Nữ bác sĩ nghỉ hưu mất 300 triệu đồng sau cuộc điện thoại

Thứ Năm, 11/10/2018 14:40

|

(CAO) Tìm tới Báo Công an TP.HCM, bà Ngô Thị N (bác sĩ đã nghỉ hưu, ngụ quận 4, TP.HCM), trình bày sự việc mình bị một nhóm người câu kết lừa mất 300 triệu đồng bằng hình thức mạo danh cơ quan điều tra qua điện thoại, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để đảm bảo an toàn cho bản thân trong quá trình vụ án đang điều tra.

Theo bà N, cuối tháng 9-2018, bà nhận được cuộc điện thoại từ tổng đài có đầu số 106…, đầu dây bên kia là một phụ nữ nói giọng Bắc, thông báo có một thư khẩn cần chuyển gấp cho bà N. Nữ nhân viên tổng đài này giới thiệu tên Hà, hiện là điện thoại viên tổng đài điện thoại.

Tiếp đó, Hà đọc họ tên cùng số căn cược công dân để bà N. xác định, thì tất cả các thông tin đều trùng khớp. Lúc này, Hà mới thông báo thư “khẩn”: “Bà N. đang là chủ tài khoản tại ngân hàng V. chi nhánh Hà Nội và đang có dư nợ 36,86 triệu đồng đến nay chưa trả, họ sẽ phát đơn kiện bà N. trong vòng 2 giờ đồng hồ nếu số nợ trên không được thanh toán”.

Dù mình không hề có tài khoản nào được mở tại Hà Nội và cũng không có khoản vay nào nên bà N. tỏ ta nghi ngờ, trả lời không hề có số nợ nào như thế. Hà tỏ ra quan tâm, rồi hướng cho bà N. gọi vào số điện thoại bàn 069.2322xxx và cho biết điện thoại này đã được kết nối trực tiếp với số tổng đài 113, Công an TP Hà Nội (theo Hà, đây là tổng đài yêu cầu giúp đỡ, giải quyết những vụ việc khẩn cấp liên quan đến an ninh trật tự và yêu cầu chính đáng của người dân, nhưng để tránh thủ tục rườm rà thì nên gọi vào số máy bàn) để bà N. trình báo với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, CATP Hà Nội nhờ giải quyết vụ việc.

Bà N. trình bày sự việc tại Báo CATP

Tin lời Hà, bà N. gọi vào số điện thoại được cho thì gặp một người tự giới thiệu là trung úy Nguyễn Hải Sơn (trực ban); sau một lúc yêu cầu bà đợi để tìm hồ sơ, người này thông baáo: “Qua xác minh ngoài việc nợ ngân hàng V., bà còn liên quan đến vụ án nghiêm trọng hơn, do vụ việc vượt quá thẩm quyền nên sẽ chuyển sang cho tổ trưởng tổ chuyên án giải quyết”.

Người thứ hai tiếp chuyện điện thoại với bà N. xưng là trung úy Hiếu, tổ trưởng. Hiếu yêu cầu bà N. trình báo sự việc, các thông tin cá nhân, số dư tài khoản tại các ngân hàng để mình kiểm tra. Để nhấn mạnh tầm quan trọng, Hiếu còn yêu cầu bà khai thật, khai đúng để ghi âm, làm bằng chứng sau này.

Cũng như người thứ nhất, Hiếu cho biết, đã nghiên cứu kỹ hồ sơ, đồng thời xác minh các tài khoản ngân hàng mà bà đang sử dụng thì thấy có rất nhiều giao dịch bất thường, đơn cử như vụ rửa tiền 20 tỷ đồng mà bà được chia 10% tại ngân hàng S,…nên sẽ chuyển vụ việc lên Trung tá Sơn Phó phòng điều tra - Đội trưởng đội chuyên án.

Ông Sơn là người sau cùng trực tiếp liên lạc với bà N., cũng giống như hai “điều tra viên" trước, vừa vào cầu chuyện, Sơn đã dọa: “Vụ án này rất nghiêm trọng, liên quan đến đường dây rửa tiền do cán bộ cao cấp của ngân hàng, xã hội đen và một số cán bộ công an địa phương thực hiện. Hiện chuyên án đã có đầy đủ hồ sơ và đang theo dõi để bắt trọn tội phạm. Viện kiểm sát Tối cao cũng đã có lệnh tống đạt bắt tạm giam bà N. để điều tra…”.

Sau hồi đầu dọa nạt với đủ các cơ quan tố tụng, ông này lại xuống giọng, “vẽ đường”: “Để tránh bị bắt giam oan như các trường hợp ông C., ông N. (các nhân vật bị oan, đã được cac cơ quan tố tụng tiến hành xin lỗi và bồi thường) bà phải hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra đồng thời giữ bí mật tuyệt đối, kể cả với người thân”.

Tiếp đó, Sơn yêu cầu bà N. phải có mặt tại Hà Nội ngay trong ngày hôm này để làm việc. Bà N. trình bày hiện tuổi đã cao, chồng lại đang ốm nặng không thể ra Hà Nội trong ngày được. Sơn tiếp tục dọa, để chứng minh nguồn tiền của mình trong sạch, bà N. phải khai thành thật lại các số dư tài khoản, sổ tiền kiệm một lần nữa để Hội đồng thanh tra xác minh, nếu trong sạch sẽ giải tỏa việc nghi can của bà N.

Sao kê của ngân hàng cho thấy, chỉ trong hai ngày các đối tượng đã rút sạch số tiền trong tài khoản bà N.

Để bà N. hoang mang, Sơn dọa tiếp: “Trong suốt thời gian làm việc bà phải mở điện thoại liên tục, đồng thời đã định vị vị trí của bà và cử 2 trinh sát theo dõi nếu có ý định bỏ trốn sẽ bắt giam, người thân sẽ chịu liên đới. Sau đó, Sơn yêu cầu bà N. rút tất cả tiền hiện có trong các tài khoản, sổ tiết kiệm chuyển cho thành viên hội đồng thanh tra để niêm phong nhưng bà N. không đồng ý vì tài khoản này của một cá nhân tên Đông, mở tại một phòng giao dịch tại Lạng Sơn.

Sau cùng Sơn bảo để tiền vẫn đảm bảo an toàn, bà N. cần mở một tài khoản khác do bà đứng tên và đăng ký dịch vụ internet banking bằng số điện thoại 0165603xxx của một thành viên trong hội đồng, sau đó chuyển hết tiền hiện có vào. Nghĩ rằng số điện thoại này chỉ để thông báo mỗi lần giao dịch nên bà N. làm theo, chuyển 315 triệu đồng vào tài khoản mới lập.

Chỉ trong hai ngày, các đối tượng đã sử dụng số điện đưa cho bà N. (thực chất là đăng ký để nhận mã OTP mỗi khi giao dịch internet banking) giao dịch và rút khỏi tài khoản 300 triệu đồng của bà N. Chưa hết các đối tượng còn ý định lừa tiếp con gái bà N. bằng những thông tin cá nhân mà bà N. đã lỡ cung cấp cho chúng.

Đã có nhiều vụ việc lừa đảo bằng hình thức các đối tượng xưng là cán bộ cơ quan điều tra thông báo các nạn nhân đang nợ tiền ngân hàng, từ vụ việc nhỏ họ tiếp tuc nâng lên thành các vụ án nghiêm trong với mục đích hăm dọa cho các nạn nhân sợ hãi rồi bằng nhiều hình thức yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để làm tin hoặc đăng ký số điện thoại của chúng cho dịch vụ ngân hàng điện tử, rất mong người dân cần cảnh giác đối với loại tội phạm này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang