Làm giàu từ nghề nuôi bướm

Thứ Bảy, 02/06/2018 13:24  | Ngọc Hà

|

(CAO) Bướm (hay còn gọi bươm bướm) là loài côn trùng đặc biệt, chúng thu hút sự chú ý của con người bởi những đôi cánh sặc sỡ sắc màu, tung tăng bay lượn, tạo nên một bức tranh sống động, tuyệt đẹp của thiên nhiên.

Ít ai biết, có một nghề đặc biệt – nghề nuôi bướm trên cao nguyên Lâm Đồng. Công việc này vừa nhàn hạ, giúp bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn giống loài vừa mang lại giá trị kinh tế, du lịch cao.

Từ khoảng năm 2000 đến nay, tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) có hai gia đình phát triển nghề nuôi bướm, làm tranh bướm nổi tiếng thu hút khách du lịch gần - xa, cả trong nước, quốc tế. Đúng hơn, nghề này bắt nguồn từ hai cá nhân có một tình yêu đặc biệt với loài bướm lộng lẫy, xinh đẹp.

Đó là anh Nguyễn Trọng Thắng (SN 1967, chủ cơ sở tranh bướm Minh Nhật, xã Lộc Châu) và chị Vũ Thị Nguyệt Ánh (SN 1975, cơ sở Nguyệt Ánh, phường Tân Tiến).

Một góc trang trại nuôi bướm của cơ sở Nguyệt Ánh

Thấy công việc của người thân ban đầu khá lạ kỳ và có phần thú vị, các thành viên trong gia đình họ ủng hộ và sau đó cùng tham gia, phát triển quy mô công việc, đến nay, nghề nuôi bướm, làm tranh bướm trở thành công việc chính mang lại thu nhập cao cho hai gia đình. Nhiều cơ sở nhỏ lẻ nuôi bướm, kinh doanh tranh bướm tại Lâm Đồng cũng bắt đầu hình thành.

Nghề công phu lại nhàn nhã

Chúng tôi đã nhiều lần đến thăm cơ sở nuôi bướm của chị Nguyệt Ánh (một người phụ nữ khuyết tật bị teo nhỏ hai chân từ bé). Tốt nghiệp Trung cấp nông nghiệp Bảo Lộc ngành chăn nuôi, chị Ánh có vốn kiến thức nhất định về chăn nuôi, sinh học, lại yêu thích loài bướm nên mày mò học nuôi rồi làm tranh...

Theo chị, những con bướm trong tự nhiên dễ bị dập nát cánh hoặc mất màu, bướm nuôi giữ được lâu hơn. Nuôi bướm trong vườn nhà vừa chủ động thời gian, chủ động nguồn nguyên liệu để vừa kinh doanh (bán ấu trùng, bướm), vừa có thể ướp khô làm tranh bán, mang lại nguồn lợi kinh tế, phục vụ du khách tham quan.

Với hơn 10 năm có nghề nuôi bướm, đến nay chị nắm vững cả quy trình sinh sản, đến nguồn thức ăn của bướm. Ban đầu, chị dành thời gian tìm hiểu và sưu tầm các giống bướm từ nhiều vùng miền, đặc biệt là giống bướm ở khu vực Tây nguyên rồi làm trại nuôi bướm. Quá trình nuôi và chăm sóc bướm đòi hỏi phải có niềm đam mê và sự kiên nhẫn.

Theo chị Nguyệt, để tạo ra nhiều loài bướm có màu sắc phong phú đều do nguồn thức ăn của sâu, từ lúc còn non đến lúc bao tổ thành nhộng, kén rồi hóa bướm. Thế giới bướm cũng muôn màu, có bướm ngày và bướm đêm. Bướm ngày thì màu sắc rực rỡ, đa dạng còn bướm đêm thì màu tối hơn.

Anh Nguyễn Trọng Thắng có nghề nuôi bướm sớm hơn chị Nguyệt Ánh. Nghề đến với anh cũng thật may mắn và tình cờ. Theo anh kể, vào khoảng năm 1992, gia đình anh (gồm 2 vợ chồng, 2 con nhỏ) sống bằng nghề bán nước giải khát trên đèo Bảo Lộc. Một hôm, một đoàn du khách người Nhật, Tây Ban Nha ghé vào quán, họ nhận ra vùng đèo núi này có rất nhiều loài bướm. Một vị khách tốt bụng đã truyền cho anh nghề làm tranh bằng bướm.

Một chú bướm “khoác áo” lộng lẫy
Vòng đời của một con bướm

Anh Thắng sau đó mày mò, học hỏi, bắt bướm từ rừng về làm thử và rồi anh bắt bướm về nuôi, phát triển quy mô trang trại để loài bướm sinh sôi nảy nở, không phá hoại môi trường rừng. Với bề dày kinh nghiệm gần 20 năm trong nghề, anh đã nhân tạo được 30 giống bướm từ bướm tự nhiên và lưu trữ không dưới 300 loài bướm hiếm lạ. Hiện nay anh vẫn vào rừng để tiếp tục tìm những giống mới.

Theo anh Thắng, bướm Việt Nam rất phong phú và có nhiều loài đặc biệt giá trị mà nhiều quốc gia khác không có. Tại trang trại của anh, có những con bướm màu sắc lạ, được người sưu tầm mua giá cả triệu đồng. Có những con rất lạ, đẹp, mà anh bắt được chỉ duy nhất một lần, gần 20 năm không gặp lại con thứ hai, anh không bán mà giữ để làm bộ sưu tập. Anh kể tên những loại bướm quý: bướm lá khô, bướm cánh diều, bướm vua (bướm quân vương), bướm hoàng hậu, bướm bích ngọc, bướm đuôi công,...

Theo anh Thắng, bướm là loài côn trùng dễ nuôi, tốn ít công chăm sóc, mà hiệu quả cao, tuy có chút công phu. Anh có một khu vườn cây ăn trái các loại, trồng thêm nhiều loài cỏ, hoa xen lẫn, giăng lưới bốn bề để bướm khỏi bay đi xa rồi để chúng tự nhiên sinh trưởng, thu thành phẩm là những “cô, chú” bướm trưởng thành, màu sắc tự nhiên, lộng lẫy. Có khi anh lai tạo bằng cách bắt những con bướm cái xinh đẹp nhốt chung với những con bướm đực khỏe mạnh trong một cái màn để ra những thế hệ bướm đầy sắc màu mới lạ.

Ngoài việc bán trứng bướm, ấu trùng bướm và bướm giống, anh Thắng và cả hộ chị Ánh tập trung vào việc tạo nên các bức tranh bướm nghệ thuật xuất khẩu trong nước và quốc tế, bởi vòng đời của loài bướm rất ngắn ngủi, việc sinh sôi của loài bướm dễ dàng.

Để có sản phẩm là những con bướm khô còn giữ nguyên màu sắc tươi mới, người nuôi bướm, bắt bướm sẽ dùng vợt bắt chúng rồi dùng tay khéo léo giữ lấy chúng để không bị rơi phấn, gãy cánh. Sau đó sẽ dùng phọc môn, chất hóa học tiêm vào con vật. Bướm chết, nhưng cơ thể vẫn nguyên màu sắc.

Chuyện thú vị về loài bướm

Vùng đất Bảo Lộc – Lâm Đồng với khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm (chỉ từ 18 đến 25 độ C), đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi, đặc biệt lý tưởng để loài bướm sinh trưởng. Lâm Đồng chính là vùng đất nhiều bướm nhất cả nước.

Loài côn trùng này ẩn giấu nhiều điều thú vị trong vòng đời. Quá trình sinh trưởng và phát triển của loài bướm là một vòng tuần hoàn khép kín: trứng - ấu trùng - sâu bướm - hóa nhộng (nhộng tạo kén) - bướm. Các loài bướm ở giai đoạn trưởng thành có thể sống từ một tuần đến gần một năm tùy thuộc vào loài và điều kiện, môi trường sống.

Những bức tranh bướm độc đáo

Theo các chuyên gia đại học Minnesota, Mỹ, bình quân một năm có tổng cộng 4 thế hệ bướm được sinh ra đời. Trứng sẽ nở thành ấu trùng sau 3-8 ngày tùy thuộc vào nhiệt độ. Sau hai tuần, ấu trùng sẽ dệt một chiếc kén và đính nó vào mặt dưới của lá hoặc thân cây (rất chắc). “Nó” sẽ treo mình ở đó và lột xác lần cuối cùng để tạo thành nhộng.

Giai đoạn này kéo dài 10 ngày (hoặc lâu hơn) ấu trùng bên trong kén sẽ tiêu hóa vỏ trứng kén, tạo ra dịch giàu protein giúp nhộng sống đến ngày hóa bướm. Con bướm cứng cáp, trưởng thành sẽ thoát ra khỏi kén, khi được 3-8 ngày tuổi, nó bắt đầu tìm “bạn tình”. Thời gian quan hệ của loài bướm có thể lên tới 16 giờ. Một đôi bướm đực – cái có thể gặp gỡ, “yêu đương” nhiều lần trong đời, mặc dù tuổi đời của nó chỉ từ 2-6 tuần. Bướm cái đẻ trứng và một thế hệ bướm mới lại được sinh ra.

Thức ăn của hầu hết các loài bướm là mật hoa. Những chú (hoặc con) bướm sẽ dùng vòi dài hút mật hoa để sống. Tuy vậy, có một số loài bướm lại chọn thức ăn là xác chết, bùn hoặc chất thải động vật. Nó dùng vòi hút chất lỏng bên trong những thứ đó...

Độc đáo tranh bướm

Nuôi bướm đã là một quá trình nhưng từ những chú bướm biến thành tác phẩm nghệ thuật còn đòi hỏi nhiều công phu và ý tưởng sáng tạo.

Từ cơ sở, trang trại nuôi bướm, hai hộ anh Nguyễn Trọng Thắng và chị Nguyệt Ánh đã sáng tạo ra các bức tranh ghép bướm đầy tính nghệ thuật, đặc sắc với các chủ đề: tranh phong cảnh, mẹ và con, phố cổ Hà Nội, tháp đôi,...

Chị Nguyệt Ánh tại cơ sở tranh bướm của mình với các vị khách Tây

được du khách trong và ngoài nước ưa thích mua làm quà lưu niệm. Có những bức tranh chỉ một vài con bướm, nhưng có bức lại có đến hàng chục và thậm chí lên đến cả vài trăm con bướm, giá bán từ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng/bức.

Những bức tranh bướm của họ đã đạt được nhiều giải thưởng về sản phẩm thủ công mỹ nghệ sáng tạo tỉnh và toàn quốc. Đến nay, cơ sở nuôi bướm làm tranh của anh Thắng, chị Nguyệt Ánh nổi tiếng khắp vùng, sản phẩm tranh bướm của họ xuất sang nhiều nước trên thế giới, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Tây Ban Nha,...

Ngoài việc đảm bảo kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương, các hộ nuôi bướm vừa góp phần bảo tồn thiên nhiên - các loài bướm quý hiếm.

Năm 2016, tại Hội nghị Thi đua yêu nước của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (diễn ra tại Hà Nội), chị Vũ Thị Nguyệt Ánh được vinh danh. Nghị lực, đam mê, nhiệt huyết của chị không chỉ những người khuyết tật mà ngay cả những người bình thường cũng cảm phục.

Bình luận (0)

Lên đầu trang