Băng chuyên “rút ruột” container hàng xuất nước ngoài với thủ đoạn tinh vi

Thứ Tư, 30/05/2018 20:43

|

(CAO) Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với 7 đối tượng chuyên trộm cắp hàng trong container xuất đi nước ngoài.

Chỉ trong thời gian khoảng 1 năm, các đối tượng đã thực hiện trót lọt hơn chục vụ trộm cắp với số lượng tài sản rất lớn, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Trước đó, từ đầu năm 2018, Cục Cảnh sát hình sự (phía Nam) liên tục nhận được đơn trình báo của một số công ty vận tải đường bộ và xuất nhập khẩu hàng hóa về việc hàng hóa trong container bị thất thoát trong quá trình vận chuyển, mặc dù vẫn còn nguyên… kẹp chì; còn tài xế container thì đã nghỉ việc, chỉ để lại bộ hồ sơ giả.

Tiến hành xác minh, sau gần 4 tháng ròng rã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã làm rõ, các vụ trộm trên đều do một băng nhóm hoạt động khá chuyên nghiệp gây ra.

Đối tượng đầu tiên bị phát hiện là Lê Văn Minh (SN 1970, quê Quảng Ngãi, hiện ngụ phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM). Minh chính là đối tượng trong ảnh của một số bộ hồ sơ lái xe giả mà các công ty vận tải còn lưu giữ sau khi các vụ trộm cắp hàng trong container xảy ra.

Tối 8-5, Minh cùng Huỳnh Công Đức là phụ lái bị bắt quả tang khi điều khiển xe đầu kéo BS: 61C-136.85, rơ-moóc BKS: 51R-0889 chở container đựng các thùng carton chứa linh kiện hoàn chỉnh để lắp ghép thành 1 chiếc xe đạp từ Campuchia về cảng Cát Lái để xuất khẩu đi nước ngoài tấp vào một bãi đất trống bên quốc lộ 22 thuộc ấp Chánh, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, Tây Ninh để đồng bọn dùng 3 xe tải chở công cụ, đồ nghề phá chốt container, lấy đi 63 thùng carton rồi dùng máy hàn ốc khóa siêu kẹp chì của container lại...

Ngày 13-5, đối tượng cầm đầu đường dây này là Lê Văn Tám cũng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an triệu tập về làm việc.

Tại cơ quan điều tra, Minh khai, tháng 4-2018, Minh dùng bộ hồ sơ giả gồm CMND, bằng lái xe mang tên Đinh Văn Vũ xin lái xe đầu kéo cho anh Nguyễn Thành Thân (ngụ tỉnh Đồng Nai) với mức lương 1 triệu đồng/chuyến. Đến ngày 7-5, Minh được giao lái chiếc xe trên và nhanh chóng cùng đồng bọn tổ chức trộm cắp hàng trong container này.

Nhóm đối tượng tại cơ quan điều tra

Trong băng nhóm trộm cắp chuyên nghiệp này có sự phân công vai trò rất cụ thể. Đứng đầu là Lê Văn Tám, có nhiệm vụ móc nối và phân công nhiệm vụ cho từng đối tượng. Tám chỉ 3-4 lần trực tiếp tham gia trộm cắp, còn lại đứng đằng sau chỉ đạo và tìm các mối tiêu thụ tài sản trộm cắp được và hưởng lợi nhiều nhất, khoảng 795 triệu đồng. Lê Văn Minh thì có nghề lái xe container nên được phân công chuyên làm hồ sơ giả để đến các doanh nghiệp vận tải xin việc.

Mỗi bộ hồ sơ giả này, Minh thuê làm mất khoảng từ 5 đến 6 triệu đồng. Cứ sau mỗi vụ trộm cắp hàng thành công, Minh lại bỏ việc và tìm đến doanh nghiệp vận tải khác. Tham gia cả 11 vụ trộm cắp. Minh được chia tổng cộng 478 triệu đồng. Các đối tượng còn lại cùng hưởng lợi từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, tùy “công trạng”.

Qua vụ việc này, Cục Cảnh sát hình sự cảnh báo, việc các đối tượng trộm cắp hàng trong các container hàng xuất đi nước ngoài không chỉ khiến doanh nghiệp xuất hàng mất tài sản, mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp.

Bởi sau khi trộm cắp hàng trong container, các đối tượng hàn lại kẹp chì như cũ, sau đó tiếp tục chở container đến các cảng để làm thủ tục xuất nhập khẩu như bình thường. Khi đối tác phát hiện thiếu một lượng hàng lớn so với đơn, doanh nghiệp xuất hàng thậm chí bị phạt rất nặng. Một doanh nghiệp là nạn nhân của băng trộm này cho biết đã bị đối tác nước ngoài phạt đến 15 tỷ đồng.

Các điều tra viên cũng cho biết, thủ đoạn trộm tài sản trong container của các băng nhóm khá giống nhau. Đó là làm giả giấy phép lái xe FC (do rất ít lái xe có giấy phép loại này nên các công ty vận tải container đang rất cần tuyển), giấy CMND, lý lịch giả để xin vào các công ty vận tải container làm việc.

Những chuyến hàng vận chuyển đầu, đối tượng tỏ vẻ làm ăn nghiêm túc, sau đó các tài xế kiêm nghề trộm cắp thông đồng với đối tượng khác rút ruột hàng hóa trong container trên đường vận chuyển (khoảng 1/3 đến một nửa số hàng hóa trong container).

Chúng dùng các dụng cụ máy móc phá kẹp chì, mở cửa container, lấy hàng ra rồi hàn lại như cũ, khiến các công ty không phát hiện ra ngay nên có vụ sau một vài tháng, hàng đã chuyển đến đối tác nước ngoài mới phát hiện bị mất khiến chủ hàng không thể xác định được hàng bị lấy cắp ở khâu nào.

Để phòng ngừa tình trạng này, các doanh nghiệp vận tải cần chú trọng khâu tuyển người và phải tuyên truyền pháp luật cho đội ngũ lái xe. Các doanh nghiệp có hàng không nên khoán trắng việc vận chuyển cho doanh nghiệp vận tải, mà phải cử người giám sát hàng hóa cho đến khi các container được vận chuyển đến địa điểm giao hàng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang