Cuộc chiến khốc liệt ở “thủ phủ ma túy” Lóng Luông (kỳ 2)

Thứ Bảy, 30/06/2018 17:52

|

(CAO) Không thể để một “thánh địa ma túy” bất khả xâm phạm ngang nhiên tồn tại, Tỉnh ủy Sơn La, Tổng cục Cảnh sát-Bộ Công an, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm-Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã ban hành nhiều đề án, phương án, kế hoạch để giải quyết.

Tuy nhiên, mỗi tháng vẫn có hàng trăm kg ma túy đổ vào khu vực biên giới, phần lớn tập kết tại hai bản Lũng XáTà Dê, xã Lóng Luông, tỉnh Sơn La.

Những bóng ma dưới chân núi Pha Luông

Nói đến Lũng Xá-Tà Dê, nhiều người vẫn truyền tai nhau câu chuyện khi một vị lãnh đạo tỉnh Sơn La xuống làm công tác dân vận, có gã trùm ma túy ngông nghênh đòi tỉnh làm ngay đường ô tô vào bản (ở hai bản này, những tay buôn ma túy đều xây gara ô tô to hơn nhà ở vì nhà nào cũng có vài chiếc xế hộp hạng sang), nếu không, hắn sẽ tự làm.

Tráng A Tàng (tức Tàng Keangnam) thì ngoài việc bỏ tiền chi phối hết các cán bộ chính quyền cơ sở, hắn còn vung tiền mua chuộc dân bản, cứ mỗi dịp lễ tết lại phát tiền cho đủ già trẻ lớn bé, mỗi người 500.000 đồng; khi đoàn cán bộ Công an phối hợp với các tổ chức từ thiện tới khám bệnh miễn phí, phát chăn màn, quần áo ấm, Tàng xúi dân bản đem vứt hết xuống suối rồi hắn sẽ mua đồ “xịn” hơn cho và thuê hẳn chiếc ô tô khách chở người có nhu cầu xuống bệnh viện đầu ngành ở Hà Nội khám bệnh.

Có lần, nghe một cán bộ Biên phòng khen hắn có chiếc xe bán tải màu xanh đẹp và hôm đó, xe hắn bị Cục CSĐT tội phạm về ma túy ách lại kiểm tra, tháo tung cả chiếc xe, dù không tìm thấy ma túy vì hắn đã kịp chuyển “hàng” sang xe khác, ngay trên đường về bản, Tàng đã gọi đám giang hồ cả người Việt, người Lào ra giá 20.000USD cho kẻ nào thủ tiêu được anh cán bộ kia, may là lực lượng Công an đã nắm được thông tin, báo cho Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La đưa cán bộ về trụ sở Bộ chỉ huy…

Thựng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an một lần đi thị sát khu vực cửa khẩu Lóng Sập

Tiếng tăm của những ông trùm làm “thánh địa ma túy” Lũng Xá, Tà Dê trở thành nơi trú ngụ của những đối tượng bị truy nã về tội ma túy tiếp tục hoạt động. Mặc dù trùm Tàng cùng đám lâu la và cán bộ bản đều đã bị bắt giữ, xử lý nhưng tình hình vẫn ngày càng phức tạp.

Xác định giải quyết được tình hình ma túy ở địa bàn xã Lóng Luông là tháo được một “ngòi nổ” quan trọng, làm cơ sở để giải quyết các địa bàn khác, tại địa bàn này,Tỉnh ủy Sơn La, Tổng cục Cảnh sát-Bộ Công an, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm-Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã ban hành nhiều đề án, phương án, kế hoạch nhằm củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, giải quyết tình hình phức tạp về mua bán, vận chuyển ma túy.

Việc thực hiện các đề án, phương án, kế hoạch đã đem lại kết quả nhất định, góp phần hạn chế sự lây lan, hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy, tuy nhiên chưa bền vững.

Việc thực hiện các đề án đã hạn chế sự lây lan, hoạt động của tội phạm ma túy ở điểm nóng này
Kết quả đấu tranh các vụ án và trinh sát ngoại tuyến cho thấy, nguồn ma túy vào địa bàn xã Lóng Luông và vùng phụ cận chủ yếu do các toán đối tượng người nước ngoài, vận chuyển xuyên rừng, từ biên giới vào địa bàn.
Các nhóm đối tượng này như những bóng ma dưới chân núi Pha Luông. Đêm đêm, những toán từ 5-7 đối tượng mang theo súng quân dụng như AK, cạc bin, sămpalếch, lựu đạn…len lỏi theo đường mòn tiểu mạch xuyên rừng qua biên giới theo nhiều tuyến khác nhau, như: sau khi vượt đỉnh dãy núi Pha Luông, đi qua xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, đi qua xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ vào xã Loóng Luông và đi các xã Hang Kia, Pà Cò của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình hoặc vượt đỉnh Pha Luông đi qua các xã Chiềng Sơn, Đông Sang, huyện Mộc Châu, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ rồi vào tập kết, mua bán tại xã Loóng Luông hay tại Hang Kia, Pà Cò.
Tất cả các đối tượng khi di chuyển đều trong tư thế sẵn sàng nổ súng chống đối lực lượng chức năng nếu bị vây bắt. Có đêm, nhiều toán gặp nhau hợp thành đoàn lên đến 50 đối tượng, ¾ các đối tượng đều khoác ba lô đựng khoảng 20 bánh heroin, số còn lại mang ba lô đựng cơm, bánh ngọt và nước uống.
Lâu dần, hoạt động của chúng trờ thành quy luật và công khai, trắng trợn, khi gặp người dân đi săn, trông coi nương rẫy, chúng thường chĩa súng đe dọa, khống chế, gây bức xúc, lo lắng cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhân dân trong khu vực.

“Mẻ lưới” đầu tiên

Trước tình hình hoạt động ngày càng nghiêm trọng với tính chất đặc biệt phức tạp, manh động của tội phạm ma túy tại khu vực biên giới cũng như tại một số bản của xã Lóng Luông và các xã lân cận, được lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo.

Ngày 5/6/2014, Công an tỉnh Sơn La và Cục CSĐT tội phạm về ma túy-Bộ Công an (C47) đã xác lập Chuyên án mang bí số 279LL “Đấu tranh với các toán đối tượng có vũ trang mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy từ bên kia biên giới vào địa bàn xã Loóng Luông và vùng phụ cận”; phân công Đại tá Phùng Tiến Triển, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La làm Trưởng ban; Đại tá Phạm Trọng Điềm, Phó Cục trưởng Cục C47 làm Phó ban.

Ban chuyên án đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và đề nghị các Cục nghiệp vụ điều động lực lượng hỗ trợ 20 CBCS và 5 chó nghiệp vụ. Công an tỉnh Sơn La chọn cử 67 CBCS thuộc các đơn vị nghiệp vụ với yêu cầu 100% CBCS được chọn phải có lập trường tư tưởng vững vàng, có ý chí tấn công tội phạm, dũng cảm, không ngại khó, ngại khổ, có ý thức chấp hành kỷ luật, mệnh lệnh, tinh thông nghiệp vụ, võ thuật, sử dụng thành thạo các loại vũ khí và có bản lĩnh chiến đấu cao…

Các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, thời tiết giá rét, sương mù để vận chuyển ma túy

Ban chuyên án xác định, công tác đấu tranh, bắt giữ các toán vũ trang vận chuyển ma túy chuyên nghiệp, được huấn luyện và hoạt động có tổ chức, trong điều kiện rừng núi hiểm trở, ban đêm, thời tiết giá rét, sương mù, lần đầu tiên được nghiên cứu và tổ chức thực hiện là vô cùng khó khăn, vất vả và nguy hiểm.

Các toán nhóm đối tượng này lại là người nước ngoài, ở khu vực rừng núi, vùng dân tộc thiểu số, nên sau khi thận trọng suy xét, ban đầu, Ban chuyên án quyết định sử dụng các loại công cụ hỗ trợ và các trang thiết bị, dụng cụ thô sơ như: giăng lưới có móc câu, lưới mắt cáo, đặt bàn chông, cài bẫy hổ khóa chân để bắt đối tượng, mục đích là để thị uy, vây bắt đối tượng, thu vũ khí và ma túy, đảm bảo cho công tác điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Trường hợp đối tượng sử dụng vũ khí nóng chống đối, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của CBCS và phương tiện, trang thiết bị của nhà nước mới được sử dụng biện pháp phòng vệ chính đáng. Ban chuyên án còn chuẩn bị kỹ càng cả công tác cứu thương cho đối tượng, các phương án giải tán đám đông, chống tụ tập đông người gây phức tạp về an ninh trật tự…

Chỉ ít ngày sau khi thành lập chuyên án, những cuộc đụng độ đầu tiên đã xảy ra. Trong 3 ngày 17-19/6/2014, sau khi phát hiện một toán 8 đối tượng có vũ trang vận chuyển ma túy di chuyển từ hướng biên giới qua địa bàn bản Nà Sàng, xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, đội công tác đặc biệt gồm Công an Sơn La, C47, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (K20) chia thành 7 tổ thực hiện phương án đón chặn, vây bắt.

Khi lực lượng chiến đấu bắn chỉ thiên, sử dụng quả nổ nghiệp vụ để áp đảo vây bắt và kêu gọi các đối tượng đầu hàng, nhưng không những chúng không chấp hành mà còn xả súng chống trả quyết liệt, buộc các tổ công tác phải nổ súng và bắt được 2 đối tượng, thu giữ 40 bánh heroin.

Hai đối tượng bị bắt giữ cùng 40 bánh heroin ngày 19/6/2014
5 khẩu súng các đối tượng vứt lại hiện trường vụ bắt 110 bánh heroin

Một tháng sau, phát hiện 25 đối tượng có vũ trang vận chuyển ma túy từ biên giới vào địa phận bản Thung Cuông, xã Vân Hồ, các tổ công tác đã dùng loa kêu gọi đầu hàng nhưng các đối tượng manh động chống trả quyết liệt, dùng súng quân dụng bắn liên tiếp về phía đội công tác, buộc các CBCS phải nổ súng trấn áp, bắn bị thương một số đối tượng, số còn lại tháo chạy về bên kia biên giới.

Lực lượng Công an bắt giữ 5 đối tượng, thu giữ 110 bánh heroin, 2 súng AK, 2 súng cạc bin, 1 súng ngắn, 70 viên đạn trong 5 hộp tiếp đạn và nhiều vỏ đạn súng AK, cạc bin, sămpalếch….

Còn tiếp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang