Ma trận “cò” khám bệnh ở Sài Gòn (kỳ 1)

Thứ Hai, 18/06/2018 15:59

|

(CAO) Nạn “cò” khám bệnh thời gian gần đây lại tái diễn ở các bệnh viện, trung tâm chẩn đoán y khoa tại TPHCM.

Ghi nhận của phóng viên Báo CATP tại một số nơi như: Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, Trung tâm chẩn đoán Y khoa Hoà Hảo…, mỗi nơi có đến hàng chục “cò” thay phiên nhau “cắm chốt kiếm ăn”.

Bằng nhiều chiêu thức, chúng lợi dụng sự cả tin của bệnh nhân để bày trò lừa đảo, lấy tiền. Và ở trong chừng mực nào đó, đã có dấu hiệu móc nối gián tiếp giữa người của bệnh viện, trung tâm với “cò”…

KỲ 1: KHI NHỮNG ĐỒNG TIỀN "LÁCH NGANG" ĐƯỜNG KHÁM BỆNH

Nguyễn Văn H., một sinh viên đang theo học một trường đại học tại TPHCM, hôm 12-6 tìm đến Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM (Q5) để khám lại căn bệnh tụt can xi kinh niên khiến anh khổ sở hơn tuần nay. Dù mới tờ mờ sáng nhưng ở đây đã chật kín người đến chờ khám bệnh. Đã nhiều giờ đồng hồ trôi qua, con số trên bảng điện tử vẫn chưa gọi tên H., khiến anh vô cùng mệt mỏi.

Khi H. vẫn còn loay hoay chưa biết khi nào mới đến lượt mình được khám bệnh thì một thanh niên tự xưng tên Nguyên bất ngờ xuất hiện, “bày đường chỉ lối”.

Chuyện khó, có “cò” lo!

“Anh nhìn là biết em mang bệnh nặng rồi. Sáng giờ vẫn chưa gặp được bác sỹ đúng không. Anh giúp cho nha!” – Nguyên tiến đến hỏi thăm, rồi gợi ý. Như “người đuối nước bắt được chiếc phao”, H. mừng rỡ, tâm sự ngay nỗi cực nhọc của mình: “Em bị tụt canxi cả tuần rồi! Mệt một cái là ngất xỉu chả học hành được gì cả. Chứng này em bị kinh niên”.

Nghe thế, Nguyên chốt hạ: “Thôi được rồi, bây giờ để anh lo cho em. Anh sẽ chở em tới cái phòng đăng ký dịch vụ. Sau khi người ta kiểm tra sơ bộ cho em xong, sẽ có người dẫn thẳng lên gặp bác sỹ bệnh viện để được chữa bệnh nhanh”.

Tới đây, H. chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, vội vàng đồng ý làm theo những gì mà “người lạ” chỉ dẫn. Khi “con mồi” đã “cắn câu”, trèo lên xe của mình, Nguyên mới ngỏ lời xin xỏ: “Thật tình thì thấy em tội nghiệp anh mới dẫn đi thôi chứ nhờ vả bác sỹ vậy cũng ngại lắm. Lát nữa, trước khi vô khám nhớ cho anh 30 nghìn đồng tiền cà phê là được”.

Với chỉ 30 nghìn đồng nhưng lại được khám nhanh, đương nhiên H. không nề hà gì, rút bóp đưa ngay tiền cho “cứu tinh” của mình. Nhưng có điều, H. không hay biết rằng người đang muón giúp mình là một “cò” khám bệnh và tất cả chỉ là một “vở kịch”.

