Thâm nhập “lò” dạy phá khóa thần tốc

Thứ Năm, 05/05/2016 13:49

|

Sau hơn nửa tháng lân la, dò dẫm kể cả nhập vai, cuối cùng phóng viên Báo Người Lao Động cũng lần ra được 2 “lò” dạy phá khóa thần tốc mà giới đạo chích trước khi vào nghề thường rỉ tai nhau tìm tới.

Học một buổi là xong!

Đầu tiên là “lò” của ông Trần Văn Tùng - chuyên sửa khóa trên đường Âu Cơ (quận Tân Bình, TP HCM). Qua ít nhất 2 tầng giới thiệu, ông Tùng mới tiếp chúng tôi. “Có người giới thiệu với tôi rồi. Vậy mấy chú cứ việc trình bày nguyện vọng” - ông Tùng đi thẳng vào vấn đề.

Chúng tôi cho ông Tùng biết là muốn học nghề phá khóa và mua bộ chìa khóa đa năng từ ông. “Chú em tìm đúng thầy, đúng thợ rồi. Chỉ học vài giờ là ổ khóa nào chú em cũng có thể mở được, chỉ mất từ 5-10 giây” - ông Tùng bảo đảm.

“Thầy” Tùng đang dạy nghề phá khóa - Ảnh: Lê Phong

Ông Tùng cho rằng bài học nhập môn đầu tiên mà chúng tôi phải nắm chính là việc hiểu rõ tên gọi và tính năng từng món hàng để phá các loại khóa. Trong túi đồ mà ông Tùng đưa ra bao gồm 15 chìa khóa, 10 thanh sắt nhỏ, nhiều móc thép hình chữ Z và chữa L.

“Thầy” Tùng giảng dạy: 15 chìa khóa nói trên đã được cắt sẵn theo 15 ổ khóa thông dụng mà người dân hay sử dụng. Riêng các thanh sắt và móc thép dùng để “xử” những ổ khóa mà các chìa thông dụng không mở được. Trong đó, thanh sắt dùng để xoay trục, móc thép dùng đẩy các chốt và viên bi vào bên trong. “Tính năng hoạt động của ổ khóa rất đơn giản. Các loại khóa khác nhau là do vị trí thiết kế chốt và viên bi. Mỗi ngày, tôi có thể chế ra 5 bộ đồ nghề để bán” - “thầy” Tùng giảng dạy thêm và không quên ra giá bán bộ đồ nghề 2 triệu đồng cho chúng tôi kèm phí học nghề 2 triệu đồng/người. Ông bảo: “Nhiều người tôi chỉ dạy một buổi là xong. Sau đó, họ mua một số bộ khóa, máy mài và cây giũa sắt là hành nghề được”.

Còn “thầy” Tâm (ở đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP HCM) - người được “giang hồ” mệnh danh là thầy của các bậc thầy phá khóa - cho biết có thể mở được tất cả các loại khóa, kể cả két sắt hiện đại.

Giới thiệu bộ đồ nghề phá két gồm một số viên nam châm, ống nghe và bộ đoản bằng thép, ông Tâm bảo: “Giá bộ phá két sắt lên đến 20 triệu đồng, còn những sản phẩm khác chỉ vài trăm ngàn đồng đến 2 triệu đồng. Bỏ tiền ra để học thì ông chỉ”. Ông cũng không quan tâm mục đích chúng tôi học để làm công việc gì miễn sao có người giới thiệu và trả đầy đủ học phí cũng như kín miệng là được.

Ngụy biện

Khi thấy chúng tôi hiểu được đôi phần về các dụng cụ phá khóa, ông Tùng bắt đầu lấy “hàng” ra trình diễn để “học trò” thực hành tại chỗ. Bộ khóa inox sản xuất bởi Tiệp Khắc được ông đưa cây móc chữ Z vào ổ. Động tác mở khóa rất đơn giản, chỉ cho cây móc lắc qua lắc lại 4 giây, ổ đã bung ra.

Tiếp đến, ông Tùng ra hiệu chạy chiếc xe máy của chúng tôi vào bên trong để diễn bài khởi động xe máy không cần chìa khóa. Trong lúc ông loay hoay lấy đồ nghề phá khóa, chúng tôi hỏi: “Xe Suzuki Viva đời 2013 với ổ khóa mới, không giống như xe Dream cũ đâu”. Nghe đến đây, ông Tùng cười: “Chú em xem xong rồi hãy nói. Khóa đời 2020, tôi cũng phá được”. Dứt lời, ông Tùng lấy đèn pin rọi vào ổ khóa rồi nhìn vào trong đó vài giây. Tiếp đến dùng một thanh sắt đưa vào ổ kèm theo đó là 2 móc thép. Vừa làm, ông vừa dạy: “Tôi đang tìm mấy viên bi trong khóa. Đẩy nó vào trong là mở được ngay”. Chỉ trong 8 giây, ông Tùng đã xoay ổ khóa một góc 90 độ và đề cho xe khởi động không cần dùng chìa.

Bộ đồ nghề phá khóa đa năng mà ông Tùng bán cho “học trò” với giá 2 triệu đồng - Ảnh: Lê Phong

“Do dạy nên tôi làm hơi lâu chứ bình thường khách đến yêu cầu mở, tôi chỉ mất 4-5 giây mà thôi” - ông Tùng khoe rồi cho biết thêm: Ngoài những sản phẩm nói trên, tôi còn một món hàng khá “độc” nhưng không bán. Đó là bộ đoản làm bằng thép. Chúng khá nhỏ nhưng có khả năng chịu lực rất cao, chỉ cần đưa bộ đoản vào ổ khóa, chúng sẽ tự đẩy các thanh ngang và viên bi của ổ khóa vào sâu bên trong. Như vậy chỉ mất 3 giây, dùng lực xoay ổ là có thể mở được khóa. Nếu người thân cận hoặc có người muốn làm “học trò”, ông sẽ lấy học phí 5 triệu đồng/khóa học.

Chúng tôi hỏi vậy trước giờ có ai được ông đào tạo sau đó đi làm nghề trộm không? Ông Tùng vòng vo cho biết số người theo ông học rất nhiều. Dạy xong, ông cũng chẳng quan tâm họ làm gì, mục đích như thế nào. Nhưng đã có 2 lần ông phát hiện “đệ tử” từng lên báo vì tội trộm cắp. “Mình dạy thì cứ dạy, còn nó làm việc gì thì nó tự gánh lấy. Bản tính con người sao biết được” - ông giãi bày.

Tương tự, chúng tôi hỏi “thầy” Tâm: “Ông dạy sửa khóa ồ ạt, không xem xét lỡ “đẻ” ra nhiều kẻ trộm thì sao?”. Ông Tâm ngụy biện rằng: Đó là chuyện thiên hạ. Thà thằng ăn trộm lấy tài sản chứ không cướp giật, gây thương tích chết người như một số đứa khác! (!?)

Theo những người chuyên nghề sửa khóa kiếm sống lương thiện thì ông Tùng, ông Tâm đã bị anh em trong nghề “tẩy chay” khi hoạt động không theo đúng nguyên tắc của tổ nghiệp. “Trước khi dạy cho một người nào học nghề sửa khóa phải nắm rõ được tính cách, đạo đức người đó bởi nghề này dễ sa ngã” - một người thợ sửa khóa thâm niên ở TP HCM tâm sự.

Khó xử!

Một điều tra viên thuộc Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP HCM cho hay khó có thể khởi tố hình sự đối với những người buôn bán đoản, bộ khóa đa năng. Để làm rõ hành vi của họ phải nắm được bằng chứng và chứng cứ cho thấy ý chí ban đầu là muốn đào tạo ra những người chuyên phục vụ việc trộm cắp.

“Tuy nhiên, cũng có cách chế tài như viết cam kết, cảnh cáo, phạt hành chính. Nếu vi phạm 2 lần thì đủ cơ sở khởi tố hình sự” - vị điều tra viên nói.

http://nld.com.vn/phap-luat/tham-nhap-lo-day-pha-khoa-than-toc-20160504220626442.htm

Bình luận (0)

Lên đầu trang