(CAO) Ngày 12/10, tin từ Công an TPHCM cho biết, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) phối hợp Công an Quận 8 vừa bắt giữ một đối tượng sử dụng mạng xã hội để dụ dỗ các trẻ em "chat sex" sau đó khống chế, cưỡng đoạt tài sản.
Quá trình triển khai công tác nghiệp vụ trên không gian mạng, kết hợp tin báo tố giác tội phạm của người dân, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05)- Công an TP.Hồ Chí Minh đã phát hiện một số đối tượng sử dụng mạng xã hội để dụ dỗ các cô gái "chat sex" nhằm thu thập ảnh nóng, clip khỏa thân, sau đó khống chế, cưỡng đoạt tài sản.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP, Phòng PA05 phối hợp Công an Quận 8 khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, qua đó đã xác định đối tượng gây án là Trần Thanh Sang (SN 1980, ngụ thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh). Ngày 08/9/2023, tổ công tác của Phòng PA05, Công an Quận 8 phối hợp với Công an huyện Tân Châu đưa đối tượng về trụ sở để đấu tranh, làm rõ.
Trần Thanh Sang
Tại cơ quan Công an, Trần Thanh Sang khai nhận: Thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo) làm quen nhiều trẻ em sau đó dụ dỗ nạn nhân "chat sex", chia sẻ hình ảnh, clip nhạy cảm, khơi gợi tình dục để thỏa mãn nhu cầu sinh lý… Sang thu thập hình ảnh và clip này sau đó đe dọa, ép buộc nạn nhân phải làm theo các yêu cầu như tiếp tục gửi hình ảnh, clip nhạy cảm và tống tiền; nếu nạn nhân không thực hiện, đối tượng sẽ đăng hình ảnh, clip nhạy cảm lên mạng xã hội.
Ngày 11/9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 8 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Thanh Sang về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, quy định tại khoản 2, Điều 170 BLHS. Viện kiểm sát nhân dân Quận 8 đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên.
Hiện Phòng PA05, Công an Quận 8 tiếp tục phối hợp các đơn vị nghiệp vụ mở rộng điều tra, củng cố tài liệu, chứng cứ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Trong thời gian qua, qua công tác nắm tình hình không gian mạng và công tác theo dõi tiếp nhận xử lý đơn thư của người dân, Công an TP ghi nhận một một số thủ đoạn, nguyên nhân phổ biến mà các đối tượng thường sử dụng để nhắm đến nạn nhân là trẻ em và khuyến cáo một số biện pháp để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
1. Một số thủ đoạn các đối tượng lợi dụng mạng để xâm hại trẻ em
- Thông qua các ứng dụng mạng xã hội (Facebook, Tiktok, Zalo), các đối tượng tham gia vào nhiều hội nhóm hẹn hò trên mạng, sau đó đăng tải thông tin giả mạo về bản thân để làm quen với nạn nhân. Qua 1 khoảng thời gian, đối tượng sẽ dụ dỗ nạn nhân "chat sex", gửi hình ảnh, clip về những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Sau khi có được những hình ảnh, clip "nóng" của nạn nhân, chúng sẽ đe dọa, yêu cầu nạn nhân phải quan hệ tình dục hoặc phải đưa tiền, nếu không sẽ đăng tải, hình ảnh, clip lên mạng xã hội.
- Lập phòng chat, nhóm game online, hội nhóm kín để lôi kéo trẻ em tham gia, sau đó tiếp cận làm quen nhằm thực hiện các hành vi xâm hại bằng thủ đoạn: tạo dựng hình ảnh giả là người cùng giới, cùng tuổi với trẻ để nói chuyện, tâm sự về sở thích, học hành... Sau một thời gian, khi có được lòng tin của trẻ, các đối tượng chuyển sang trò chuyện về giới tính, đề nghị trao đổi hình ảnh, clip về những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể cho nhau. Sau khi có được những hình ảnh và clip này, đối tượng ép trẻ phải cho quan hệ tình dục hoặc cưỡng đoạt tài sản, nếu không sẽ bị đối tượng phát tán hình ảnh lên mạng xã hội.
2. Một số nguyên nhân dẫn đến tình hình xâm hại trẻ em trên môi trường mạng
- Trong thời đại công nghệ phát triển, trẻ em dễ dàng tiếp xúc với máy tính, thiết bị thông minh kết nối mạng Internet, qua đó tiếp cận các trang mạng xã hội để học tập và giải trí. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thì Internet, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với đối tượng sử dụng là trẻ em còn non nớt, thiếu kinh nghiệm, chưa biết cách chọn lọc thông tin và tự bảo vệ mình trên không gian mạng; chưa nhận thức đầy đủ về nguy cơ, phức tạp, mối nguy hại cũng như chưa có kỹ năng bảo vệ bản thân minh khi hoạt động, tương tác trên môi trường mạng, dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi các thông tin tiêu cực, tệ nạn, đồi trụy.
- Sự thiếu quan tâm, buông lỏng của gia đình trong việc quản lý con em khi sử dụng internet và hoạt động trên môi trường mạng.
- Đa số trẻ em khi tiếp xúc với những nội dung độc hại, tiêu cực trên môi trường mạng thường lựa chọn việc im lặng và cho qua thay vì lên tiếng, chia sẻ để tìm sự hỗ trợ. Hầu hết các em có tâm lý tò mò về những cái mới và e ngại trong việc tìm những kênh trợ giúp, tư vấn như từ ba mẹ.
- Các nhà cung cấp dịch vụ, nhà phát triển phần mềm, nhất là mạng xã hội chưa thể ngăn chặn, gỡ bỏ hết toàn bộ các thông tin xấu độc, tiêu cực, khiêu dâm. Việc xử lý đối với các trang mạng có nội dung xấu, độc đã được cơ quan chức năng, có thẩm quyền thực hiện mạnh trong thời gian qua nhưng chưa thể thể ngăn chặn, xử lý hết.
3. Biện pháp để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Bên cạnh những giải pháp mang tính vĩ mô, là trách nhiệm của cơ quan chức năng, cần có sự phối hợp của gia đình và xã hội để ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra:
- Các bậc phụ huynh cần chú trọng quan tâm, quản lý hoạt động trẻ nhỏ trên không gian mạng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý.
- Liên hệ Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em (111) nếu chính cha mẹ, người chăm sóc trẻ cảm thấy bối rối, khó giải quyết, chưa tìm được giải pháp tháo gỡ để được tư vấn hướng giải quyết.
- Trường học, cơ sở giáo dục cần quan tâm giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên kiến thức pháp luật, kỹ năng tương tác an toàn, bảo vệ bản thân trên không gian mạng. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu bị xâm hại cần khẩn trương thông báo, tố giác đến cơ quan Công an để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.