(CAO) Ngày 20/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai tạm giữ hình sự 3 đối tượng: Trần Khánh Trình (40 tuổi, ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), Tạ Tiến Anh (39 tuổi, quê tỉnh Ninh Bình) và Đỗ Hồng Lĩnh (29 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) để điều tra do có liên quan đến đường dây làm giấy tờ giả vừa bị phát hiện, triệt phá trên địa bàn tỉnh.
Theo Công an tỉnh Đồng Nai, thời gian gần đây, tình hình mua bán, sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả diễn biến phức tạp, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc điều tra, xử lý các đối tượng liên quan.
Để triệt xóa thành công đường dây này, Công an tỉnh Đồng Nai đã lập chuyên án và giao cho lực lượng an ninh chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đấu tranh với các hoạt động sản xuất, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Sau quá trình điều tra, ngày 18/7, Công an đã phát hiện Trần Khánh Trình cầm đầu đường dây sản xuất văn bằng, chứng chỉ, tài liệu giả và hoạt động mua bán trên quy mô toàn quốc.
Ảnh minh họa
Tiến hành khám xét nhà riêng của Trần Khánh Trình, Công an đã phát hiện và thu giữ 2 bộ máy vi tính để bàn, 1 máy tính xách tay (trong đó có chứa rất nhiều dữ liệu để làm các loại giấy tờ, tài liệu giả); 2 máy in màu, 1 máy ép nhựa; 6 phôi bằng cấp các loại, 131 mẫu con dấu các đơn vị, cơ sở giáo dục, dạy nghề trên khắp cả nước; 300 tem dán trên phôi bằng; nhiều con dấu giả; 5 điện thoại di động các loại; 1 chứng minh nhân dân mang tên Nguyễn Xuân Hải nhưng dán ảnh của Trần Khánh Trình cùng nhiều tài liệu tang vật liên quan khác.
Lực lượng chức năng xác định, Trần Khánh Trình là đối tượng cầm đầu của đường dây này, Tạ Tiến Anh và Đỗ Hồng Lĩnh tham gia hỗ trợ cho Trần Khánh Trình thực hiện việc mua bán các loại giấy tờ này.
Làm việc với lực lượng chức năng, các đối tượng khai nhận việc giới thiệu làm và bán bằng cấp, chứng chỉ được thực hiện chủ yếu qua mạng xã hội, không có địa chỉ cụ thể, sử dụng tài khoản ẩn danh, thông qua nhiều khâu trung gian nhằm gây khó khăn đối với việc điều tra xác minh của lực lượng chức năng. Khi có người đặt vấn đề mua bằng, các đối tượng sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu về bằng cấp.
Các đối tượng đã sưu tầm các mẫu con dấu của những cơ sở giáo dục, đơn vị có nhiều người mua để đóng lên văn bằng, giấy tờ. Thủ đoạn làm giả con dấu, tài liệu của các đối tượng hết sức tinh vi, các đối tượng đã sử dụng kỹ thuật vi tính làm giả các văn bằng, chứng chỉ, tài liệu giả với độ chính xác cao, khó phát hiện.
Với những thủ đoạn này, các đối tượng đã tìm kiếm khách hàng không chỉ ở Đồng Nai, mà còn ở nhiều địa phương khác trong cả nước.
Lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.