Đáng nói nhất là văn bản trả lời VKSND tỉnh Lâm Đồng của ông Phó Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng, không đúng thẩm quyền, không đúng quy định của pháp luật, làm thay đổi bản chất vụ án, gây bất lợi hoàn toàn cho bên nguyên đơn.
Tiếp tục “đáo tụng đình” đòi công lý
Sau khi bị thẩm phán Nguyễn Kim Đồng xử thua kiện một cách oan ức, không được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, bà Nguyễn Thị Thuỳ Mích thay vì khiếu nại phán quyết của toà án về hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu, lại nghe theo lời hướng dẫn của thẩm phán Kim Đồng trước toà, bà làm đơn khởi kiện vợ chồng ông Phạm Văn Thẩm, bà Nguyễn Thị Loan ra TAND H.Đức Trọng, bằng vụ án “Tranh chấp về hợp đồng dân sự vay tài sản và đòi lại tài sản”.
Bà Nguyễn Thị Thuỳ Mích cùng toàn bộ hồ sơ vụ án
Xử sơ thẩm, ngày 29-7-2014, Hội đồng xét xử TAND H.Đức Trọng cho rằng, dựa trên lời khai của những người có liên quan cùng các tài liệu, chứng cứ, có căn cứ xác định: vợ chồng bà Loan, ông Thẩm nợ bà Mích 3 khoản tiền là có thật: số tiền 2,3 tỷ đồng để trả nợ Ngân hàng Sacombank (để lấy sổ đỏ ra), số tiền 700 triệu đồng (vay nợ trước đó) và số tiền 520 triệu đồng (trả nợ cho 5 chủ nợ của bà Loan).
Đối với số tiền 480 triệu đồng (là tròn 4 tỷ đồng), bà Mích khai đã đưa cho bà Loan, nhưng bà Loan không thừa nhận. Vì không đủ chứng cứ nên không được chấp nhận. Toà tuyên buộc, vợ chồng ông Thẩm, bà Loan trả cho bà Mích số tiền 3 tỷ 520 triệu đồng là tiền nợ gốc, cộng với số tiền lãi gần 1,3 tỷ đồng (theo lãi suất ngân hàng), tổng cộng, 4 tỷ 790 triệu đồng. Vợ chồng bà Loan sau đó kháng cáo lên toà án cấp trên, không chấp nhận trả nợ bà Mích.
Ngày 14-11-2014, TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm vụ án, công nhận những khoản tiền có đủ chứng cứ pháp lý như cấp sơ thẩm đã tuyên; sửa một phần bản án, điều chỉnh lãi suất; buộc vợ chồng Loan – Thẩm trả cho bà Mích số tiền hơn 4,6 tỷ đồng.
Vi phạm thẩm quyền giải quyết vụ án?
Sau khi bản án phúc thẩm lần 2 do thẩm phán Bùi Hữu Nhân làm chủ toạ tuyên án có hiệu lực pháp luật, bà Mích có đơn yêu cầu thi hành án (THA). Lúc này, THA H.Đức Trọng đã tiến hành kê biên, bán đấu giá tài sản là căn nhà, đất của vợ chồng bà Loan (vẫn mang tên bà Mích), thu được số tiền 5,6 tỷ đồng.
Do vụ án “Tranh chấp về hợp đồng dân sự vay tài sản và đòi lại tài sản” của bà Mích với vợ chồng bà Loan được hai cấp toà (sơ thẩm, phúc thẩm) ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo cho việc THA, Chi cục THA dân sự H.Đức Trọng có công văn gửi TAND tỉnh Lâm Đồng, hỏi, như vậy, tài sản của vợ chồng Thẩm – Loan có ưu tiên cho riêng bà Mích không?
Thẩm phán Bùi Hữu Nhân, chủ toạ phiên toà xét xử phúc thẩm bản án số 138/2014/DS-PT ra văn bản giải thích bản án, khẳng định, bà Nguyễn Thị Thuỳ Mích được ưu tiên theo quy định, dựa theo Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27-4-2015 của TAND tối cao, hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương VIII – Các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật tố tụng dân sự.
Do đó, mục đích của việc ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là để “Đảm bảo cho việc THA, tức là làm cho chắc chắn các điều kiện để thi hành bản án , quyết định của toà án được thi hành có đầy đủ điều kiện để thi hành án”. Tuy nhiên sau đó, VKSND tỉnh Lâm Đồng lại ra văn bản “Kiến nghị vi phạm giải thích bản án”, do ông Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng ký, gửi TAND tỉnh Lâm Đồng.
(CAO) Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Nông vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Lê Đình Trọng (nguyên Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đăk Nông) về tội nhận hối lộ. Cùng vụ án này, hai bị can Nguyễn Xuân Chung (ngụ TP.Buôn Ma Thuộc, Đăk Lăk), Nguyễn Trọng Toàn (ngụ tỉnh Bình Định) bị truy tố về tội đưa hối lộ.
Ngày 21-9-2016, ông Nguyễn Hữu Mừng – Phó Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng trả lời bằng một văn bản, nội dung cho rằng, giải thích bản án của thẩm phán Bùi Hữu Nhân là không đúng. Đáng nói, trả lời kiến nghị này của ông Mừng đã làm thay đổi hoàn toàn bản chất vụ án. Bởi nếu được ưu tiên THA, bà Mích sẽ được nhận đủ số tiền vợ chồng Thẩm – Loan nợ, như hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã tuyên.
Nếu không được ưu tiên, tài sản của vợ chồng bà Loan đã bị đấu giá bán được 5,6 tỷ, sẽ phải chia đều cho 7 người (trong đó có bà Mích) với số nợ gần 15 tỷ đồng, bà Mích sẽ chỉ được nhận hơn 1 tỷ đồng. Như vậy là quá thiệt thòi, bất công cho bà Mích. Chưa kể, bà Mích nghi ngờ một số người có tên trong danh sách chủ nợ của vợ chồng Thẩm – Loan với số tiền gần 10 tỷ đồng có thể là hồ sơ nguỵ tạo, nhằm giúp bà Loan tẩu tán tài sản. Việc này, đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ.
Luật sư (LS) Phạm Tuấn Anh – Đoàn LS TP.Hồ Chí Minh, cho rằng: “Văn bản giải thích bản án là một phần của bản án, nhằm giải thích rõ ràng hơn về bản án đã tuyên. Thẩm phán Bùi Hữu Nhân trước đó làm chủ toạ phiên toà, khi giải thích bản án là đang đại diện Hội đồng xét xử (HĐXX) làm rõ nội dung bản án đã tuyên.
Việc công nhận hay bác bỏ phán quyết này của HĐXX, mà chủ toạ là đại diện - thẩm quyền thuộc cấp Giám đốc thẩm. Ô Nguyễn Hữu Mừng với chức danh là Phó Chánh án TAND cấp tỉnh, lúc này không phải là HĐXX cấp trên của HĐXX cấp phúc thẩm nên việc ông Mừng bác giải thích bản án này là không đúng thẩm quyền, không đúng quy định của Luật Tổ chức ngành TAND ”.
Như vậy, việc ông Phó Chánh án Nguyễn Hữu Mừng trả lời bản kiến nghị của Viện kiểm sát có khách quan không? Nhằm mục đích gì? Dựa vào văn bản trả lời này của ông Mừng, cơ quan THA H.Đức Trọng liên tục ra các quyết định THA, đối với vụ án của vợ chồng Thẩm – Loan, không chấp nhận ưu tiên dùng tài sản đã bán đấu giá của vợ chồng bà Loan trả cho bà Mích mà lập bảng phân phối số tiền này cho 6 người khác, bất chấp việc bà Mích 3 lần gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan chức năng và việc Ban Nội chính Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã ra văn bản thụ lý giải quyết vụ việc.