“Cò” Nguyên đang ra sức đánh lừa một bệnh nhân tới phòng khám Tâm Ý (bên hông Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) để khám - Ảnh cắt từ clip điều tra.
Các nhân viên tại Phòng khám đa khoa Tâm Ý giải thích mập mờ với bệnh nhân về lời hứa sẽ chuyển thẳng bệnh nhân vô Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM để khám chữa bệnh của “cò” Nguyên trước đó - Ảnh cắt từ clip điều tra.
Tấm giấy nhận bệnh ghi rõ tên của “cò” Nguyên. Chữ “C7” trong hình biểu thị ca số 7 mà Nguyên đã “cò” được trong sáng 12-6 - Ảnh cắt từ clip điều tra.
Một “cò” ở Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM “thu phí” 30.000 đồng mỗi bệnh nhân cho một lần sử dụng dịch vụ “khám bệnh thần tốc” - Ảnh cắt từ clip điều tra.

Cú “bẻ ngoặt” của “cò”

“Cò” Nguyên chở H. đi lòng vòng một hồi, tới Phòng khám Đa khoa Tâm Ý (số 3 Mạc Thiên Tích, Q5) mới đá chống xe, ngừng lại. Phòng khám này thật ra nằm cách Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM chỉ vài chục mét, nhưng cách di chuyển “cò” Nguyên khiến H. “cảm nhận” được “sự nhiệt tình” của tay này, thầm biết ơn.

Vào trong, “cò” Nguyên làm động tác “gửi gắm” ca bệnh của H. cho một nhân viên của phòng khám. “Người nhà của em đó!” – “cò” Nguyên nháy mắt, nói với nhân viên phòng khám. Hồ sơ khám bệnh của H. sau đó được ghi thêm dòng chữ “Nguyên C7” để làm dấu hiệu nhận biết.

Đâu đó xong xuôi, H. tiếp tục được đưa tới một chiếc bàn nhỏ để tiến hành đo huyết áp. “Huyết áp không đều anh nha! Bệnh trở nặng. Chuyển bệnh nhân vô gặp bác sỹ gấp!” – y tá của phòng khám này tỏ ra sốt sắng với trường hộ của bệnh nhân mới.

Tiếp sau đó, H. tiếp tục được đưa tới gặp một vị bác sỹ để “kiểm tra tình hình”. Quan sát qua lại, vị bác sỹ nói trên phê cho H. một danh sách dài ngoằng, bao gồm hàng chục thứ cần phải xét nghiệm.

Đến khi cầm trên tay tờ giấy đóng tiền, H. tá hỏa vì số tiền mà mình phải chi trả lên tới hơn 1.500.000 đồng. Nhưng lo sợ căn bệnh nguy hiểm của mình, cậu sinh viên vẫn cắn răng chi trả, với hy vọng sau khi kiểm tra tổng quát ở đây xong sẽ được chuyển thẳng tới bệnh viện lớn để thăm khám.

Nhưng cuối cùng, đến lúc làm xong các xét nghiệm ở phòng khám này, H. hoàn toàn hụt hẫng khi biết rằng chẳng hề có việc mình được đưa vô bệnh viện Đại học Y dược TPHCM khám như lời hứa của “cò” Nguyên trước đó. “Bệnh em không nghiêm trọng, về nghỉ ngơi ăn uống điều độ là ổn thôi”- nữ bác sỹ động viên H., rồi tiếp tục cho gọi bệnh nhân khác vào phòng.

Ấm ức trong lòng, H. tìm đến phòng đăng ký dịch vụ của phòng khám để hỏi rõ việc trước đó, “cò” Nguyên cam kết sẽ có người dẫn bệnh nhân lên Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM để khám chữa nhưng chẳng thấy đâu. Kết quả, H. chỉ nhận được sự hồi đáp “trớt quớt” của nhân viên này: “Chị nói luôn, đây là phòng khám đa khoa, em bị bệnh tới đây thì tụi chị sẽ chữa luôn, không cần phải đi đâu cả. Ai hứa em thì đi tìm người đó”.

“Cò” Châu đưa một bệnh nhân tới khu khám bệnh ở Trung tâm Hoà Hảo để “can thiệp” khám nhanh, sáng 31-5 - Ảnh cắt từ clip điều tra.

Theo tư liệu phóng viên Báo CATP thu thập được trong quá trình điều tra, không chỉ ở Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM mới xảy ra tình trạng “cò” lộng hành, tại TPHCM hiện nay có tới hàng chục bệnh viện trở thành mảnh đất màu mỡ để các “cò” kiếm ăn. Chỉ cần một cú “bẻ ngoặt” của “cò”, bệnh nhân hoàn toàn rơi vào ma trận do các đối tượng bày ra.

Trước đó, có mặt tại Trung tâm chẩn đoán Y khoa Hoà Hảo (Trung tâm Hoà Hảo) vào sáng 31-5, chúng tôi ghi được cảnh “cò” Châu tiếp cận, chào mời “dịch vụ khám bệnh thần tốc” với một bệnh nhân tên T.. “Cò” Châu đưa T. đến sảnh Trung tâm Hòa Hảo, sau đó ra giá: “Tiền công của anh 150.000 đồng. Anh dẫn em đi làm thủ tục, khám xong anh mới lấy tiền”.

Một “cò” hoạt động thâm niên tại khu vực xung quanh Trung tâm Hòa Hảo - Ảnh cắt từ clip điều tra.

Được T. gật đầu, “cò” Châu đưa bệnh nhân tới quầy đăng ký khám chữa bệnh, làm một số thủ tục cơ bản. Điều kỳ lạ là từ lúc có sự “can thiệp của “cò”, mọi thủ tục dường như rất nhanh gọn và chẳng phải chờ đợi lâu, anh T. đã tới số vào khám bệnh ở Khoa Tai – Mũi – Họng của trung tâm này.

“Có anh dẫn đi thì nhanh lắm, em cứ vô nói bệnh với bác sỹ, nếu có phải chụp chiếu hay xét nghiệm gì thì nói anh. Khám xong báo anh để được hướng dẫn mua thuốc lẹ” – “cò” Châu nhiệt tình căn dặn anh T. trước khi “làm dịch vụ” với bệnh nhân tiếp theo.

Mạng lưới của… “cò”

Theo ghi nhận của chúng tôi, bình quân một ngày, “cò” Châu có thể “dẫn mối” từ 5 đến 7 trường hợp bệnh nhân. Để dễ bề thực hiện hành vi “cò mối”, Châu đã duy trì cho mình một mối quan hệ khá thân thiết với các nhân viên, điều dưỡng, bảo vệ và cả các bác sỹ tại Trung tâm Hòa Hảo.

Nhiều ngày theo dấu “cò” này, chúng tôi phát hiện thực chất việc dẫn dắt người bệnh thăm khám bên trong bệnh viện chỉ là mục đích phụ, kết quả cuối cùng mà đối tượng này nhắm tới chính là việc lôi kéo, đưa bệnh nhân ra tìm mua thuốc từ các nhà thuốc tư nhân.

Sau khi bệnh nhân đã hoàn thành xong xuôi quy trình khám bệnh và xét nghiệm, “cò” Châu nhanh chóng tiếp cận và tìm đủ lời ngon ngọt, dụ dỗ họ ra ngoài mua thuốc điều trị. “Ở đây muốn mua thuốc uy tín thì nên ra ngoài. Anh chỉ em luôn nhà thuốc Thiên Phúc, cách bệnh viện chỉ 20 mét thôi. Em mua thuốc ở đó là bao hết bệnh” – “cò” Châu quảng cáo.

Bên trong nhà thuốc Thiên Phúc (đối diện Bệnh viện Hòa Hảo), nơi “cò” Châu dụ bệnh nhân tìm tới mua thuốc - Ảnh cắt từ clip điều tra.

Hiện nay, TPHCM có tới hàng chục bệnh viện lớn nhỏ song bấy nhiêu vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chăm sóc sức khỏe ngày ngày một tăng của người dân. Cũng vì lẽ này, các bệnh viện công lập vô hình chung trở thành một “chiếc bánh ngọt” để các “cò” kiếm ăn. Không những thế, các “cò” còn phân chia địa phận để tung hoành, gây cản trở tới nhu cầu chính đáng của người dân.

