Những webside ngân hàng… “ma”
Theo thông tin khuyến cáo được đưa ra từ phía các ngân hàng, một số đối tượng đã gửi tin nhắn qua điện thoại hoặc thông tin trên facebook của người thân có nội dung mời nhận tiền từ nước ngoài chuyển về. Qua đó, các đối tượng đã yêu cầu khách hàng đăng nhập vào đường dẫn trang web được cung cấp sẵn bằng tên đăng nhập (username) và mật khẩu tài khoản internet banking của khách hàng, và sau đó nhập tiếp mã OTP được ngân hàng gửi vào số điện thoại hoặc email của khách hàng.
Các trang web được các đối tượng sử dụng để lừa đảo bao gồm: https://moneygrm-online24h.weebly.com/internetbanking.html; www.chuyentienle.weebly... Sau khi khách hàng đăng nhập vào các trang web giả mạo, đối tượng lừa đảo sẽ đánh cắp thông tin tài khoản, mật khẩu, mã OTP của khách hàng và thực hiện việc chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Bên cạnh đó, hình thức lừa đảo khác đó là khách hàng nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ mạo danh là nhân viên ngân hàng và thông báo thẻ tín dụng/ghi nợ gặp rủi ro, yêu cầu khách hàng đăng nhập vào kênh ngân hàng điện tử thực hiện giao dịch chuyển tiền hoặc thanh toán thẻ qua các website bán hàng để cung cấp mã OTP. Sau khi khách hàng cung cấp mã OTP, đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng sẽ chiếm đoạt được tiền trong tài khoản của khách hàng.
Theo khuyến cáo từ các ngân hàng, khách hàng chỉ nên dùng tên đăng nhập (username) và mật khẩu tài khoản ngân hàng điện tử của ngân hàng để đăng nhập vào trang web chính thức của ngân hàng. Người dùng tuyệt đối không dụng tên đăng nhập (username) và mật khẩu tài khoản ngân hàng điện tử của ngân hàng để đăng nhập vào các trang web khác ngoài trang web của ngân hàng, trong bất kỳ trường hợp nào.
Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần cẩn trọng với các thư điện tử lạ, cuộc gọi lạ xưng danh là nhân viên ngân hàng hoặc đối tác ngân hàng yêu cầu cung cấp thông tin thẻ, thông tin mã giao dịch gửi qua điện thoại hoặc email (OTP), hoặc yêu cầu truy cập vào một trang web lạ.
Trên thực tế, tất cả các ngân hàng đều khẳng định không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mật khẩu, thông tin thẻ, mã OTP trong bất cứ trường hợp nào. Không tiết lộ thông tin thẻ hay số PIN cho người khác; Che bàn phím khi thực hiện giao dịch tại máy ATM/POS và các thiết bị thanh toán thẻ khác.
Sau mỗi giao dịch tại cửa hàng, phải lấy lại thẻ; tuyệt đối không đưa thẻ cho nhân viên thu ngân đi nơi khác. Khi sử dụng dịch vụ internet banking, người dùng cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập, mã PIN thẻ. Bảo quản cẩn thận các thiết bị điện thoại di động và số điện thoại nhận các thông tin xác thực từ ngân hàng. Khi bị mất cần báo ngay cho ngân hàng theo số điện thoại khẩn cấp được các ngân hàng cung cấp.
“Cao thủ” lừa
Dư luận vẫn chưa thể quên được cú lừa ngoạn mục của Phan Hồng Lộc (SN 1992, HKTT tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi cô ta dùng thủ đoạn giả danh ngân hàng lừa bà chủ tiệm vàng. CQĐT CATP Hà Nội cho biết, đơn vị đã tiếp nhận thông báo của lực lượng CSHS Bộ Công an, về thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đây là kết quả điều tra ban đầu của Công an tỉnh Thái Nguyên, về vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại địa bàn phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên. CQĐT xác định, đối tượng chính trong vụ án là Phan Hồng Lộc.
Diễn biến sự việc cho thấy, ngày 8-7-2018, đối tượng Lộc gặp bà Trần, đang bán vàng tại cửa hàng vàng ở địa bàn phường Hoàng Văn Thụ. Khi ấy, Lộc xưng tên giả là Linh, và nói đang cần mua một lượng vàng với tổng giá trị gần 20 triệu đồng, đề nghị thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua dịch vụ Internet banking.
Nữ quái Phan Hồng Lộc
Bà Trần đã cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cho Lộc, và ngay sau đó Lộc dùng điện thoại di động thực hiện lệnh chuyển tiền, nhưng cố tình nhập sai thông tin nhằm mục đích lệnh chuyển không thành công.
Thực hiện thao tác xong, Lộc cho bà Trần xem tin nhắn và bảo đã chuyển tiền thành công. Tuy nhiên, bà Trần kiểm tra không thấy tin nhắn báo nhận được tiền, nên đã không đồng ý thực hiện giao dịch bán vàng bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng.
Sau đó, Lộc nói với bà Trần điện thoại của cô ta bị hết pin, nên muốn mượn điện thoại di động của bà Trần để chụp ảnh mẫu vàng trang sức gửi cho bạn mình xem trước.
Không chút nghi ngờ, bà Trần đưa điện thoại cho Lộc mượn. Lộc dùng điện thoại của bà Trần gửi tin nhắn chứa hình ảnh mẫu vàng vào số điện thoại cô ta đang dùng. Sau đó, Lộc xem điện thoại của bà Trần, phát hiện trong mục tin nhắn điện thoại có tin nhắn do Ngân hàng VP bank gửi báo thông tin số dư và tên tài khoản.
Lộc lén copy nội dung tin nhắn này rồi gửi đến số điện thoại di động cô ta đang sử dụng, rồi tiếp tục tìm cách lưu số điện thoại của mình vào danh bạ điện thoại của bà Trần với tên là “VP bank”, nhằm mục đích giả danh tổng đài Ngân hàng VP bank.
Sau đó, Lộc trả điện thoại cho bà Trần và hỏi bà có tài khoản Ngân hàng VP bank không để chuyển tiền mua vàng vào, vì việc chuyển tiền cùng hệ thống sẽ dễ dàng nhận được tiền ngay.
Bà Trần đồng ý và đọc tài khoản của mình mở tại Ngân hàng VP bank. Lộc gửi tin nhắn đến số điện thoại của bà Trần. Bà Trần xem đọc thấy tin nhắn đã nhận 20 triệu với tên VP bank; tin tưởng Lộc đã chuyển tiền vào tài khoản của mình nên đưa cho Lộc 5 “chỉ” vàng và trả lại 800.000 đồng tiền thừa.
Thấy “cá đã cắn câu”, Lộc tiếp tục hỏi mua vàng, đồ trang sức, ngoại tệ… với tổng giá trị gần 190 triệu đồng, và tái diễn thủ đoạn nêu trên, chiếm đoạt được toàn bộ số vàng, ngoại tệ, đem bán lấy tiền ăn tiêu.
CQĐT làm rõ tổng số vàng, trang sức, USD mà Phan Hồng Lộc chiếm đoạt của bà Trần là 210 triệu đồng. Các số điện thoại di động mà đối tượng Lộc sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là: 0973508811, 0903214337, 01204041111. Vụ án đang được CQĐT tiếp tục điều tra mở rộng.