Đường dây mua bán vũ khí "khủng" hoạt động ra sao?

Chủ Nhật, 23/10/2022 12:05  | Thiện Thảo

|

(CATP) Mở rộng điều tra đường dây chế tạo, mua bán, tàng trữ vũ khí quân dụng, Ban chuyên án hết sức bất ngờ bởi các đối tượng tổ chức giao dịch khi công an đang phá án. Từ đó, hàng loạt đối tượng trong đường dây bị bắt giữ. Tính đến nay, Ban chuyên án bắt giữ 16 đối tượng, thu giữ 311 khẩu súng các loại, hàng trăm viên đạn cùng công cụ hỗ trợ, bình khí nén...

Bán vũ khí khi được tại ngoại

Ngày 21-10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố, bắt giam 6 đối tượng gồm: Vũ Thị Diệp (SN 1990, thường trú: Số 20A, đường số 15, ấp Tân Định, xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi, TPHCM); Đặng Quốc Ánh (SN 1994), Đặng Quốc Huân (SN 1995, cùng tạm trú số 103 Trần Nhật Duật Nối Dài, phường Phước Hòa, TP.Nha Trang, Khánh Hòa), Đặng Văn Tỉnh (SN 1997, tạm trú: KP.Bình Đường 3, phường An Bình, TP.Dĩ An, Bình Dương); Quách Hoàng Anh (tức Quách "què”, SN 1981) và Võ Văn Thương (SN 1989, cùng ngụ TP.Rạch Giá, Kiên Giang) để điều tra về hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ vũ khí quân dụng.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 10 đối tượng gồm: Dương Minh Tuấn (SN 1992), Cao Văn Hoài (SN 1995), Lưu Tấn Đạt (SN 1987), Phan Văn Tính (SN 1981), Khưu Thanh Tùng (SN 1993, cùng ngụ TP.Rạch Giá); Võ Ngọc Trăm (SN 1996, vợ Cao Văn Hoài, ngụ H.An Minh); Trần Văn Năng (SN 1983, ngụ H.Giồng Riềng); Trần Ngọc Thuận (SN 1987, ngụ H.Hòn Đất); Phương Hữu Nhân (SN 2000, ngụ H.Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) và Phạm Văn Giàu (SN 1998, ngụ H.Thới Bình, tỉnh Cà Mau) để điểu tra về hành vi trên.

Các đối tượng giấu súng và linh kiện trong máy nước nóng

Như Chuyên đề Công an TPHCM thông tin, năm 2021, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xảy ra nhiều vụ giải quyết mâu thuẫn bằng "hàng nóng". Bên cạnh đó, nhiều đối tượng hình sự thường mang theo vũ khí để ra oai gây bức xúc dư luận.

Giám đốc Công an tỉnh An Giang thành lập Ban chuyên án do Đại tá Mai Hòa Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự làm Trưởng ban chuyên án để đấu tranh, bóc gỡ đường dây chế tạo, mua bán, tàng trữ vũ khí, vũ khí quân dụng.

Mở rộng điều tra, các đối tượng khai nhận nguồn gốc vũ khí được bán trên mạng. Thỏa thuận giá, các đối tượng nhận tại TP.Rạch Giá, Kiên Giang. Qua báo cáo của công an trực thuộc, nhiều vụ thanh toán đối tượng sử dụng hàng nóng được mua bán, giao nhận tại TP.Rạch Giá.

Trước tình hình trên, Đại tá Nguyễn Văn Hận, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Công an các huyện, thành phố rà soát lên danh sách các đối tượng hình sự có dấu hiệu mua bán, tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ, nhanh chóng vào cuộc điều tra, bắt giữ các đối tượng.

Số dao và súng có liên quan trong vụ án

Ban chuyên án xác định, Dương Minh Tuấn không có nghề nghiệp ổn định, mang 2 tiền án về tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, có biểu hiện nghi vấn mua các loại súng, công cụ hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau, để tự chế tạo, sửa chữa, nâng cấp thành súng có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Trong đó, Tuấn đặt mua các loại súng của Cao Văn Hoài và Võ Ngọc Trâm.

Để cải tạo súng có độ sát thương và chính xác cao, bán được nhiều tiền, Tuấn đã đặt Trần Văn Năng tiện, cắt các linh kiện, thiết bị để chế tạo, cải tạo súng, như: nòng súng, cò, kim hỏa, ốp tay súng... Sau khi cải tạo thành công, Tuấn bán lại cho nhiều đối tượng trên địa bàn TP.Rạch Giá, Phú Quốc, huyện Hòn Đất, Châu Thành, An Biên...

Ngày 22-8, Ban chuyên án quyết định phá án với sự tham gia hỗ trợ trực tiếp của lực lượng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự và Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Bộ Công an, tổ chức bắt, khám xét nơi ở 10 đối tượng trên. Cơ quan công an bắt giữ 82 khẩu súng, 341 viên đạn các loại, 365 ống kim loại, một số công cụ hỗ trợ...

Đây là đường dây tàng trữ, buôn bán trái phép công cụ hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay ở miền Tây. Bước đầu, Cao Văn Hoài và Võ Ngọc Trâm thừa nhận, đặt mua súng, công cụ hỗ trợ và rao bán qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook cho các đối tượng hình sự ở tỉnh Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Khánh Hòa, TP.Hà Nội kiếm lời.

Khẩn trương điều tra, Ban chuyên án xác định, Vũ Thị Diệp (quê quán: xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng nhưng thường trú: ấp Tân Định, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM, có tiền án tiền sự) là đầu mối phân phối cả nước. Năm 2019, Diệp cùng chồng là Phạm Thành Long đang bị TAND huyện Củ Chi, TPHCM tuyên phạt mức án 3 năm tù giam về tội "mua bán trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ".

Do Diệp đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được cho tạm hoãn thi hành án, còn Phạm Thành Long đang chấp hành án. Trong thời gian được tại ngoại, Diệp tiếp tục móc nối với các đối tượng quen biết tổ chức mua các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ từ nước ngoài về Việt Nam. Sau đó, các đối tượng phân ra giao cho các đại lý trong toàn quốc rao bán trên mạng xã hội thu lời bất chính hàng tỷ đồng.

Lê Đức Thành đặt mua 100 cây dao, kiếm của Diệp
Đối tượng cầm đầu Vũ Thị Diệp

Cất vó

Hàng loạt trinh sát được phân công bám sát Diệp. Điều khá bất ngờ, các đối tượng tiếp tục mua bán vũ khí khi công an đang phá án. Ngày 15-9, Ban chuyên án xác định, Diệp bán 100 cây đao, kiếm có nguồn gốc Trung Quốc cho một đối tượng tại TP.Mỹ Tho, Tiền Giang.

Tổ công tác Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp Cục Cảnh sát hình sự và Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang bố trí, bắt giữ Lê Đức Thành (SN 1996, quê quán: Hải Châu, Đà Nẵng; chỗ ở hiện nay: phường 5, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang), thu giữ 100 cây đao, các tang vật khác có liên quan tại xã Tam Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Hiện đối tượng đã được bàn giao cùng tang vật cho Công an tỉnh Tiền Giang xử lý đúng theo quy định.

Ngày 15-10, Ban chuyên án phát hiện Diệp đang chỉ đạo cho đồng bọn mua bán và vận chuyển 63 khẩu súng các loại cho một đối tượng tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa). Ban Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Ban chuyên án nhanh chóng phối hợp Cục Cảnh sát hình sự và Công an tỉnh Bình Dương tiến hành bắt và khám xét chỗ ở của Đặng Văn Tỉnh (SN 1997, thường trú: Thôn Phước Thành Nam, xã Hòa Phong, H.Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) tại nhà trọ số 76 Bế Văn Đàn (KP.Bình Đường 3, phường An Bình, TP.Dĩ An, Bình Dương).

Tỉnh là đối tượng nhận vận chuyển súng cho Diệp. Qua khám xét, cơ quan công an bắt giữ 2 khẩu súng bắn đạn bi sắt, 1 dao bấm, 1 ĐTDĐ và các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án.

Biết không thể chối cãi, Tỉnh khai nhận, vào ngày 13-10, Diệp chỉ đạo cho Tỉnh nhận 3 thùng hàng, bên trong có 63 khẩu súng rồi kêu Tỉnh gửi xe vận tải tại bến xe Miền Đông ra TP.Nha Trang cho người tên Huân (là anh em bà con chú bác ruột với Tỉnh).

Ngày 16-10, Ban chuyên án phân công một Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp, cùng sự hỗ trợ của Cục Cảnh sát hình sự và Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Khánh Hòa do Trung tá Đinh Xuân Trường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Kiên Giang - Phó Ban chuyên án trực tiếp chỉ huy. Quá đó, xác định ngày 14-10, một thanh niên chạy xe SH đến nhà xe nhận 3 thùng xốp mà Tỉnh gửi.

Đặng Quốc Ánh, Đặng Quốc Huân và Đặng Văn Tỉnh

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Tổ công tác xác định nam thanh niên nhận hàng do Tỉnh gửi ra là Đặng Quốc Huân (SN 1995, thường trú: thôn Phước Thành Nam, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) đang ở cùng anh ruột tên Đặng Quốc Ánh (SN 1994) tại một căn hộ trên đường Trần Nhật Duật (thuộc phường Phước Hòa, TP.Nha Trang, Khánh Hòa). Tổ công tác báo cáo Ban Chỉ huy chuyên án và nhận lệnh chỉ đạo tiến hành bắt, khám xét chỗ ở của anh em Huân và Ánh.

Khai thác nhanh, Huân và Ánh thừa nhận có nhận 3 thùng xốp chứa các loại súng và các phụ kiện của súng từ Vũ Thị Diệp, nhà ở Củ Chi, TP.HCM để gửi cho khách hàng theo các đơn hàng của Diệp. Súng và các phụ kiện của súng sau khi nhận được cất giấu tại một nhà kho trên đường Lê Hồng Phong (phường Phước Long, TP.Nha Trang, Khánh Hòa).

Tiến hành khám xét khẩn cấp, Ban chuyên án thu giữ 229 khẩu súng gồm: 134 khẩu kiểu súng lục M1911 và 455 bình khí nén; 64 khẩu súng Rulo; 31 khẩu súng các loại bắn đạn cao su và hơi cay; 6kg đạn bi sắt cùng nhiều linh kiện, phụ kiện của súng và các đồ vật, liệu có liên quan đến vụ án. Huân làm đại lý cho Diệp để bán súng và các linh kiện ra các tỉnh khu vực miền Trung.

Từ trái qua: Dương Minh Tuấn, Cao Văn Hoài, Võ Ngọc Trăm
Bảy đối tượng bị bắt: Đạt, Tính, Tùng, Năng, Thuận, Nhân, Giàu

Qua gần 2 tháng xác minh và điều tra mở rộng, Ban chuyên án đã có đủ cơ sở xác định Diệp là đầu mối quan trọng chuyên mua bán, vận chuyển súng, các loại công cụ hỗ trợ và có kho hàng để cất giấu. Để che giấu mọi hoạt động phạm tội trong đường dây tổ chức của mình, Diệp cùng đàn em hoạt động rất tinh vi, sử dụng nhiều số sim điện thoại khuyến mãi không chính chủ và sử dụng nhiều số tài khoản ngân hàng mua trên mạng để đối phó với cơ quan chức năng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang