Khi thành phố lên đèn…

Chủ Nhật, 23/10/2022 11:47  | Quỳnh Hương

|

(CATP) Không biết tự bao giờ, Sài Gòn về đêm cứ như một thước phim tư liệu đầy màu sắc. Ngoài những chốn ăn chơi, nhậu nhẹt thì đâu đó ở một góc tối bên đường phố, hình ảnh người phụ nữ lam lũ còng lưng trên chiếc xe đạp cũ nhặt ve chai, những bác tài xe ôm cố gắng đứng chờ khách giữa đêm khuya, hay một chị công nhân quét đường vẫn miệt mài trên đường vắng… Tất cả hình ảnh đó rất đỗi thân quen và gắn liền với "nhịp thở" thành phố mang tên Bác.

Phận người trong đêm tối

Những ngày cuối tháng 9, do ảnh hưởng của cơn bão Noru, trời Sài Gòn thi thoảng xuất hiện vài đợt mưa dông. Bầu không khí càng thêm lạnh lẽo và ẩm thấp.

22 giờ đêm, khi chúng tôi đảo xe trên đường Nguyễn Văn Đậu - Lê Quang Định thì vẫn thấy bà Năm (78 tuổi) còn cặm cụi với chiếc xe chè bán rong. Ở cái tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi để cháu, con phụng dưỡng nhưng vì gia cảnh khó nghèo, bà Năm vẫn phải vất vả mưu sinh kiếm tiền nuôi người con trai ngoài 50 tuổi đang bị bệnh. Ghé ủng hộ bà bịch chè, nghe bà kể về cuộc đời từ lúc nhỏ, sao mà nghe chua xót quá.

Bà sinh ra và lớn lên ở Củ Chi. Năm 20 tuổi, bà Năm lên Sài Gòn buôn bán ở khu vực chợ Bà Chiểu. Lấy chồng, chồng mất để lại hai người con trai. Người con lớn thì bị bệnh còn người con út bị tai nạn giao thông mất vào năm 2000. Bây giờ, gia đình chỉ có mình bà. Bà Năm bảo đang cố gắng kiếm ít tiền, sau đó nghỉ bán chè, đưa con về Củ Chi sinh sống.

Cuối năm, trời Sài Gòn trở lạnh. Những cơn mưa nặng hạt càng làm người ta cảm thấy nao nao. Trên trục đường CTM8 (thuộc P12, Q10), hình ảnh cặp vợ chồng bà Trần Thị Ngọc Anh (60 tuổi, quê An Giang) ngồi vá xe đêm đã trở nên rất đỗi thân quen. Nhìn chiếc xe xẹp bánh của tôi, bà Anh vẫn cười tươi: "Cái thằng, có nhiêu đâu mà mày lo. Khi nào đi ngang thì trả, đem vô đây ổng (tức ông Tư - chồng bà Anh - PV) vá cho".

Tôi trả lời: "Con ngại vì định mượn dì thêm 50 ngàn đổ xăng chạy về tuốt Hóc Môn, xa quá”. Nghe xong, bà Anh không cần suy nghĩ, móc trong túi 3 tờ 20 ngàn rồi dúi vào tay tôi một cách không ngần ngại. "Nè! Nghèo khó gì nhiêu đây, bây cầm đi!".

Công nhân quét rác trên phố khuya

Với người lao động nhập cư, vào Sài Gòn là để nuôi sống bản thân và cố gắng gửi về cho gia đình. Chính vì vậy, để tiết kiệm, dành dụm được tiền, ban ngày nhiều người xin làm lao động phổ thông, ban đêm họ lại phải đi lượm ve chai kiếm sống. Theo chân họ hành nghề về đêm, chúng tôi ghi nhận nghề này tuy cực nhưng có phần nhẹ nhàng đối với các chị em phụ nữ. Những bao tải phía sau chiếc xe đạp đựng các món đồ đã vứt nhưng có thể tái sử dụng là động lực để họ phấn đấu, vươn lên.

Gặp chị Khánh Chi (SN 1975, người miền Trung) đang lọc cọc cùng với chiếc xe đạp chở hai bao phế liệu từ trong chợ Trần Hữu Trang (P10, Q.Phú Nhuận) ra, tôi gọi cho chị thêm ít đồ nhựa có thể tái chế rồi tranh thủ hỏi: "Ngày kiếm được nhiêu chị? Đủ sống không, có nuôi thêm ai không?".

Nghe tôi hỏi đường đột nên suy nghĩ hồi lâu, nhìn ánh mắt tò mò của tôi, chị cất tiếng: "Dạ cũng tạm thôi anh, nói thật ban ngày tôi đi phụ bán quán ăn, nếu tôi sống một mình thì lương cũng đủ trang trải nhưng vì còn phải lo mấy đứa con với mẹ già ở ngoài quê. Vì vậy, tối đến tôi phải đi nhặt rác về phân loại ra bán kiếm thêm".

Nói về kỉ niệm vui buồn, chị Trang (quê ở Quảng Nam, tạm trú P15, Q.Tân Bình) kể, nhiều lần chị phát hiện xác các thai nhi bị cho vào bọc nylon bỏ rơi bên đường. Lần đầu chị còn thấy sợ bỏ chạy nhưng những lần sau, chị đều báo chính quyền địa phương, hoặc mang các cháu gửi cho những chùa ở ngoại thành.

Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất đối với chị và các phụ nữ nhặt rác về đêm là những đêm tối đi nhặt rác gặp các "yêu râu xanh" say rượu, những lúc ấy phải bỏ chạy thật nhanh dù trước khi ra đường vào đêm khuya, những phụ nữ làm nghề như chị đều phải lấy lọ, cây trang điểm vẽ vằn vện lên khuôn mặt nhằm làm cho mình xấu đi.

Nhọc nhằn mưu sinh về đêm

Trời gần về sáng, QL1A đoạn qua địa bàn H.Hóc Môn, Q.Bình Tân vẫn nhộn nhịp. Đoàn xe tải, xe khách nối đuôi nhau phóng ào ào. Tại giao lộ QL1A - Lê Thị Tú, một chiếc xe tải loại 5 tấn bất ngờ xẹp lốp. Tài xế bật đèn tín hiệu xin tấp vào lề. Chưa đầy 10 phút, một chiếc xe lôi chở theo thùng bơm hơi to tướng xuất hiện. Với những động tác thuần thục, người đàn ông vá xe trạc 50 tuổi nhanh chóng xử lý chiếc vỏ sau bị thủng vô cùng điệu nghệ. 200 ngàn cho một lần "cứu" bánh xe bể được bên trả và bên nhận hài lòng. Chiếc xe tải tiếp tục cuộc hành trình còn người đàn ông vá xe nán lại dọn dẹp đồ nghề.

Khi được chúng tôi bắt chuyện, ông kể mình tên Nam, quê ở Ô Môn (Cần Thơ). Hồi trước làm công nhân ở khu công nghiệp nhưng sau đó do công ty giải thể nên ông bắt đầu tìm việc khác. Trước đây, ông Nam chỉ vá xe ban ngày nhưng mấy năm gần đây, khi có nhiều nơi cạnh tranh khốc liệt, ông nhận thấy hoạt động về đêm có hiệu quả nên chuyển sang vá vỏ ban đêm. Ông "bật mí” nghề này không giàu nhưng cũng tích cóp được một khoản tiền để sau này già có cái mà tiêu xài.

Ông Nam còn cho biết, hiện trên tuyến QL1A có khoảng 20 điểm vá vỏ lưu động. Tuy vậy không phải ai cũng hành nghề như ông mà có người "mượn" nghề, lợi dụng đêm vắng cùng đồng bọn trộm cắp tài sản của khách khi vá xe, nhất là những đối tượng phụ nữ tự chạy xe.

Lát cắt yêu thương

Điều ông Nam nói là hoàn toàn có thật khi vài năm trước, công an thành phố đã triệt phá nhiều băng nhóm chuyên "ăn hàng" lúc nữa đêm về sáng. Không những cướp giật, móc túi... các đối tượng này còn ngang nhiên bắt người đánh đập không thương tiếc. Điều đáng nói là nạn nhân của chúng ngoài những khách đi đường còn là các cô gái tiếp viên hớt tóc gội đầu, bán cà phê đèn mờ...

Nghĩ đến đây, chợt thấy bất an. Hóa ra thế giới về đêm không như nhiều người nghĩ, ở đấy đầy rẫy những cám dỗ, đấu đá, tranh giành bảo kê, thu tiền góp... thậm chí giết người. Những người lương thiện thực ra không muốn dính dáng vào nhưng vì mưu sinh, cuộc sống bắt họ phải "gồng mình" lên hung tợn, dữ dằn mới có thể tồn tại ở thế giới đêm đầy phức tạp.

Lượm ve chai để mưu sinh

Nhắc đến hai chữ mưu sinh - ông Hai Tùng (SN: 1952, chạy xe ôm ở Bình Thạnh) lắc đầu ngao ngán. Ông bảo cuộc đời mình có hai cột mốc. Thời trai trẻ ông chạy xích lô, sau gần 6-7 năm nay, ông tích cóp mua được cho mình chiếc Wave chạy xe ôm kiếm sống. Thế nhưng số ông bạc phước nên đến giờ vẫn sống độc thân.

"Bạc" nhất là chỉ trong một năm ông bị kè dao lừa lấy mất hai chiếc xe máy. Lần thứ nhất, khoảng tháng 4-2014, khi ông đón khách khuya tại đường Nguyễn Văn Đậu thì một thanh niên đến yêu cầu ông chở đến đường Chu Văn An gần Học viện cán bộ TP. Đến đoạn đường vắng, gã khách lừa ông xuống xe rồi rồ ga chạy mất. Lần thứ hai, ông vay tiền mua chiếc Future cũ, vậy mà chỉ chưa đầy 5 tháng sau, ông cũng lại bị mất "cầu câu cơm" khi mệt quá ngủ quên ở vệ đường.

Sau 2 lần mất xe, ông xin làm bảo vệ quán cà phê nhưng do tuổi tác cao nên người ta không nhận. Rất may xã hội vẫn còn nhiều người tốt khi đầu năm nay, có một nhóm bạn trẻ biết chuyện đã quyên góp tiền mua tặng lại ông chiếc Dream đời cũ để ông làm kế sinh nhai. Khi được hỏi có còn dám chạy xe ôm nữa không? Ông Hai Tùng cười than thở: "Cánh xe ôm truyền thống chúng tôi giờ bị các bạn trẻ chạy xe công nghệ "giật" khách hết rồi. Ngay cả khách mối cũng không còn. Giờ chúng tôi chỉ còn dựa vào khách lỡ đường đêm thôi".

Ông Hai bảo, ngày trước còn hùn tiền thuê nhà trọ với nhau, nay nhóm lao động tự do của ông có người còn sống, có người đã mất vì bệnh hay vì Covid-19. Thế nên, tiền thuê trọ đối với ông và chiến hữu giờ là gánh nặng. Tuy không phải chăm lo cho người thân, nhưng làm gì có tiền mà dành dụm.

Tại khu chợ đầu mối Hóc Môn, khi kim đồng hồ đã chỉ mốc 2 giờ sáng ngày 9-10, tôi gặp lại Khanh (34 tuổi, quê ở Cần Thơ) sau hơn một năm phụ chúng tôi chuyển những chuyến hàng thiện nguyện trong mùa Covid-19. Sau ly cà phê vội, Khanh thổ lộ mình ước mong sẽ dành dụm ít tiền rồi đi học một nghề gì đó bởi không phải lúc nào cũng khỏe để bốc vác hàng như vậy. Đó là chưa kể những lúc nghỉ ngơi, nhiều cám dỗ từ xì ke, ma túy làm cho Khanh cảm thấy bất an. "Làm ở môi trường này, nhiều bạn trẻ đã không kiểm soát được mình, sa vào con đường phạm pháp rồi anh à” - Khanh thở dài.

Chia tay Khanh, chúng tôi quay xe về trung tâm TP. Vừa đến ngã tư An Sương, chúng tôi ghi nhận lực lượng CSGT-TT và lực lượng 363 đang căng mình truy đuổi các quái xế đang rạp mình "gầm rú” trên những chiếc xe phân khối lớn. Còn tại khu Bắc Hải (Q10) dưới ánh đèn mờ ảo và tiếng nhạc xập xình của những quán bar biến tấu, hàng loạt bạn trẻ đang lũ lượt kéo nhau ra về sau gần một đêm ăn chơi, nhảy múa.

Hai hình ảnh đối lập nhau giữa đêm khuya, một bên là tuổi già cặm cụi kiếm tiền còn bên kia là tuổi trẻ đốt tiền, đốt cả tương lai, đánh cược sinh mạng mình chỉ vì thú đam mê tốc độ, đã lột tả nhiều góc khuất của "nhịp thở" Sài Gòn trong đêm vắng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang