Cuộc chiến khốc liệt ở “thủ phủ ma túy” Lóng Luông (kỳ 1)

Thứ Bảy, 30/06/2018 11:39  | Thanh Hoà

|

(CAO) Từ hơn một thập kỷ nay, khu vực biên giới của tỉnh Sơn La luôn được các lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy Công an, Biên phòng xác định là trọng điểm ma túy số 1 của cả nước và tập trung lực lượng đấu tranh.

Tuy nhiên, do địa hình rừng núi hiểm trở, lại là khu vực gần nhất với trung tâm sản xuất ma túy của thế giới-Tam Giác Vàng để từ đây tỏa đi cả nước và sang thị trường cực kỳ tiềm năng là Trung Quốc, nên nơi đây đã trở thành “chảo lửa ma túy”. Đã có nhiều trận đấu súng sinh tử nổ ra giữa một bên là lực lượng phòng chống ma túy quyết tâm đem lại bình yên, hạnh phúc cho nhân dân và bên kia-những kẻ coi tiền hơn chính tính mạng của mình.

Trong hai ngày 27 và 28/6/2018, Bộ Công an đã phối hợp với Công an tỉnh Sơn La huy động hơn 300 cán bộ chiến sĩ cùng nhiều phương tiện, thậm chí cả xe bọc thép đột kích vào “thủ phủ ma túy” Lóng Luông-nơi mà nhiều năm qua được coi như boong ke bất khả xâm phạm của tội phạm ma túy.

Trong cuộc đột kích ngày 27 và 28/6, Công an đã tiêu diệt và bắt giữ nhiều gã trùm ma túy đặc biệt nguy hiểm ở Lóng Luông, thu giữ lượng súng đạn khổng lồ

Loạt bài viết “Cuộc chiến khốc liệt ở “thủ phủ ma túy” Lóng Luông” nhằm giúp bạn đọc hình dung phần nào cuộc chiến chống ma túy khốc liệt nơi đây.

KỲ I: “CHẢO LỬA MA TÚY" GIỮA CAO NGUYÊN MỘC CHÂU

Sơn La là một tỉnh miền núi phía Bắc có địa hình rất hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều núi cao cùng sông Đà, sông Mã. Với 250 km đường biên giới chung với Lào, khu vực biên giới núi non trùng điệp, nhiều đường tiểu ngạch, từ lâu, khu vực biên giới Sơn La trở thành địa điểm vô cùng thuận lợi để các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy, trong đó “nóng” nhất là khu vực biên giới của huyện Mộc Châu (sau này được tách thành hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ).

Vùng đất dữ

Sơn La chỉ cách Tam Giác Vàng khoảng 700 km đường ô tô, vì vậy các tuyến vận chuyển ma túy từ trung tâm sản xuất ma túy của thế giới qua các tỉnh Bắc Lào tới Việt Nam là những tuyến trọng điểm. Đặc biệt từ năm 2006, quốc lộ 6 được nâng cấp chạy dọc khu vực biên giới, nhiều đường tỉnh lộ và hàng trăm đường liên huyện, liên xã nối với quốc lộ 6, vì vậy từ biên giới Việt-Lào ra quốc lộ, điểm gần nhất chính là Mộc Châu, Vân Hồ.

Các đường dây ma túy đã tận dụng lợi thế này để tập kết ma túy ngay sát biên giới Mộc Châu, tìm thời cơ đưa qua biên giới và vận chuyển thẳng về xuôi qua quốc lộ 6, chỉ vài tiếng đồng hồ là đã đưa được “hàng” về Hà Nội rồi tỏa đi cả nước, vào các tỉnh phía Nam, đưa sang Trung Quốc tiêu thụ.

Bởi vậy, nơi đây đã hình thành hàng trăm đường dây, tổ chức buôn bán, vận chuyển ma túy với quy mô lớn và trở thành “mắt bão” ma túy của cả tuyến Tây Bắc cũng như cả nước.

