và những người xung quanh vì rất dễ xảy ra tai nạn. Ngoài ra, một số đối tượng cướp giật còn cất giấu sẵn hung khí trong người, sẵn sàng chống trả nếu bị truy đuổi gắt gao.

Đầu tháng 6-2015, trong một lần truy bắt đối tượng cướp giật có mang theo bình xịt hơi cay, "hiệp sĩ" Trần Văn Hoàng đã bị thương ở trán và mặt. Mới đây, vào ngày 14-6-2015, tài xế xe ôm Nguyễn Văn Ra (ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) vì truy đuổi cướp mà đã bị đồng bọn của chúng từ phía sau đạp ngã xe gây thương tích nghiêm trọng.

Đó là những ví dụ điển hình nhất cho lý do vì sao chúng ta không nên dại dột đuổi theo bọn cướp chỉ vì tiếc của, vì ngay cả những người dân có bản lĩnh, nhiều năm kinh nghiệm tham gia bắt cướp, các cán bộ, chiến sĩ công an thi hành nhiệm vụ vẫn thường bị thương khi truy đuổi tội phạm.

Tài xế xe ôm đuổi bắt cướp bị cướp đạp ngã xe gây thương tích - Ảnh: Minh Tiến

Sau khi hô hoán, bước tiếp theo mà chúng ta cần làm là cố gắng ghi nhớ càng nhiều đặc điểm của tên cướp càng tốt. Các chi tiết cần nhớ là bọn cướp đi mấy người, chiều cao, độ tuổi, đầu tóc, quần áo, hướng di chuyển… Đặc biệt, việc nạn nhân ghi nhớ được chi tiết về phương tiện di chuyển, biển số xe của nhóm cướp sẽ giúp ích rất nhiều cho việc điều tra của công an sau này. Và một việc quan trọng nữa là nạn nhân phải nhanh chóng đến cơ quan công an khu vực bị cướp để trình báo.

"Hiệp sĩ" Trần Văn Hoàng khuyên: “Dù khó có cơ hội tài sản bị cướp sẽ được thu hồi ngay sau khi vụ việc xảy ra, nhưng việc ghi nhớ đặc điểm của các đối tượng và phương tiện sẽ giúp ích rất nhiều cho cơ quan điều tra. Sớm hay muộn các tên cướp giật vẫn sẽ lại tiếp tục gây án, rồi sẽ có ngày sa lưới pháp luật. Nhiều khi biết chắc các đối tượng cướp không chỉ sử dụng một biển số xe, thậm chí có thể thay đổi màu xe chúng ta vẫn phải cố ghi nhớ đặc điểm của chúng. Theo kinh nghiệm của tôi, chúng chỉ có thể có nhiều lắm là năm bảy biển số xe, sớm hay muộn cũng sẽ sử dụng lại biển số cũ để lưu thông. Đó là cơ sở để các "hiệp sĩ" ghi nhớ và theo dõi khi gặp các đối tượng tình nghi”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang