Bình Định:

Phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp ở An Lão diễn biến phức tạp

Chủ Nhật, 27/08/2017 12:28  | Bình Lê

|

(CAO) Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện An Lão, tỉnh Bình Định thời gian qua diễn biến phức tạp. Trong 8 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 52 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, trong đó có 35 vụ vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép với 17 vụ phá rừng với diện tích bị phá 61.203m2, 3 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép với diện tích 12.565m2.

Huyện An Lão, tỉnh Bình Định có diện tích đất tự nhiên trên 69.688 ha, trong đó đất có diện tích rừng 62.630 ha, chiếm 89,8% gồm rừng tự nhiên 48.363 ha; rừng trồng 14.267 ha. Thời gian qua tình trạng phá rừng, chiếm đât lâm nghiệp trái phép trên địa bàn huyện diễn ra phức tạp tại các xã An Trung, An Dũng, An Quang, An Nghĩa, An Tân, An Hưng, thị trấn An Lão. Cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ phá rừng đầu nguồn và đang điều tra, xác minh các vụ phá rừng còn lại.

Cơ quan chức năng đã phát hiện 52 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, trong đó đã xử lý 30/35 vụ vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép, tịch thu 10,28m3 gỗ các loại, 1 xe ô tô, 3 xe mô tô, 1 xe độ chế, xử phạt hành chính 39,7 triệu đồng, xử lý hành chính 5/17 vụ phá rừng với số tiền 67,5 triệu đồng.

Theo ông Đoàn Văn Tá - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão thì nguyên nhân của tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp là do một số loại lâm sản quý như gỗ hương, lim, huỳnh đàn, trắc, dổi có lợi nhuận khá lớn nên thu hút nhiều người dân địa phương tham gia.

Thông điệp bảo vệ rừng tại xã An Hưng, huyện An Lão

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp để trồng rừng nguyên liệu giấy của người dân rất lớn. Đáng ngại là nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số phá rừng để lấy đất sản xuất, làm nương rẫy có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, phương án giao đất lâm nghiệp, giao rừng cho người dân quản lý, bảo vệ chưa đáp ứng tình hình thực tế. Hạt Kiểm lâm phụ trách địa bàn hoạt động trong điều kiện rừng núi xa xôi, không thông thạo tiếng đồng bào dân tộc thiểu số nên hạn chế trong việc tham mưu cho chính quyền địa phương trong các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng.

Tại buổi làm việc với UBND huyện An Lão mới đây, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu chính quyền địa phương và các ngành chức năng phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện.

Tại các điểm nóng phá rừng, Hạt Kiểm lâm huyện phải thường xuyên mở các đợt truy quét, xử lý nghiêm các đối tượng mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Tổ chức kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động các chốt kiểm tra lâm sản tại các địa bàn trọng điểm và các trục đường giao thông quan trọng mà các đối tượng lâm tặc thường xuyên vận chuyển lâm sản để kịp thời phát hiện, xử lý.

Rừng An Lão đang kêu cứu

Lực lượng Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với Công an, UBND các xã, thị trấn thống kê, phân hóa các đối tượng “đầu nậu”, chủ đường dây buôn bán lâm sản trái pháp luật để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tránh tình trạng phát hiện nhiều vụ phá rừng nhưng không xử lý được.

Tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương cho chuyển các diện tích rừng phòng hộ do UBND xã quản lý sang Ban quản lý rừng phòng hộ huyện quản lý để thắt chặt các biện pháp bảo vệ.

UBND tỉnh Bình Định cũng đã ban hành Quyết định số 2777 ngày 04/8/2017 về việc thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng An Toàn thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn để thực hiện các chức năng thừa hành pháp luật về bảo vệ rừng và phát triển rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn.

Rừng bị đốt, phá tại xã An Hưng, huyện An Lão

Bình luận (0)

Lên đầu trang