Nhận diện bọn cướp giật- Kỳ 1: Đặc điểm, thói quen của bọn cướp giật

Chủ Nhật, 14/06/2015 17:33  | Minh Tiến

|

(CAO) Những năm gần đây, tội phạm cướp giật có xu hướng manh động hơn rất nhiều so với trước kia. Hầu như mỗi ngày, cơ quan chức năng các phường, xã đều nhận được đơn tố cáo, cớ mất của người dân với lý do bị cướp giật khi đang đi trên đường.

Các đối tượng gây án được miêu tả tập trung chủ yếu ở độ tuổi thanh thiếu niên từ 16 đến 30 tuổi. Các đối tượng này thường không có việc làm ổn định, thường xuyên tụ tập chơi bời, sử dụng các loại chất kích thích như bia, rượu, ma túy... hoặc là những người vướng vào cờ bạc, cá độ bóng đá...

Cướp giật có thể là các đối tượng xăm trổ, bặm trợn - Ảnh: Minh Tiến

Những đối tượng cướp giật có tiền án, tiền sự tái phạm cũng chiếm tỷ lệ rất cao. Thậm chí có những đối tượng cướp giật khi bị bắt khai với cơ quan điều tra mình đang là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng...

Phân công rõ ràng, điều nghiên "con mồi" kỹ lưỡng

Một lý do để giải thích cho tình trạng cướp giật táo tợn, manh động hiện nay là việc chúng thường đi theo băng, nhóm nhỏ khoảng hai ba người trở lên. Mỗi người trong nhóm được phân công nhiệm vụ cụ thể và rõ ràng. Các nhiệm vụ được phân công trong nhóm cướp giật phổ biến gồm: người chuyên cầm lái (nài, bo xe), kẻ chuyên ngồi sau trực tiếp thực hiện hành vi giật đồ. Nếu tổ chức kỹ và nhóm có đông người, ít nhất sẽ có một đối tượng đi trên chiếc xe khác làm nhiệm vụ cản địa trong trường hợp sau khi cướp đồng bọn của chúng bị truy đuổi.

Cũng có thể là người ăn mặc lịch sự - Ảnh: Minh Tiến

Trong hầu hết trường hợp cướp giật, phương thức được sử dụng phổ biến vẫn là đi xe máy hòa chung vào dòng người lưu thông trên đường để quan sát. Khi phát hiện những sơ hở, hớ hênh của nạn nhân, nhóm cướp sẽ nhanh chóng bám theo "con mồi" để chờ thời cơ thực hiện hành vi cướp giật tài sản.

Những người dễ bị cướp bám theo thường có những sơ hở như sau: mang theo tài sản có giá trị cao nhưng gọn nhẹ như túi xách, dây chuyền vàng, điện thoại di động... hoặc những người vừa giao dịch rút tiền trong ngân hàng, tại máy ATM đi ra với túi có biểu hiện dày cộm lên, ôm chặt túi xách...

Có những tên cướp giật còn rất trẻ, chỉ khoảng 14-16 tuổi - Ảnh: Minh Tiến

Thời gian gần đây, nhiều nhóm cướp giật đã sử dụng thủ đoạn giả va chạm xe, giả đánh ghen... để cản đường chạy của "con mồi". Dù không quen biết, bọn cướp vẫn giả một vụ xử lý mâu thuẫn cá nhân và hô lớn những câu đánh lừa người dân như" "đụng xe tao mà muốn bỏ chạy hả? hay "sao mày giật chồng tao?"... Khi "con mồi" còn chưa kịp định thần, nhóm này đã nhảy vào đấm đá khiến họ mất cảnh giác. Cùng lúc này, đồng bọn của chúng từ phía sau sẽ vượt lên, tiếp cận rạch túi quần hoặc cướp điện thoại, túi xách và bỏ đi.

Nhận diện bọn cướp giật

"Hiệp sĩ đường phố" Trần Văn Hoàng (44 tuổi, quê Bình Định) cho biết: "Theo kinh nghiệm của tôi, hầu hết người dân khi lưu thông trên đường đều chưa có ý thức tự bảo vệ tài sản của mình vì số người từng bị cướp giật, đã nếm trải cảm giác bị giật đồ vẫn chỉ chiếm số ít. Mà chưa bị cướp thì sẽ rất lơ là khi dùng xe máy tham gia giao thông hoặc tập trung chạy xe mà quên mất những hớ hênh về tài sản".

Có cả bà bầu 6 tháng đi cướp giật - Ảnh: Minh Tiến

Theo "hiệp sĩ" Hoàng, khi đi trên đường chỉ cần chú ý quan sát, nếu qua gương chiếu hậu phát hiện có người chạy bám theo mình một quãng đường dài hoặc có những biểu hiện như liên tục nhìn ngó hai bên đường, lạng lách, đánh võng... thì tốt nhất là nên cho xe lẫn vào đám đông, thậm chí rẽ sát vào lề đường rồi dừng hẳn, chờ các đối tượng này đi qua. Trên hết, người dân tuyệt đối không nên đeo dây chuyền, vòng vàng hoặc không để lộ những thứ đó ra ngoài để bọn cướp trông thấy rồi nảy sinh lòng tham.

Các đối tượng cướp thường rất đa dạng nên rất khó nhận biết, nhất là nếu "con mồi" đã bị chúng bám theo càng khó phân biệt hơn vì bị khuất tầm nhìn. Anh Hoàng kể: "Trong cuộc đời 20 năm bắt cướp giật của mình, tôi đã thấy đủ loại thành phần, giới tính... tham gia cướp giật. Chúng có thể là thanh niên bặm trợn đi trên một xe máy, cũng có thể chỉ đi một người. Ngoài ra, cũng không thiếu trường hợp chồng chở vợ, cha chở con trai còn nhỏ đi cướp. Có trường hợp bà bầu sáu bảy tháng vẫn ngồi sau xe em gái chở để cướp giật tài sản...".

Và em gái bà bầu chở chị đi cướp giật - Ảnh: Minh Tiến

Theo "hiệp sĩ" Hoàng, nếu có kinh nghiệm thì phải nhận biết các đối tượng cướp từ sớm để phòng tránh. Các biểu hiện như liên tục nhìn quanh mà không tập trugn chạy xe, lái xe lạng lách, thường xuyên đảo vòng quanh các tuyến đường... là cách để nhận biết các đối tượng có thể là bọn cướp giật.

Khi đã chịu khó quan sát và phát hiện đối tượng khả nghi, dù có phải là cướp hay không, người dân cũng nên tìm cách thoát khỏi tầm quan sát của chúng, thậm chí tấp sát xe vào lề đường, vào nhà dân... để chờ nhóm này đi qua khỏi mới tiếp tục lên đường.

(Còn tiếp)

Bình luận (1)

Bọn này bắt được rồi cần phải phạt nặng để răn đe!

Nhất Huy - Thứ Hai, 15/06/2015, 06:45 Trả lời | Thích
Lên đầu trang