Bản Lũng Xá, xã Lóng Luông nhìn từ trên cao

Với những đặc điểm địa hình như vậy, từ những năm 2000, Sơn La đã là địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy với trên 20.000 người nghiện có hồ sơ quản lý; tội phạm và tệ nạn ma túy xuất hiện ở cả 12/12 huyện, thành phố; 85% số vụ phạm pháp trên địa bàn do người nghiện và tội phạm ma túy gây ra.

Vấn đề cấp bách đặt ra với tỉnh này là muốn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thì phải giải quyết bằng được tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy. Với quyết tâm chính trị cao, đầu năm 2006, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã thành lập Ban Chỉ đạo 03 các cấp, tập trung các nguồn lực và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, ban hành hệ thống cơ chế, chính sách về phòng chống ma túy, đầu tư kinh phí mỗi năm hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ cho công tác cai nghiện, đấu tranh với tội phạm ma túy, xây dựng công sở đạt tiêu chuẩn 4 không về ma túy,...

Sau 8 năm kiên trì, quyết liệt thực hiện, đến năm 2013, tình hình tệ nạn, tội phạm ma túy tại tỉnh Sơn La đã được kiềm chế và từng bước bị đẩy lùi, địa bàn hoạt động bị thu hẹp, số người nghiện giảm theo từng năm (từ trên 20.000 xuống còn hơn 9.200 người), mỗi năm, lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý từ 1.000-1500 vụ án ma túy.

Tội phạm ma túy chỉ còn tập trung ở một số bản, xã thuộc các huyện biên giới, trong đó phức tạp nhất là xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu (nay là huyện Vân Hồ) giáp với xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

Lực lượng công an trong một lần bàn kế hoạch tấn công tội phạm ma túy ở Lóng Luông

Nơi hội tụ của những gã trùm đặc biệt nguy hiểm

Lóng Luông là xã nội địa cách biên giới 15 km, đặc thù địa bàn cát cứ, giao thông độc đạo, trên 84% dân số là đồng bào Mông, trong đó có nhiều người có quan hệ họ hàng, thân tộc bên kia biên giới. Cả xã có 11 bản, 1.048 hộ với gần 5.300 nhân khẩu nhưng có trên 15% là đối tượng nghiện, thi hành án, đối tượng truy nã và trong diện quản lý nghiệp vụ của Công an.

Số vũ khí Công an thu được tại hiện trường trong một cuộc đấu súng với toán người vận chuyển ma túy ở Lóng Luông

Cũng bởi vậy mà Loóng Luông được ví như boong ke của tội phạm ma túy vùng Tây Bắc. Nguy hiểm hơn, nhiều năm nay đã xuất hiện các toán vận chuyển, mua bán ma túy có vũ trang qua biên giới, mỗi nhóm từ 10-30 đối tượng, có chuyển 50 đối tượng mang theo đủ loại súng quân dụng, trong đó có cả AK, lựu đạn, chó săn vận chuyển lượng lớn ma túy lên tới vài trăm bánh heroin, hàng chục ngàn viên ma túy tổng hợp từ biên giới vào tập kết tại Lóng Luông.

Đặc biệt, ngày 27/7/2015, Công an tỉnh Sơn La còn phát hiện có trên 100 đối tượng có vũ trang vượt biên giới vào bản Khò Hồng, lập tức 3 lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng được triệu tập tiến hành báo động toàn tuyến biên giới, huy động lực lượng đẩy đuổi về bên kia biên giới. Những nhóm vận chuyển ma túy này rất manh động, liều lĩnh.

Nhiều người dân ở bản Lắc Phương khi đi làm nương về muộn gặp chúng đang “cõng hàng”, có người bị chúng dí súng vào đầu đe dọa sẽ bắn chết nếu báo Biên phòng hoặc chính quyền. Thực trạng này gây hoang mang, bức xúc đối với nhân dân trên địa bàn. Các hộ người Thái ở khu vực chân núi Pha Luông thường phải đóng chặt cửa, không dám ra ngoài khi trời tối.

Số súng đạn của tội phạm buôn bán ma túy ở Lóng Luông bị công an thu giữ

Tại hai bản Lũng Xá-Tà Dê, có rất nhiều những đại gia đình, dòng họ ma túy. Điển hình như gia đình ông trùm Tráng A Tàng (tức Tàng Keangnam, SN 1982). Tàng vốn là con trai của Trưởng bản Lũng Xá Tráng A Chư, và cũng là một trong những người nối dõi dòng họ Tráng A có uy tín nhất ở vùng “thánh địa ma tuý” này.

Nhà của bố đẻ Tàng chính là nơi mà anh ta cất giấu ma túy sau mỗi lần “nhập” về từ nước ngoài (Lào, Thái Lan). Anh trai Tàng là Tráng A Lầu cũng là một kẻ buôn ma túy có số má ở thánh địa ma túy này. Bố vợ Tàng là Giàng A Đua-một trùm ma túy kiểm soát tới trên 60% lượng ma túy ở cao nguyên Mộc Châu, có thể khống chế, điều chỉnh giá thị trường ma túy tại đây.

Lợi dụng sự tín nhiệm của đồng bào dân tộc Mông, Trưởng bản Tráng A Chư thì tích cực chống đối lực lượng phòng chống ma tuý. Còn Tàng Keangnam đã biến nhiều cán bộ cơ sở ở Lũng Xá thành tay chân, lá chắn đắc lực phục vụ cho việc buôn bán ma túy của mình.

Trong đó, Bí thư liên Chi bộ 2 bản Lũng Xá- Tà Dê Giàng A Nhà (SN 1984) tiếp tay cho bố đẻ, anh trai, em rể, em gái mua bán ma tuý với số lượng lớn; Phó bản Lũng Xá kiêm Công an viên Giàng A Chờ (SN 1971) được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trong bản, tổ chức vận động, tuyên truyền đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý, nhưng đã dùng chính cương vị của mình gây khó khăn cho các lực lượng chức năng khi có yêu cầu phối hợp phòng chống ma tuý trong bản.

Giàng A Chờ còn nhận nhiệm vụ “chim lợn” cho Tàng mỗi khi ông trùm đi giao ma túy và là “hoa tiêu” dẫn các toán ma túy người nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam và tập kết tại nhà Trưởng bản. Để trả công, Tàng cho Chờ sử dụng quán bán hàng tạp hóa ngay đầu bản. Bản thân Chờ cũng 4 lần mua bán 950 bánh heroin, trọng lượng gần 333 kg…

Trong khi bộ máy chính quyền sở tại gần như tê liệt vì ma túy, do dân trong bản chủ yếu là người Mông, nên khi các đơn vị chức năng triển khai các chủ trương, chính sách, biện pháp phòng chống ma túy luôn vấp phải sự chống cự quyết liệt.

Mỗi lần lực lượng Công an các địa phương tới bản để bắt, khám xét nhà các đối tượng, không chỉ người thân, đồng bọn của chúng chống trả quyết liệt, dùng súng AK xả cả băng đạn vào xe công vụ, quẳng xe máy ra đường nhằm ngăn cản lực lượng vây bắt, mà nhiều dân bản, người già, phụ nữ dùng gạch đá, gậy gộc tấn công phương tiện của tổ công tác..

.Chỉ cần có người lạ xuất hiện trong bản, lập tức đã có người tới “hỏi thăm” bằng nhiều hình thức. Do vậy, khu vực này từ nhiều năm nay đã trở thành “thánh địa” bất khả xâm phạm của tội phạm ma túy; đám tội phạm bị truy nã về tội ma túy cũng coi đây là nơi trú ẩn an toàn để tiếp tục hoạt động phạm tội.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang