Nay xuất hiện kiểu lừa đảo “tinh vi” hơn, chúng dụ được bị hại cung cấp mã OTP hoặc số tài khoản các loại thẻ (thẻ tín dụng, thẻ ATM...) để chúng điềm nhiên xâm nhập vào tài khoản rồi rút sạch tiền của khách hàng.
Cơ quan điều tra cảnh báo, tuyên truyền rộng rãi để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác.
Lừa mua nhà để lấy tiền của người bán
Ngày 26-6-2018, Phòng Cảnh sát hình sự công an tỉnh Gia Lai đã phát đi thông báo cảnh báo người dân về một kiểu lừa đảo mới xảy ra trên địa bàn.
Theo đó, từ tháng 3 đến tháng 6-2018, Phòng Cảnh sát hình sự nhận được một số đơn tố giác của công dân trên địa bàn về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi thực hiện giao dịch mua bán trên mạng xã hội. Qua quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ, công an xác định phương thức, thủ đoạn gây án của nhóm đối tượng trên như sau.
Sau khi tìm hiểu, nắm bắt thông tin rao bán hàng hoá ở các trang thương mại điện tử, các đối tượng lừa đảo sử dụng tài khoản Messenger, liên hệ với người bán, tự giới thiệu là công dân Việt Nam, đang sinh sống ở nước ngoài, có nhu cầu mua hàng hoá, thường là nhà, đất ở Việt Nam.
Sau khi thoả thuận thống nhất giá cả mua bán, các đối tượng này đề nghị người bị hại cung cấp thông tin về số tài khoản, số điện thoại cá nhân của người bán để chuyển tiền đặt cọc. Sau đó, các đối tượng này gửi đường link của trang Web giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union, yêu cầu người bán hàng nhập số tài khoản, mật khẩu tài khoản và mã OTP (hình thức chuyển tiền bằng hệ thống banking – chuyển trực tiếp qua điện thoại iphone hoặc android - PV) vào trang Web giả mạo để nhận tiền đặt cọc. Sau khi người bán nhập mã OTP thì số tiền trong tài khoản của người bán bị chuyển đến tài khoản của đối tượng lừa đảo.
“Đây là phương thức thủ đoạn mới của tội phạm xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đề nghị các cơ quan chức năng toàn tỉnh tuyên truyền cho nhân dân biết thủ đoạn và cảnh giác với loại tội phạm trên. Nếu phát hiện các đối tượng có thủ đoạn trên, đề nghị thông báo đến phòng Cảnh sát hình sự công an tỉnh Gia Lai theo số điện thoại 0694 329148 để phối hợp xử lý”, trích thông báo của Công an tỉnh Gia Lai.
Giả mua hàng để lừa lấy mã OTP, số tài khoản
Tại Lâm Đồng, từ tháng 5-2018, Phòng Cảnh sát hình sự công an tỉnh nhận được đơn trình báo của bị hại là chị P. (trú TP Đà Lạt) về việc mình bị lừa mất tiền trong tài khoản trong quá trình bán hàng với một khách hàng ở nước ngoài. Khách hàng đặt mua của chị 2 chiếc áo thông qua phương thức giao dịch online và nói chị P. cung cấp số tài khoản thẻ ATM để đối tượng chuyển trả tiền mua áo (trên 1 triệu đồng). Tuy nhiên, ngay sau khi chị P. mất cảnh giác cung cấp số tài khoản, hậu quả thẻ ATM của bị hại đã bị rút mất 8 triệu đồng.
Nạn nhân chia sẻ: “Khách hàng gọi đến là giọng nam. Mặc dù cửa hàng em bán đồ nữ, nhưng họ vẫn hỏi mua và nói em giới thiệu áo đẹp, “xịn”. Bình thường, em chỉ bán cho mỗi khách hàng được mấy trăm ngàn, nhưng khi có người hỏi mua tới trên 1 triệu, em rất là mừng, nghĩ họ là Việt kiều mua tặng bạn gái. Thông thường khách đến tận nơi chọn mua, chỗ quen thân thì chuyển khoản. Nên nghĩ khách mua tử tế, em nhắn ngay số tài khoản mà không nghĩ rằng mình đã cung cấp bí mật cho người lạ để bị lợi dụng”.
- Ảnh:
Vậy bằng cách nào đối tượng lấy được tiền?. Đại úy Nguyễn Thế Quang – Đội Công nghệ cao phòng Cảnh sát hình sự công an Lâm Đồng cho biết: “Ban đầu, đối tượng dùng một tài khoản Facebook đặt mua hàng để tạo lòng tin. Sau đó, đối tượng cho biết đang ở nước ngoài và muốn chuyển tiền qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế, đồng thời xin số tài khoản và số điện thoại của nạn nhân để thực hiện lệnh giao dịch chuyển tiền.
Lợi dụng sự dễ dãi, không hiểu biết về việc cần thiết phải bảo mật thông tin của phía bị hại, đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp mã xác thực OTP của tài khoản. Có khi, đối tượng dùng thủ đoạn tinh vi, lấy được mã OTP do cơ quan trung gian là tổng đài nhắn tới số điện thoại của khách hàng. Có được mã OTP, đối tượng sẽ rút được tiền từ tài khoản của nạn nhân.
Ngay sau khi tiền đã được chuyển qua ví điện tử, đối tượng liền tẩu tán vào các mục đích mua hàng, thanh toán online… khiến các ngân hàng hay tổ chức tín dụng không thể truy hồi khi có yêu cầu từ nạn nhân. Chủ thẻ nên cảnh giác, không giao mã OTP hoặc số tài khoản cho người khác một cách dễ dãi”.
Liên quan đến các hành vi, thủ đoạn lừa đảo kiểu mới, ngày 23-6-2018, trung tá Hồ Hoàng Thanh - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự công an tỉnh Bình Dương, cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn xảy ra 5 vụ lừa đảo gây thiệt hại cho người bị hại số tiền trên 3 tỷ đồng, bằng thủ đoạn mua bán hàng nông sản.
Những kẻ lừa đảo liên hệ với các đại lý chuyên thu mua nông sản (cà phê hạt, tiêu, điều) ở các tỉnh Đăk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai… để đặt mua hàng với số lượng lớn. Sau đó thỏa thuận chuyển một số ít tiền qua tài khoản để làm tin cho phía cung cấp hàng rồi yêu cầu chủ đại lý chở hàng xuống giao ở một số kho bãi thuê trên địa bàn Bình Dương.
Khi hàng được vận chuyển đến nơi, các đối tượng tìm cách “điều” chủ hàng và tài xế đi nơi khác, như mời đi ăn cơm, uống cà phê... sau đó bí mật chuyển số hàng đi nơi khác và nhanh chân bỏ trốn. Khi chủ hàng phát hiện thì các đối tượng đã tẩu thoát cùng với số hàng và chủ kho cho thuê cũng không hay biết.