(CATP) Tin báo giả cho cơ quan công an là hành vi gây ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm nhiễu loạn thông tin, khiến người dân hoang mang. Mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, xử lý nhiều lần, nhưng tình trạng này vẫn tiếp.
Ngày 1-9-2020, Công an P.Tân Phong (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) tiếp nhận trình báo của H.G.Đ (22 tuổi, ngụ địa phương) về việc bị cướp tài sản.
Theo đó, lúc 13 giờ 20 cùng ngày, Đ. đang chạy xe Sirius BS: 60F2-904... trên đường nội bộ thuộc KP7, P.Tân Phong thì bị 2 thanh niên đi xe Exciter (không rõ biển số xe), dùng bình xịt hơi cay xịt vào mặt nên bất tỉnh.
Khi tỉnh dậy, Đ. phát hiện bị cướp xe (trị giá khoảng 23 triệu đồng), điện thoại iPhone XS (trị giá hơn 14 triệu đồng), 8,6 triệu đồng cất trong ví cùng một số giấy tờ tùy thân.
Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa cử các trinh sát đến địa bàn phối hợp với Công an P.Tân Phong tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ việc. Qua khám nghiệm, rà soát hệ thống camera an ninh trong khu vực thì thời điểm nạn nhân khai bị cướp tấn công không phát hiện gì bất thường. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát nắm được thông tin thời gian gần đây, Đ. nợ nần chồng chất. Nghi ngờ đối tượng báo tin giả nên công an đưa về trụ sở làm việc.
Trước những chứng cứ công an đưa ra, Đ. mới khai nhận sự thật. Bản thân có vay tiền ngoài xã hội để ăn xài, dẫn đến không có khả năng chi trả nên Đ. đã bán xe và điện thoại. Sợ gia đình la mắng, Đ. nghĩ cách báo tin giả bị cướp rồi trình báo công an để qua mặt gia đình. Công an P.Tân Phong đã lập hồ sơ xử lý Đ. về hành vi báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chiếc xe mà N.T.V báo tin giả bị cướp
Trước đó, tháng 12-2019, Công an P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cũng xử lý N.T.V (19 tuổi, ngụ địa phương) về hành vi tương tự. Theo hồ sơ, khi V. đến trình báo bị 2 thanh niên đi xe máy chặn đường, dùng dao gí vào cổ khống chế, cướp tài sản (1 xe máy, 1 dây chuyền bạc trị giá 250 ngàn đồng và điện thoại Samsung trị giá 4,6 triệu đồng). Qua điều tra, Công an TP.Biên Hòa đã làm rõ sự thật. Vì muốn gia đình cho tiền mua xe mới và tiêu xài cá nhân, V. tạo hiện trường giả bị cướp rồi trình báo công an.
Có nhiều trường hợp khác, người dân cũng trình báo sai sự thật với công an. Phổ biến nhất là gọi đến các số điện thoại khẩn cấp 113 để báo án (chủ yếu là bị trộm, cướp tài sản), báo cháy (tổng đài 114), nhằm che đậy việc đã làm mất tài sản, tạo lý do để trốn tránh trách nhiệm pháp lý hoặc đơn giản chỉ vì muốn lấy tiền của người nhà, chọc phá cơ quan chức năng...
Vào ngày 18-2-2020, Công an huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) nhận tin báo từ vợ chồng bà H.T.H (44 tuổi, ngụ xã Phú Thạnh, H.Nhơn Trạch) bị kẻ gian cạy cửa đột nhập vào nhà, lấy trộm khoảng 500 triệu đồng. Theo tin báo của người dân thì đây là vụ trộm tài sản lớn nên cơ quan chức năng lập tức cử cán bộ điều tra đến thu thập thông tin, ghi nhận sự việc để làm rõ.
Quá trình khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai của bà H., cán bộ điều tra phát hiện những thông tin và hiện trường mà bà H. khai báo có nhiều điểm đáng nghi, không trùng khớp. Bà H. có biểu hiện lúng túng, khai báo bất nhất, sợ sệt. Các cán bộ điều tra chuyển hướng sang xác minh những thông tin mà bà này trình báo có đúng sự thật hay không. Cuối cùng, bà H. thừa nhận thông tin mất trộm chỉ là "màn kịch" do bà dựng lên, nhằm hợp thức hóa việc đem số tiền mà con bà đi xuất khẩu lao động nước ngoài gửi về để trả nợ, tiêu xài riêng.
Điểm b, Khoản 2, Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình quy định, hành vi báo tin giả đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng.