Từ những vụ dùng súng gây án
Ngày 10/11, Cơ quan CSĐT Công an (CA) tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa khởi tố vụ án, khởi tố 43 bị can trong đường dây mua bán súng với quy mô lớn qua MXH về các tội "Chế tạo, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng" và "Tàng trữ trái phép chất ma túy".
Trước đó, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ án do các nhóm đối tượng côn đồ hung hãn dùng súng quân dụng, công cụ hỗ trợ và các loại vũ khí (VK) nguy hiểm khác để giải quyết mâu thuẫn, cướp tài sản, cướp ngân hàng, cướp tiệm vàng và giết người. Khi bị bắt, các đối tượng trong các vụ án đều khai nhận đã đặt mua súng qua MXH.
Điển hình như ngày 22/11/2023, 2 đối tượng Trần Văn Trí (SN 2001, trú H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) và Nguyễn Mạnh Cường (SN 1998, trú H.Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã sử dụng súng cướp Ngân hàng BIDV tại P.Mỹ An (Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng). Quá trình gây án, các đối tượng đã bắn 1 bảo vệ ngân hàng tử vong.
Đấu tranh, lấy lời khai một đối tượng
Tiếp đó, ngày 26/12/2023, Nguyễn Anh Sơn (SN 1998, trú tại Thanh Hóa) cùng 4 đối tượng khác sử dụng 4 khẩu súng dạng colt và 3 con dao bắn 1 người bị thương để cướp 8 tỷ đồng ở quán cà phê Đức Trung (Khu đô thị Ecopark, xã Cửu Cao, H.Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).
Quá trình đấu tranh, các đối tượng trong 2 vụ án trên đều khai nhận đã đặt mua súng trên MXH để gây án.
Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng đã xảy ra 5 vụ sử dụng súng gây ra các vụ cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản. Ngoài ra, CA cũng phát hiện 9 đối tượng có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng (VKQD). Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán, tàng trữ VKQD trái phép, Phòng CSHS CA tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp các đơn vị tập trung truy xét các đối tượng nghi vấn tàng trữ, sử dụng và mua bán loại VK "nóng" này. Tiến hành xác minh, thu thập thông tin, các trinh sát phát hiện, có một đường dây mua bán VK qua các trang MXH rất chuyên nghiệp, quy mô đặc biệt lớn. Phòng CSHS CA tỉnh Hà Tĩnh đã xác lập chuyên án để đấu tranh triệt phá.
Theo tài liệu trinh sát, đường dây mua bán VK này có hệ thống chân rết ở các tỉnh, TP như: Hà Tĩnh, Hà Nội, Ninh Bình, TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh... Đường dây này đã bán ra một số lượng VK cực lớn cho các đối tượng hình sự gây ra nhiều vụ án trên địa bàn cả nước. Trong đó có 2 vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại TP.Đà Nẵng và tỉnh Bắc Giang.
Các đối tượng chính trong đường dây
mua bán vũ khí quân dụng bị bắt giữ
Quá trình xác minh thông tin cho thấy, đường dây buôn bán VK hoạt động rất tinh vi, có sự tham gia của nhiều đối tượng hình sự cộm cán, liều lĩnh, manh động, thường xuyên mang VK theo người. Đặc biệt, các đối tượng còn có sự cấu kết chặt chẽ với một số nhóm người mua bán VK ở nước ngoài, sẵn sàng chống trả và bỏ trốn sang Campuchia, Lào, Trung Quốc.
Cầm đầu đường dây mua bán VK này được xác định là 6 đối tượng gồm: Vũ Anh Tú (SN 1993), Vũ Tiến Phát (SN 1997, cùng trú xã Khánh Hội, H.Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), Mai Văn Đông (SN 1992, trú xã Phước Đông, H.Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh), Lê Cương (SN 1998, trú P.Tam Phước, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Thanh Tiên (SN 1993, trú P.Hiệp Lợi, TP.Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), Trần Quốc Cường (SN 2001, trú P9Q11, TPHCM). Nhóm đối tượng này đã móc nối với nhau, hình thành nên một đường dây khép kín. Mỗi đối tượng phụ trách các khâu khác nhau, lôi kéo nhiều người khác tham gia.
Mua VKQD và súng đồ chơi ở nước ngoài về "độ” lại để bán
Để có nguồn hàng, những đối tượng này cũng thông qua MXH mua các loại súng quân dụng không rõ nguồn gốc hoặc các loại súng có tính năng, tác dụng tương tự như VKQD rồi mua thêm linh kiện về lắp ráp để hoàn thiện tính sát thương. Đa số súng và linh kiện đều được mua và vận chuyển từ các nước khác như: Trung Quốc, Lào và Campuchia rồi vận chuyển về Việt Nam. Sau đó, các đối tượng sử dụng các tài khoản trên các nền tảng MXH như: YouTube, Facebook, Zalo, các hội nhóm kín rồi công khai quảng cáo, mua bán trái phép VK, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ kèm theo số điện thoại không chính chủ để người mua có nhu cầu liên hệ. Về phía người mua, chỉ cần vào chọn loại VK, công cụ hỗ trợ mà mình thích rồi để lại thông tin hoặc liên hệ trực tiếp qua số điện thoại, sau đó chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc qua hình thức ship Cod (nhận hàng, kiểm tra rồi trả tiền cho nhân viên chuyển phát). Sau khi nhận đơn, VK sẽ được tháo rời, chia nhỏ ra thành nhiều gói khác nhau để vận chuyển qua các công ty chuyển phát nhanh, xe ôm công nghệ, xe khách, tàu hỏa... đến tay người mua.
Sau một thời gian cũng cố tài liệu, chứng cứ, Phòng CSHS CA tỉnh Hà Tĩnh đã đồng loạt triển khai 15 tổ công tác, phối hợp với Cục CSHS Bộ CA, Cục nghiệp vụ Bộ CA, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CA tỉnh Hà Tĩnh, các phòng nghiệp vụ CA tỉnh Hà Tĩnh, Phòng CSHS CA các tỉnh, TP như: Ninh Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, TPHCM, Tây Ninh, Đồng Nai, Hậu Giang, Bình Dương cùng CAH.Kỳ Anh, CAH.Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh), CAH.Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình), CAH.Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh) tiến hành giữ khẩn cấp, triệu tập, khám xét khẩn cấp đối với 45 đối tượng.
Hơn 500 khẩu súng được lực lượng công an thu giữ
Hàng chục ngàn viên đạn bị thu giữ
Danh tính các đối tượng được xác định gồm: Vũ Anh Tú, Vũ Tiến Phát, Mai Văn Đông, Lê Cương, Nguyễn Thanh Tiên, Trần Quốc Cường, Trần Minh Toại (SN 2003, trú xã Sơn Tây, H.Hương Sơn, Hà Tĩnh), Hoàng Việt Hưng (SN 1972), Phạm Khắc Hùng (SN 1993, cùng trú H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Phạm Văn Thật (SN 1990), Phạm Văn Tiềm (SN 1988, cùng trú H.Yên Khánh, Ninh Bình); các đối tượng trú ở Hà Nội gồm Nguyễn Tuấn Anh (SN 1988, trú Q.Hoàn Kiếm), Lê Mạnh Hùng (SN 1970, trú Q.Ba Đình), Nguyễn Văn Vượng (SN 1986, trú Q.Nam Từ Liêm), Nguyễn Văn Tuấn (SN 1979, trú H.Sóc Sơn), Lê Văn Thái (SN 1990, trú H.Ứng Hòa), Nguyễn Đức Hồng (SN 1977, trú Q.Hà Đông), Trần Tuấn Anh (SN 1979, trú Q.Long Biên), Trần Văn Vũ (SN 1985, trú H.Phúc Thọ), Đinh Văn Sơn (SN 1985), Nguyễn Văn Tường (SN 1987), Kiều Đức Anh (SN 1995, cùng trú H.Mê Linh), Đỗ Văn Khiêm (SN 1989), Nguyễn Văn Lượng (SN 1984, cùng trú H.Đan Phượng), Nguyễn Tuấn Linh (SN 1995, trú H.Sóc Sơn); Dương Doãn Duy (SN 1994, trú thị xã Đông Triều, Quảng Ninh), Vi Văn Định (SN 1986, trú TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh), Nguyễn Văn Hiếu (SN 1987, trú H.Yên Mỹ, Hưng Yên), Nguyễn Đình Dũng (SN 1993, trú H.Yên Thế, Bắc Giang), Lê Công Định (SN 2000), Lưu Xuân Sơn (SN 1996, cùng trú H.Thọ Xuân, Thanh Hóa), Lê Văn Nam (SN 1989, trú TP.Thanh Hóa), Nguyễn Xuân Chinh (SN 1991, trú H.Yên Định, TP.Thanh Hóa), Cao Ngọc Phúc (SN 1993, trú H.Cẩm Thủy, Thanh Hóa), Phạm Văn Trưởng (SN 1987, trú thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa), Nguyễn Xuân Kiều (SN 1987, trú H.Anh Sơn, Nghệ An), Nguyễn Văn Tâm (SN 1982, trú TP.Vinh, Nghệ An), Trần Thái Sơn (SN 2002, trú H.Nghi Lộc, Nghệ An), Nguyễn Văn Giáp (SN 1987, trú Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), Lê Giang Đông (SN 1984, trú Q.Gò Vấp, TPHCM), Trịnh Ngọc Vương (SN 1986, trú TP.Biên Hòa, Đồng Nai), Phạm Minh Sang (SN 1992, trú xã H.Trảng Bom, Đồng Nai), Nguyễn Quốc Cường (SN 1989, trú H.Dầu Tiếng, Bình Dương) và Nguyễn Trường An (SN 1993, trú TP.Tân Uyên, Bình Dương).
Quá trình phá án, lực lượng chức năng thu giữ được 532 khẩu súng các loại, 36.824 viên đạn, 2 quả lựu đạn và 211,11 gam ma túy.
Súng đồ chơi ZP5 được "độ” để tăng tính sát thương
Tại cơ quan điều tra, Vũ Anh Tú - một trong những đối tượng cầm đầu khai nhận, các đối tượng đã mua những khẩu súng đồ chơi mang nhãn hiệu ZP5 (hình dạng giống khẩu súng colt) ở nước ngoài rồi đưa về Việt Nam. Sau đó, Tú và đồng bọn mua thêm linh kiện lắp vào để tăng tính sát thương. Mỗi khẩu súng ZP5 được nhóm Tú mua vào với giá khoảng 200 ngàn đồng, còn phụ kiến giá khoảng 400 ngàn đồng. Sau khi "độ” xong, nhóm Tú bán ra thị trường với giá khoảng 4,5 triệu đồng.
Căn cứ vào lời khai của các đối tượng và những tài liệu thu thập được, bước đầu Ban chuyên án xác định, đường dây này đã bán hơn 1.000 khẩu súng đến các tỉnh, thành khắp cả nước. Thậm chí, các đối tượng còn bán cho những đối tượng khác ở Lào và Campuchia.
Thượng tá Nguyễn Phi Hải - Trưởng phòng CSHS CA tỉnh Hà Tĩnh cho biết, việc triệt phá thành công đường dây buôn bán VK xuyên quốc gia này góp phần ngăn ngừa trình trạng mua bán, sử dụng VKQD để giải quyết mâu thuẫn cá nhân và thực hiện các hành vi phạm tội khác nhằm bảo đảm ổn định tình hình ANNT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh riêng và cả nước nói chung. Đây là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Cục CSHS Bộ CA, BGĐ CA tỉnh Hà Tĩnh và sự phối hợp, hợp đồng tác chiến rất có hiệu quả giữa các đơn vị, CA các tỉnh, TP trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.