Bộ Công an Việt Nam phối hợp Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ - Kỳ 2:

Phá tổ chức tội phạm nguy hiểm quốc tế: Chân dung kẻ cầm đầu

Thứ Tư, 17/06/2015 08:23  | Thanh Hòa

|

(CATP) Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, cơ sở dữ liệu của diễn đàn gồm các thành viên tham gia, nội dung những bài viết hướng dẫn tấn công website để trộm cắp thông tin thẻ tín dụng và xác định, có khoảng 1 triệu thẻ tín dụng đã bị hack (trộm cắp), C50 phối hợp với Văn phòng Cơ quan CSĐT - Bộ Công an thực hiện lệnh bắt và khám xét khẩn cấp 12 đối tượng.

Đó là: Vương Huy Long, Phạm Xuân Trường, Phan Quang Huy, Trần Văn Chi, Lê Đạt, Trần Nam Linh, Nguyễn Xuân Chung, Lê Huy Quang, Lê Hồng Hải, Nguyễn Nam Hải, Lại Nguyên Khôi, Huỳnh Quang Vinh. Công an cũng thu giữ hàng tỷ đồng, tiền chiếm hưởng trái phép, nhiều tài sản giá trị lớn như ôtô, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất, hàng ngàn máy móc thiết bị giá trị cao như máy tính bảng, điện thoại di động, máy tính xách tay...

Tại cơ quan điều tra, Long khai nhận, vốn là học sinh giỏi, từng đoạt giải quốc gia về Anh Văn, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh, Long trở thành thầy giáo. Năm 2008, trong những lần mò mẫm trên internet, Long bắt đầu biết đến các webside chuyên chia sẻ các thông tin tín dụng trộm cắp và tìm cách hack các thông tin này.

Thấy kiếm tiền quá dễ, Long bỏ nghề và trở thành một hacker chuyên nghiệp. Long tìm cách trộm cắp, mua bán CC rồi đi mua hàng, thuê vận chuyển về Việt Nam để chiếm đoạt tiền của các khách hàng. Đối tượng mà Long nhắm tới thường là công dân Mỹ và một số nước kinh tế phát triển khác.

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, trao thư khen của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho Cục C50 với thành tích phá chuyên án 129T

Càng ngày thủ đoạn hoạt động của Long càng tinh vi. Sau khi hack và có được các CC, Long truy cập để mua hoặc chuyển hàng tại các website bán hàng trực tuyến nổi tiếng của Mỹ như Dell.com; Newegg.com; Amazon.com; Verizon.com...

Sau này, số thẻ trộm cắp ngày càng nhiều, làm không xuể, Long thuê một số người Việt Nam cùng làm. Để các công ty không phát hiện ra việc người đưa hàng là các hacker, trong quá trình truy cập để mua hàng trên internet, Long và đồng bọn đã sử dụng thủ thuật sock (che giấu địa chỉ IP thực khi mua hàng).

Bọn chúng đã tạo ra những người mua hàng là công dân của các bang trên nước Mỹ, hoặc một số nước khác. Long còn phối hợp với một đối tượng người Nigeria thành lập công ty “ma” tại Mỹ, chuyên kinh doanh trên mạng, có tên gọi bp.jobinc.com, đến năm 2011 đổi thành savinglogistics.com.

Công ty của Long đã tuyển dụng được 20 nhân viên là những người thất nghiệp, đang cần việc làm trên đất Mỹ. Những người này gọi là Dropper, chỉ làm mỗi việc là đưa địa chỉ cư trú cho Long, để chúng đưa hàng mua được bằng các CC trộm cắp về.

Sau đó, các Dropper có nhiệm vụ vận chuyển về Việt Nam cho Long qua các công ty vận chuyển hàng hóa lớn như DHL, Fedex, UPS... và sẽ được trả 10% giá trị hàng hóa. Phương thức Long thanh toán tiền công cho các Dropper là thông qua các giao dịch tiền điện tử LR.

Tháng 7-2013, trang web giao dịch tiền điện tử này đã bị các cơ quan chức năng Mỹ đánh sập, do liên quan đến các hoạt động “rửa tiền”. Cho đến khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an sang Mỹ phối hợp lấy lời khai của các Dropper này, họ vẫn nghĩ mình đang làm việc cho một công ty hợp pháp, mà không hề biết rằng đã tiếp tay cho hành vi phạm tội của bọn Vương Huy Long.

Tinh vi hơn, tại Việt Nam, Long cũng không trực tiếp đứng ra nhận hàng mà thuê Công ty TNHH Giải pháp xuất nhập khẩu trực tuyến, có trụ sở tại đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) do Nguyễn Nam Hải làm Giám đốc - đứng ra nhận. Sau đó, Hải sẽ tiêu thụ một phần, còn lại chuyển vào TP.Hồ Chí Minh cho Long. Với tất cả các đối tác, Long không bao giờ để lộ thân phận của mình.

Trong các hợp đồng vận chuyển ký với công ty của Hải, Long đều lấy tên Phạm Thanh Xuân và có cả CMND mang tên người này nhưng dán ảnh của anh ta. Long khai, chứng minh thư này anh ta mua ở một tiệm cầm đồ, sau đó thuê dán ảnh của mình vào.

Trong vụ án, ngoài Vương Huy Long, 11 đối tượng cùng bị cơ quan điều tra bắt giữ, chính là các nhánh phạm tội khác nhau trong tổ chức tội phạm này. Kết quả điều tra cho biết, chỉ trong vòng 2 năm cho đến khi bị phát hiện, bắt giữ, Long đã trộm cắp khoảng 2.000 CC. Ngoài ra, Long còn mua nhiều CC khác từ Nguyễn Xuân Trường ở Bình Giang (Hải Dương). Trường lại mua của Lê Hồng Hải (trú Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh).

Tuy mới học hết lớp 6 nhưng Hải đã mày mò trên mạng, trộm cắp hàng triệu CC để bán cho bọn Trường lấy tiền tiêu xài. Kiếm được nhiều tiền, Long ăn chơi trác táng, liên tục cùng bạn bè đi du lịch trong và ngoài nước, ở những khách sạn nhiều sao với giá vài chục triệu đồng/đêm. Nơi ở của Long tại quận 10 (TP.Hồ Chí Minh) có các trang thiết bị cực kỳ hiện đại, phòng chiếu phim, phòng chơi games riêng...

Cơ quan điều tra đã đủ căn cứ chứng minh, Vương Huy Long cùng đồng bọn chiếm hơn 21 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan CSĐT xác định và trao đổi thông tin về hàng trăm đối tượng trong đường dây tội phạm ở 23 bang của Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức cho Cảnh sát các nước. Các đối tượng đã gây thiệt hại cho phía chủ thẻ hàng trăm triệu USD. Chuyên án thành công, được lực lượng cảnh sát các nước đánh giá rất cao, nâng uy tín của Cảnh sát Việt Nam trên trường quốc tế.

Đầu tháng 9-2014, TAND TP.Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử, Vương Huy Long bị tuyên phạt 12 năm tù, Huỳnh Quanh Vinh 14 năm tù và 9 đồng bọn khác của Long nhận từ 3 năm đến 9 năm tù.

Bình luận (0)

Lên đầu trang