Giải Gofl từ thiện Chuyên đề Công an TPHCM:

Vươn lên từ nghịch cảnh: Biến trở ngại thành động lực (kỳ 4)

Thứ Sáu, 07/10/2022 07:50

|

(CAO) Những tưởng khi biết mình không được bình thường như bạn đồng trang lứa, các em sẽ thu mình lại trong một thế giới riêng. Nhưng nhờ được sự quan tâm, dìu dắt của gia đình, sự giúp đỡ, dạy dỗ tận tình của các thầy và những người bạn đồng cảnh ngộ, các em đã vượt qua mặc cảm, nỗi sợ hãi để được sống là chính mình với niềm đam mê hứng khởi với các môn thể thao dành cho người khuyết tật.

Chàng "cầu thủ" đầy năng lực

Có một khuôn mặt rất lanh lợi và một cơ thể nhanh nhẹn nhưng Kiều Nguyễn Danh Thái (SN 2005, ngụ phường 17, quận Phú Nhuận) lại là vận động viên khuyết tật trí tuệ, tự kỷ môn bóng đá.

Ngồi cạnh mẹ là chị Nguyễn Thị Bích Thu, Thái gần như không nói gì. Chị Thu kể, khi mới sinh ra Thái hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, đến năm lớp 2, gia đình mới phát hiện Thái bất thường. Em bị tăng động, dễ bị mất kiểm soát.

Thái bên cạnh mẹ (chị Nguyễn Thị Bích Thu)

Biết bệnh tình của con, chị Thu cũng nhiều lần đưa Thái đi khám bệnh và uống thuốc đều đặn. Với Thái, mọi lời nói, hành động phải thật nhẹ nhàng, vì vậy chị Thu luôn bên cạnh, động viên con.

Quá trình nuôi dạy đứa con “đặc biệt” như Thái là sự nỗ lực rất lớn của gia đình. Hiện Thái vẫn đang là học sinh lớp 12 tại Trường THPT Hàn Thuyên. Chị Thu chia sẻ: Nhà trường đã tạo điều kiện hết sức để Thái có thể được tiếp tục việc học.

Hoàn cảnh gia đình Thái cũng rất đáng thương. Ba Thái bị sốt bại liệt, phải di chuyển bằng xe lăn. Mọi gánh nặng gia đình đều dồn lên đôi vai gầy gò của chị Thu. Hàng ngày, chị làm lao công, giúp việc nhà để kiếm thêm chút thu nhập nuôi sống cả gia đình. Dẫu chật vật, thiếu thốn đủ bề, chị vẫn gắng gượng để Thái không bị chông chênh.

Mệt mỏi là vậy nhưng khi có người giới thiệu trung tâm dạy thể thao cho người khuyết tất, chị liền tìm hiểu để Thái có điều kiện hòa nhập với cộng đồng. Chị Thu đăng ký cho Thái học bơi, học bóng đá để con có được khoảng thời gian tương tác bên ngoài.

Ra sân cỏ, Thái trở thành một "con người khác" đầy đam mê và tài năng

Vừa đi làm, vừa chăm sóc chồng con vừa trở thành “tài xế” đưa đón đi học, đi tham gia thể thao ngoại khóa, nhưng chị bảo “mệt mấy cũng phải cố gắng, vì con thấy vui là đủ ủi an rồi”.

Không phụ lòng ba mẹ, Thái cố gắng hòa nhập rất nhanh. Ở cả 2 môn thể thao này, Thái đều chăm chỉ luyện tập và thể hiện được năng khiếu nổi bật.

Em đã từng đoạt HCV giải bơi lội dành cho người khuyết tật thành phố. Với đôi chân khéo léo, Thái đá banh cũng rất giỏi và đã cùng đồng đội đạt nhiều huy chương trong 2 năm 2021-2022. Hiện em còn được HLV tin tưởng giao phó việc chỉ thêm các kĩ thuật tập luyện môn bóng đá cho các bạn.

Chị Thu cho hay ngoài đam mê thể dục thể thao, Thái còn có sở thích đặc biệt với công nghệ thông tin.

Thái (áo đỏ, đứng đầu tiên) đang hướng dẫn các bạn trong đội môn bóng đá

Thái đã vượt lên nghịch cảnh, sống trọn vẹn với niềm đam mê của mình, ngoài dựa vào ý chí của bản thân thì còn có công rất lớn của người mẹ đã bao phen tất tả ngược xuôi để con có cơ hội được hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Cậu bé tự kỷ đáng yêu

Ngô Hoàng Minh Quân (SN 2010, ngụ phường 14, quận 10) - VĐV khuyết tật trí tuệ, tự kỷ các môn bóng đá, bóng chày, võ Judo, Karate, Bocce gây ấn tượng bởi sự mũm mĩm, rất dễ thương. Quân nói được nhưng chậm và khó nhọc. Em đã trải qua tuổi thơ đầy biến cố. Khi mẹ sinh em ra, phát hiện con trai có vấn đề, ba Quân đã bỏ đi biệt tích. Mẹ Quân trở thành trụ cột chính cho cả nhà. Quân từ nhỏ không chịu tiếp xúc với mọi người, thu mình vào một góc.

Được mẹ cho đi học nhưng do phát triển chậm về ngôn ngữ nên em không theo kịp với các bạn. Hiện Quân đang theo học lớp 3 Trung tâm bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm thành phố.

Quân được cậu đưa đi tập luyện
Theo anh Nguyễn Minh Hào - HLV miễn phí môn bóng đá của Cộng đồng thể thao người khuyết tật, hiện anh đang hướng dẫn và tập luyện cho gần 40 VĐV khuyết tật vào mỗi sáng chủ nhật tại Trung tâm huấn luyện TDTT (số 2 Lê Đại Hành). Sau một thời gian dài gắn kết với các bạn khuyết tật, anh Hào nhận thấy sự tiến bộ rõ rệt của học trò về sức khỏe cũng như về tinh thần. Anh Hào kể, khi mới tham gia, các bạn gặp rất nhiều trở ngại; nhưng họ đã không bỏ cuộc và rất chịu khó tập luyện. Nhờ quá trình vận động các môn thể thao, tâm lý của các bạn ngày càng thoải mái, ổn định, tương tác tốt và hòa nhập hơn trong cuộc sống.

Tuy gặp khó khăn về mặt thể hiện ngôn ngữ nhưng bù lại Minh Quân có khả năng tiếp thu toán rất nhanh và nhạy.

Hai mẹ con Quân không có điều kiện nên hiện sống nhờ vào nhà của ông bà ngoại. Ngoài việc chăm sóc cho một đứa trẻ tự kỷ, mẹ Quân còn lo toan cho người mẹ ruột (bà ngoại Quân) đang điều trị bệnh ung thư.

Khó khăn là thế nhưng khi tìm hiểu thông tin mạng xã hội về cộng đồng thể thao người khuyết tật, mẹ Quân cũng cố gắng lo cho em tham gia đầy đủ các lớp học với mong muốn Quân có thể mở lòng mình ra, hòa nhập đón nhận cuộc sống này theo hướng tích cực nhất.

Mẹ Quân làm việc theo giờ hành chính nên mỗi khi bận việc không đưa đón được thì sẽ nhờ người nhà chở Quân đến trung tâm tập luyện để con được rèn luyện sức khỏe và thỏa sức với đam mê.

May mắn, Quân tỏ ra thích thú với hầu hết các môn thể thao, nổi bật nhất là bóng đá và bóng chày.

Minh Quân luôn nỗ lực tập luyện

Bằng sự quyết tâm tập luyện đều đặn, Quân đã cùng đồng đội mang về nhiều huy chương môn bóng đá cho đội tuyển trong các giải thể thao người khuyết tật TPHCM. Những tấm huy chương ấy là kết quả của một quá trình luyện rèn đầy thách thức và bền bỉ của Quân cũng như các bạn đồng cảnh ngộ.

Dẫu phát âm rất khó nhưng Quân vẫn gắng chia sẻ những lời tận đáy lòng: “Con luôn muốn tập luyện tốt, thi đấu tốt để có những thành tích cho mẹ và bà ngoại vui”.

Ngoài ước mơ làm cầu thủ đá banh, Quân có một ước mơ khác rất đáng yêu đó là có thể mở được quán bán cơm sườn.

Quân cùng đồng đội nhận huy chương tại một giải đấu

Tìm thấy ánh sáng trong bóng tối 

Hơi đặc biệt so với những trường hợp khuyết tật khác Trịnh Kiều Oanh (SN 2001, quê Tiền Giang) - VĐV khiếm thị môn Judo lại bị mất khả năng thị giác vào năm lớp 5 sau lần phát hiện bị bong võng mạc mắt. Nhớ lại thời khắc ấy, Oanh vẫn không thể tin nỗi vì sao tai ương lại ập đến với mình.

Lúc ấy, dù gia đình cũng rất khó khăn nhưng vẫn cố gắng chữa chạy để em được phẫu thuật. Tuy nhiên, kết quả thất bại đã khiến đôi mắt của Oanh vĩnh viễn không thể nhìn thấy ánh sáng. Nỗi đau ập đến quá bất ngờ, tưởng chừng như đã khiến cô gái nhỏ gục ngã.

Không có điều kiện để tiếp tục việc học, Oanh đành bỏ dở biết bao ước mơ tươi đẹp để bắt đầu làm quen với một cuộc sống mà phía trước chỉ thấy toàn là bóng tối. Không để mình có thời gian u buồn, Oanh phụ ba mẹ công việc gia đình. Thời gian từ một người có thể nhìn thấy mọi thứ cho đến khi phải quờ quạng tìm kiếm từng thứ 1, không chỉ là Oanh, mà bất kỳ ai cũng nghĩ điều đó thật sự rất khủng khiếp. Nhưng rồi, Oanh cũng bắt đầu đứng lên và tiến về phía trước. Khi đã quen tay thì Oanh làm việc gì trong nhà cũng khá thành thạo.

Một năm trước, không để mình trở thành gánh nặng cho gia đình, nhất là ba mẹ cũng vất vả làm thuê, làm mướn, Oanh quyết định rời quê lên thành phố để có cơ hội tự lập. Em được giới thiệu vào một cơ sở massage khiếm thị vừa làm vừa được tạo điều kiện ở đó.

Trịnh Kiều Oanh tại sân tập môn võ Judo

Khi vừa quen việc, Oanh cũng được người bạn cùng cảnh ngộ giới thiệu tham gia lớp Judo khiếm thị. Tập luyện được một thời gian, Oanh cảm thấy đây là một sân chơi bổ ích, vừa có thể rèn luyện sức khỏe vừa mang lại nhiều niềm vui cho những người khiếm thị như mình. Em không ngừng tập luyện và thể hiện được năng khiếu đối với bộ môn võ thuật. Bất ngờ thay, cũng trong năm 2021, Oanh được chọn tham gia giải vô địch quốc gia và được HCB.

Kể đến đây, Oanh nhỏ nhẹ: Có lẽ là nhờ may mắn chị ạ.

Cô gái có giọng nói thỏ thẻ, hiền lành tưởng như rất mong manh ấy lại rất mạnh mẽ khi giờ em có thể tự nuôi bản thân với mức thu nhập khoảng 5-6 triệu/tháng.

Nhớ lại những ngày đầu làm quen với bộ môn Judo, Oanh cũng thấy khó vì em vốn nhút nhát, chậm chạp nhưng càng tập em lại càng bị thu hút và hầu như không thấy mệt mỏi.

Những giờ tập luyện cũng như những lần đối mặt với đối thủ đã giúp Oanh tự tin hơn rất nhiều. Môn Judo trở thành niềm vui, niềm đam mê của cô gái trẻ; nhất là khi được gặp gỡ các anh chị em cùng cảnh ngộ tập luyện trao đổi, nói cười.

Số tiền lương tuy ít ỏi nhưng cứ vào cuối tuần, Oanh ráng chi một khoản trả phí xe ôm chở đến trung tâm. Đó là chưa kể, vào những giai đoạn cao điểm trước các giải đấu, một tuần có thể đến 3 ngày tập luyện.

Ước mong của cô gái trẻ ấy cũng chỉ giản đơn là có công việc làm ổn định, tự lo cho cuộc sống của mình và ra sức nỗ lực tập luyện phấn đấu, đủ sức để được tuyển chọn dự giải Para Games.

Nhằm khuyến khích tinh thần thể thao, vận động, tạo sự lan tỏa, kết nối các doanh nghiệp, giao lưu giữa cộng đồng doanh nhân cùng chung tay làm công tác từ thiện hướng về cộng đồng, hỗ trợ người khuyết tật, đặc biệt là các vận động viên khuyết tật tham dự các giải quốc gia, quốc tế, Paragames mang vinh quang về cho Tổ quốc, nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn, Ban Chuyên đề Công an TPHCM phối hợp với Cộng đồng Thể thao Người khuyết tật tổ chức giải Golf từ thiện lần thứ I (dự kiến diễn ra ngày 19-10-2022, tại sân golf Tân Sơn Nhất), nhằm gây quỹ từ thiện nâng cao đời sống cho người khuyết tật.

Mọi hỗ trợ, đóng góp đồng hành cùng giải đấu, các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, bạn đọc gần xa xin vui lòng liên hệ: Trung tá Đinh Ngọc Quảng - phụ trách Bộ phận Quảng cáo - Truyền thông của Ban Chuyên đề Công an TPHCM, SĐT: 0908.219522; hoặc chị Thảo Trang - Công ty TNHH TMDV Uy Quân, SĐT: 0909.207.181; số tài khoản ngân hàng: 0531000293479 tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương, chi nhánh Bình Thạnh.

Chương trình Giải Golf từ thiện do Chuyên đề Công an TPHCM tổ chức

(Còn tiếp...) 

Bình luận (0)

Lên đầu trang