Từ “cò” khám nhanh ở bệnh viện công, “cò” phòng khám tư nhân cho đến cả “cò” nhà thuốc…, lợi dụng vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, muốn rút ngắn thời gian khám chữa bệnh của người dân, các đối tượng này đã cùng nhau cấu kết, tìm đủ chiêu trò để móc túi bệnh nhân.

Hàng trăm thứ “dịch vụ đen” ăn theo bệnh viện được mở ra khiến tình hình an ninh trật tự tại các bệnh viện bị ảnh hưởng, gây bất công, bức xúc cho bệnh nhân đi khám bằng con đường “chính ngạch”.

Theo nguồn tin từ trinh sát hình sự Công an Q10, các đối tượng “cò” ở các bệnh viện, trung tâm khám bệnh trên địa bàn này không thể hoạt động đơn lẻ mà đều có chung một hệ thống, dưới sự điều hành của một “cò mẹ”. Cầm đầu đường dây “cò” khám bệnh tại Trung tâm Hòa Hảo là một người đàn ông Hoa kiều có biệt danh: “Chú Thoòng”.

Đối tượng này có hành tung khá kín kẽ, trực tiếp đứng ra tổ chức, bảo kê để các tiệm thuốc tây, phòng khám hoạt động. Mỗi một “cò” nếu chăm chỉ kiếm khách, một ngày có thể đút túi từ 500.000 đến hơn 1.000.000 đồng tiền hoa hồng.

Hình thức kinh doanh này được xem là cách kiếm tiền siêu lợi nhuận. Cũng vì những hoạt động phức tạp nêu trên nên mới có chuyện đồng tiền làm “lách ngang” đường khám bệnh với người dân nghèo, khiến họ đặt ra nghi vấn liệu có sự móc nối nào đó giữa bác sỹ và các “cò” hay không?

(Còn tiếp)

Phỏng vấn “cò”

Để cảnh giác cho bệnh nhân, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã tổ chức phát loa cảnh báo nạn “cò” bệnh viện. Song, loa phát thì cứ… phát; còn “cò” cứ thế… lộng hành (!). Phóng viên Báo CATP đã có một cuộc phỏng vấn bí mật với “cò” Nguyên vào sáng 12-6:

PV: Anh làm nghề này bệnh viện có cho không?

“Cò” Nguyên: Thế mày có nghe bệnh viện phát loa gì không. Cảnh giác, không hợp tác với “cò” đó.

PV: Bệnh viện phát loa vậy anh có ngại không?

“Cò” Nguyên: Loa phát cổng trước thì tao ra cổng sau đứng, có gì đâu mà lo.

PV: Nhưng sao anh không dẫn bệnh nhân vào bệnh viện khám mà lại đưa vào phòng khám tư nhân?

“Cò” Nguyên: Đưa người ta vào bệnh viện công rồi ai trả tiền tao. Đưa vô phòng khám bên kia (Phòng khám đa khoa Tâm Ý) mới có tiền hoa hồng. Ở đây là ăn chia theo ca. Sáng giờ tới ca thằng H. (bệnh nhân H. đã nêu ở trên) là ca thứ 7 của tao rồi đó. Mấy nhỏ y tá phòng khám sẽ đánh dấu ca của tao theo tên và số thứ tự. Ví dụ: Ca thứ 7 thì ghi là “Nguyên C7”.

PV: Nhưng đưa vô đó liệu có được thăm khám hết bệnh với giá cả hợp lý không?

“Cò” Nguyên: Chuyện đó là của tụi nó. Tao chỉ cần biết đưa vào để lấy tiền hoa hồng thôi. Mà sao mày hỏi nhiều vậy?

Đức Nam (ghi)

Bình luận (0)

Lên đầu trang