"Kho" hung khí nguy hiểm
Bày la liệt trên các bàn làm việc trong Đội Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm theo tuyến địa bàn (Đội 4) của Phòng CSHS là hàng chục cây mã tấu, cây xiên gạo, dao tự chế sáng bóng, bén ngọt đến sắc lạnh. Thấy chúng tôi ngạc nhiên trước số hung khí nguy hiểm quá kinh khủng, một trinh sát đưa tay dụi mắt, giấu đi vẻ thiếu ngủ giải thích: "Đây là hung khí một nhóm cho vay nặng lãi tàng trữ để sử dụng khi "có chuyện". Tối 4-5, anh em làm thủ tục khám xét nguyên cả đêm, vừa kịp đưa về đơn vị vào sáng sớm nay để niêm phong vật chứng, phục vụ công tác điều tra".
Kiểm đếm sơ bộ, có 13 cây mã tấu dài 1.2m, 21 ống tuýt sắt (cây xiên gạo) dài chừng 2m, với một đầu sắc nhọn, 2 cây dao tự chế dài 60cm. Một đồng nghiệp đi chung có am hiểu về các loại hung khí lo lắng: "Cái này mà được sử dụng khi đánh nhau, hay uy hiếp đòi nợ thì còn gì sinh mạng con người! May mà cơ quan công an kịp thời ngăn chặn sớm". Thấy chúng tôi xăm xoi mấy cái áo có hình dáng kỳ lạ, trinh sát đứng kế bên cho biết: "Đó là áo giáp dùng để chống đạn. Dân cho vay bây giờ trang bị hung khí và đồ nghề phòng vệ kinh không?". Làm nghề viết lách, có tiếp xúc với cơ quan công an thường xuyên đã nhiều năm nhưng đây là lần đầu chúng tôi thấy một băng tội phạm cho vay có tổ chức và trang bị hung khí kinh khủng đến như thế, nên ai cũng cảm thấy sởn da gà và không khỏi tò mò muốn tìm hiểu về kẻ cầm đầu tổ chức cho vay đặc biệt nguy hiểm này.
Hung khí nguy hiểm.
Thiếu tá Phạm Ngọc Thăng - Phó đội trưởng Đội 4 Phòng CSHS - thông tin: Quán triệt chỉ đạo của Ban giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh là các đơn vị công an phải chủ động phòng chống tốt dịch bệnh Covid-19, song song với việc đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm tốt tình hình an ninh trật tự nên Ban chỉ huy Phòng CSHS đã chỉ đạo, đôn đốc các đội nghiệp vụ tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ địa bàn, lập kế hoạch triệt phá kịp thời hoạt động của các băng nhóm tội phạm. Giữa thời điểm cách ly xã hội để phòng chống dịch bệnh nhưng khi phát hiện một băng tội phạm lợi dụng tình hình khó khăn của dịch bệnh để trục lợi bằng hình thức hoạt động tín dụng đen núp bóng tiệm cầm đồ, Đội 4 và Đội 8 Phòng CSHS đã lập kế hoạch triệt phá sớm nhằm ngăn ngừa bớt mối hậu họa cho người dân.
Tính đến ngày 5-5-2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.Hồ Chí Minh đã khởi tố bắt tạm giam 5 đối tượng về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Ngoài tài liệu, hồ sơ về hoạt động cho vay, cơ quan công an còn thu giữ của băng này nhiều hung khí nguy hiểm, ma túy tổng hợp và cả súng Rulo với rất nhiều đạn. Hoạt động của chúng rất tinh vi, đánh đúng vào nhu cầu cần tiền của người dân sau một thời gian dài gặp khó khăn về tài chính vì dịch bệnh, mất công ăn việc làm. Theo hồ sơ, chỉ trong thời gian ngắn hoạt động, băng này đã cho vay khoảng 21 tỷ đồng, người vay chủ yếu là dân lao động nghèo, thuộc nhiều địa phương, nhưng số đông tập trung tại khu vực TPHCM.
Vũ khí nguy hiểm và ma túy viên nén.
