Những trăn trở ở ngôi trường là di sản kiến trúc thế giới

Chủ Nhật, 24/06/2018 15:22

|

(CAO) Trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt (số 29 Yersin, phường 10, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) là một trong những công trình cổ kính, độc đáo và tiêu biểu có một không hai tại TP.Đà Lạt và là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo nhất thế kỷ 20, do Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận.

Năm 2001, ngôi trường này được Chính phủ xếp hạng di tích kiến trúc cấp quốc gia. Ngôi trường nổi tiếng có bề dày lịch sử gần 100 năm đang gồng mình chống chọi với thời gian.

Di sản kiến trúc của thế giới

Trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) Đà Lạt do kiến trúc sư người Pháp Moncet trực tiếp thiết kế, chỉ đạo xây dựng vào khoảng năm 1927, sau 3 năm hoàn thành. Tiền thân Trường CĐSP Đà Lạt có tên là Petit Lycée de Dalat. Năm 1935 trường đổi tên là Lycée Yersin để tưởng nhớ bác sĩ Alexandre Yersin - người Pháp gốc Thụy Sĩ có công tìm ra vùng đất Đà Lạt (vào năm 1893).

Từ tháng 9-1976, ngôi trường trở thành Trường CĐSP Đà Lạt, đảm nhận trách nhiệm đào tạo nhân lực về sư phạm cho tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh lân cận.

Những năm đầu thành lập, trường chỉ dành riêng cho con em quan chức, binh lính Pháp và một số gia đình giàu có người bản xứ ở Đà Lạt. Ngôi trường được xây dựng ảnh hưởng bởi phong cách kiến trúc tân cổ, được tạo thành với các vật liệu xây dựng như gạch ép ốp tường và ngói thạch bản xanh đen được vận chuyển từ Pháp và châu Âu về Đà Lạt, đầy tốn kém và công phu.

Dãy nhà cong với “tháp bút” - điểm nhấn nổi bật của công trình

Trước đây, trường nằm trên diện tích khuôn viên rộng 22,3ha, trải dài bên hồ Xuân Hương thơ mộng. Toàn bộ khu vực chính gồm 8 ha, nằm trên đỉnh đổi tương đối bằng phẳng với bố cục tổ hợp chặt chẽ và đầy tính thẩm mỹ cao.

Tầng trệt để trống làm sân chơi trong nhà với những cột tròn. Tầng lầu gồm các lớp học, bên ngoài mỗi lớp đều có tủ âm tường là nơi để áo khoác, áo mưa của học sinh. Ngoài dãy nhà chính còn có các dãy nhà khác được đặt song song cũng chỉ cao khoảng 2, 3 tầng dùng làm hội trường, phòng thí nghiệm, kí túc xá…

Điểm nổi bật của trường là dãy giảng đường chính hình vòng cung với chiều dài phía trước 77,18m, phía sau 89,8m, gồm ba tầng lầu và 24 phòng học. Đường cong của dãy nhà vòng cung này tượng trưng hình ảnh một cuốn sách đang mở ra, biểu tượng của tri thức. Ngay đầu dãy nhà vòng cung là một tháp chuông cao 54m, tượng trưng hình ảnh một cây bút khổng lồ, cao vút giữa khoảng trời mênh mông.

Nét đẹp của công trình được hiển thị qua nhiều chi tiết kiến trúc bản địa tạo nên một tòa kiến trúc hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Đây quả là một thành công của các tác giả khi gắn bó tổng thể công trình với điạ hình khu vực, xứng đáng được các nhà phê bình, các kiến trúc sư và các nhà nghiên cứu kiến trúc nổi tiếng trên thế giới công nhận là một trong số những công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ XX.

Sẽ bán vé tham quan du lịch

Nhiều năm qua, đây cũng là một trong những điểm đến của du lịch Đà Lạt. Các vị khách nước ngoài tới đây trầm trồ chiêm ngưỡng kiến trúc, vuốt ve từng viên gạch, nâng niu từng giá trị di tích.

Ngoài dấu tích tường trần gạch đỏ, mái ngói xanh đen của Pháp và cảnh quan kiến trúc rất độc đáo, công trình này hiện đã bị “nhem nhuốc” và dần mất đi các giá trị vốn có bởi các chất liệu thay thế không đồng bộ. Chứng kiến cảnh tượng này, ai nấy đều xót xa cho một nền di tích dần bị phôi pha theo thời gian..