Cầm đầu là một kẻ nghiện
Không chỉ tàng trữ hung khí mà còn tàng trữ cả súng thì quả là một tổ chức nguy hiểm và càng đáng sợ hơn khi hoạt động tín dụng đen. Đến nay, một trong hai kẻ cầm đầu đã bị bắt là Nguyễn Bá Mẽ (SN 1987, quê Thái Nguyên). Cùng bị bắt với Mẽ còn có 4 "đàn em" phụ việc, gồm: Trần Tuấn Anh (SN 1987), Phạm Văn Hùng (SN 1998), Trần Văn An (SN 1998) và Vũ Huy Hoàng (SN 1997, đều quê Thái Nguyên).
Khai thác bước đầu các đối tượng có lời khai cho thấy: Hơn một năm trước, đối tượng A. thành lập công ty chuyên về mua bán tài sản, cầm đồ có trụ sở chính hoạt động tại tỉnh Thái Nguyên và văn phòng đại diện nằm ở số 399 Trần Văn Giàu (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân). Đến tháng 8-2019, Mẽ góp vốn cùng với A. khoảng 3 tỷ đồng để mở dịch vụ kinh doanh cầm đồ cũng tại số 399 Trần Văn Giàu, nhưng thực chất là hoạt động cho vay ngoài luồng.
Nguyễn Bá Mẽ và khẩu súng.
Từ đây, đồng hương của Mẽ là Tuấn Anh, Hùng, An và Hoàng được tuyển dụng vào làm việc tại tiệm cầm đồ với vai trò xác minh thông tin, chỗ ở của người vay; soạn thảo hợp đồng vay tiền hoặc thu tiền lãi và gốc của người vay. Tùy theo vị trí công việc, các nhân viên sẽ được nhận lương từ 10 đến 15 triệu đồng. Ngoài việc được chia lợi tức với vai trò ông chủ, Mẽ còn hưởng thêm mức lương 15 triệu đồng/tháng do trực tiếp quản lý hoạt động của tiệm cầm đồ tại TPHCM.
Để quảng bá về hoạt động của công ty, cũng như văn phòng tại TPHCM nhằm tìm kiếm khách hàng, nhóm nhân viên đã in card visit và đăng trên mạng xã hội Facebook với tiêu đề "Tiêu dùng 4.0", đăng kèm số điện thoại để ai có nhu cầu vay thì liên lạc. Khi dịch bệnh viên đường hô hấp cấp xảy ra và lan rộng khắp thế giới, nhiều người nghỉ làm, lo sợ nên trở về quê lánh dịch. Số nhân viên trong tiệm cầm đồ của Mẽ cũng rục rịch về quê. Tuy nhiên, do đánh hơi thấy dịch bệnh kéo dài, nhiều người bị nghỉ việc, mất việc nên bức bách về tài chính, rất cần vay mượn để trang trải tạm thời những khó khăn trước mắt. Thế là Mẽ và A. tổ chức cho đàn em đẩy mạnh hoạt động tín dụng đen.
Theo đó, đường dây này cho vay từ 5 triệu đến 300 triệu đồng với lãi suất từ 20 đến 45%/tháng. Cụ thể, nếu người vay trả góp hàng ngày cả gốc và lãi trong vòng 30 ngày thì lãi suất 20%/ tháng. Còn nếu "vay đứng", tức chỉ trả lãi hàng ngày thì lãi suất lên tới 45%/tháng. Đại bản doanh của đường dây này vẫn được đặt tại tiệm cầm đồ 399 tại địa chỉ 399 Trần Văn Giàu (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân).
Các đối tượng bị bắt.
Thủ tục cho vay của băng này cũng rất đơn giản để dễ lôi kéo khách hàng như: chỉ yêu cầu người vay thế chấp giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, thẻ căn cước, sổ hộ khẩu, cà vẹt xe...) nhưng điều kiện bắt buộc là phải để người cho vay đến tận nơi sinh cư của người vay xác minh, viết giấy biên nhận vay thì mới giao tiền. Tất nhiên, để đòi được nợ thì băng này cũng sử dụng nhiều chiêu thức khác nhau, trong đó không thể thiếu cảnh hù dọa, chửi bới, thách thức báo công an.
Khi đã dựng được hồ sơ về hoạt động của băng cho vay nặng lãi do Mẽ cầm đầu, Phòng CSHS phối hợp với Công an Q.Bình Tân bất ngờ kiểm tra tiệm cầm đồ 399 vào tối 17-4-2020. Tại đây, qua khám xét, đơn vị đã lập biên bản thu giữ 159 bộ hồ sơ cho vay, 12 quyển sổ ghi chép nội dung liên quan đến hoạt động cho vay, 14 xe máy và 1 ôtô là tài sản cầm đồ. Điều đáng nói là qua khám xét, cơ quan công an phát hiện Mẽ và đồng bọn tàng trữ rất nhiều hung khí nguy hiểm như mã tấu, dao tự chế, ống tuýp sắt sắc nhọn. Biện giải về số hung khí, Mẽ khai mua tàng trữ sẵn trong nhà khi có... mâu thuẫn thì lấy sử dụng (?!). Tuy nhiên, Mẽ và đàn em chưa dùng lần nào.
Tại phòng riêng của Mẽ, công an cũng thu nhiều viên nén ma túy tổng hợp. Ông chủ tiệm khai tàng trữ để sử dụng. Cẩn thận kiểm tra kỹ các tài liệu thu thập được, kết hợp với việc kiên trì đấu tranh, kết quả Phòng CSHS cũng khui ra bí mật mà chủ tiệm đã dày công che giấu. Cụ thể, nhiều tháng trước, Mẽ mua khoảng 400 viên nén ma túy tổng hợp nhưng chỉ để một ít tại phòng riêng, số còn lại y ngụy trang trong một gói bánh ngọt và giấu trong cốp xe máy của một khách gửi cầm đồ rồi đem gửi tại một bãi xe khác. Trong cốp xe máy đó, Mẽ cũng cất giấu khẩu súng Rulo (bắn đạn cao su) trong một bịch bánh ngọt. Tinh ranh là thế, nhưng mưu cao của Mẽ sớm bị công an bóc trần và tịch thu số vũ khí nguy hiểm.
Số tiền cho vay lên đến 21 tỷ đồng
Hoạt động thời gian chưa dài, nhưng do bắt nhịp đúng giai đoạn dịch bệnh, nhiều người lao động có khó khăn về tài chính nên tổ chức tín dụng đen của Mẽ và đồng bọn đã thu hút được lượng lớn khách hàng tham gia vay góp và vay đứng. Từ 159 bộ hồ sơ cho vay thu được của Mẽ và đồng bọn, tuy mới lấy lời khai được 64 trường hợp vay tiền như cơ quan công an đã xác định được các đối tượng đã cho vay được hơn 1,6 tỷ đồng và thu lợi bất chính gần 300 triệu đồng. Nếu ước tính sơ bộ trên tài liệu hồ sơ, chỉ sau thời gian ngắn số tiền các đối tượng cho vay đã lên đến hơn 21 tỷ đồng và số người vay thuộc nhiều địa phương, tập trung đông vẫn tại TPHCM.
Hiện vụ án đang được Cơ quan CSĐT Công an TP.Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra mở rộng, truy bắt tiếp các đối tượng còn lại, cũng như hoàn tất hồ sơ thủ tục để có thể xử lý thêm Mẽ và các đối tượng về hành vi tàng trữ hung khí nguy hiểm.
Qua Báo Công an TPHCM, Phòng CSHS kêu gọi số đối tượng có liên quan đến đường dây cho vay nặng lãi này ra đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Để xử lý đúng người, đúng tội, mời các nạn nhân có vay tiền của Mẽ và đồng bọn đến Phòng CSHS tại số 459 Trần Hưng Đạo, P.Cầu Kho, Q1 trình báo để phục vụ công tác điều tra.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2020, Phòng CSHS và công an các quận huyện đã triệt phá nhiều băng nhóm, tổ chức cho vay nặng lãi hoạt động bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau như cho vay qua App, vay qua tờ rơi, vay qua mạng xã hội, vay trá hình bằng cầm cố tài sản... Các băng, nhóm cho vay đều chiêu dụ bằng phương thức đơn giản nhưng khéo léo trói buộc người vay bằng các điều khoản vô hình, với mức lãi suất cao 20 đến 45% tháng. Chưa kể, để đòi được nợ, các đối tượng phạm tội không ngại đe dọa, đánh đập, khủng bố tinh thần con nợ và cả người thân bằng nhiều cách rất đê hèn.
Dịch bệnh vẫn đang đe dọa, các khó khăn về kinh tế vẫn còn tiềm ẩn, thách thức người lao động có thu nhập thấp, Công an TP.Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân nên hết sức thận trọng với các hình thức vay ngoài hệ thống chính thống để không tự rước họa vào thân.