Trước đây trong thời kỳ bao cấp, do đời sống của cán bộ, nhân viên khó khăn, nhu cầu sử dụng các công trình ít, lãnh đạo nhà trường đã đồng ý (bằng văn bản) để một số gia đình cán bộ, nhân viên sống trong các biệt thự công vụ, giảng đường, nhà tập thể.

Dù là cơ sở đào tạo nhưng Trường CĐSP Đà Lạt lại giống một khu tập thể. Có thời điểm đến hơn 50 hộ dân sống trong khuôn viên của khu di tích. Trải qua hàng chục năm, với hàng trăm nhân khẩu, trong quá trình sinh sống, các hộ còn cơi nới, cải tạo, khiến công trình bị biến dạng, cảnh quan nhà trường trở nên nhếch nhác.

Tình trạng này xảy ra nhiều năm liền, Ban giám hiệu nhà trường đã vận động các hộ dân sinh sống trong trường di dời, đồng thời xin kinh phí tu bổ, tôn tạo Trường CĐSP Đà Lạt và chi phí hỗ trợ di dời cho các hộ.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, năm 2009, Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng đã trình Bộ VH-TT-DL, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng dự án tu bổ, tôn tạo Trường CĐSP Đà Lạt với tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng. Đến nay, dự án này đã 3 lần được triển khai, với số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng được giải ngân để phục vụ việc tu bổ, sửa chữa ngôi trường.

Hầu hết các khối nhà đều có những “triệu chứng” như: mái ngói bị mục, tường và sàn nhà bị thấm, nứt nên khi có kinh phí sửa chữa đều tập trung cho các hạng mục trên. Ngoài ra, nhiều năm nay, Hiệu trưởng nhà trường đã tổ chức các đợt trồng cây xanh, như: tùng, thông, mai anh đào quanh khuôn viên nhà trường, dọn vệ sinh sạch sẽ để tạo cảnh quan ngôi trường xanh – sạch – đẹp.

Tiếc rằng, đợt sửa chữa, tu bổ đã khiến ngôi trường ít nhiều có sự thay đổi. Nhiều vị trí, mái ngói đá xanh đen nguyên bản của Pháp (Ardoise) bị thay bằng mái tôn xanh hoặc ngói đất nung màu đỏ thông thường.

Hiện toàn bộ công trình này chỉ có tòa tháp chuông là còn giữ mái ngói đá đen nguyên bản của Pháp. “Đó là sai lầm đáng tiếc xuất phát từ sự thiếu kinh phí và tư vấn của giới chuyên môn”, kiến trúc sư Nguyễn Văn Lập - Chủ tịch Hội Kiến trúc tỉnh Lâm Đồng tỏ ra tiếc nuối.

Dù vậy, với lối kiến trúc độc đáo, ấn tượng vốn có, trường CĐSP vẫn hàng ngày thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan, chụp ảnh. Nhiều người kinh doanh dịch vụ chụp ảnh cưới, các công ty du lịch, lữ hành “tranh thủ” việc này đã thiết kế tour du lịch với các đoàn khách đến đây, nhất là vào mùa hè, các dịp lễ... lượng khách cả trăm lượt.

Trường tạo điều kiện mở cửa cho khách tham quan ngoài những giờ hành chính (giờ học của sinh viên). Việc này cũng kéo theo nhiều vấn đề phát sinh, như, ý thức giữ vệ sinh của du khách không bảo đảm dẫn đến hình ảnh ngôi trường nhếch nhác vì rác khắp nơi.

Ông Vũ Đình Sơn – Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp nhà trường cho biết, do không có kinh phí nên việc dọn vệ sinh cũng không thường xuyên. Nhà trường mới có công văn đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng cho bán vé tham quan, dự kiến khoảng 20.000 đồng/lượt để có thêm nguồn kinh phí tu bổ trường và dọn vệ sinh, phục vụ khách tham quan. Việc này nhận được sự đồng tình của du khách và người dân địa phương.

Một số hình ảnh về ngôi Trường CĐSP Đà Lạt:

Bình luận (0)

Lên đầu trang