Chiếc xe lăn và bộ cung đấu
Những ai gặp Lý Cường (SN 1989, ngụ quận 8, TPHCM) - VĐV khuyết tật chi môn bắn cung sẽ thấy một nguồn tích cực lan tỏa và ấm áp. Cường lúc nào cũng vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Những gì Cường đã phấn đấu để có được như ngày hôm nay xứng đáng là câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều người.
Cung thủ Cường trong một lần thi đấu
Năm 3 tuổi, Cường trải qua một cơn sốt bại liệt khiến đôi chân mất khả năng đi lại. Kể từ đó, Cường phải làm bạn với chiếc xe lăn. Cũng như các bạn khuyết tật khác, có lúc Cường không khỏi buồn tủi về số phận. Em đã từng ước giá như mình có đôi chân khỏe mạnh thì cuộc sống chắc sẽ thú vị biết chừng nào. Nhưng rồi Cường phải học cách chấp nhận sự thật để vươn lên, từng bước thật chậm nhưng đầy kiên định.
Quá trình đầy thử thách nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt ấy rồi cũng trôi qua. Cường giờ đây có thể mỉm cười khi bên cạnh là người vợ biết vun vén gia đình, hỗ trợ hết sức cho chồng và cô con gái 7 tuổi kháu khỉnh.
Chuẩn bị vào trận
Kể về cơ duyên đưa đẩy trở thành một cung thủ, Cường từ tốn: Năm 2019, Cường gặp được thầy Nghĩa giới thiệu sân chơi cho người khuyết tật; trong số các môn thể thao, em đã mạnh dạn chọn môn bắn cung. Trải qua những tháng ngày tập luyện kiên trì, Cường đã quen dần với cây cung và tấm bia bắn.
Sẵn đam mê cộng thêm có năng khiếu, Cường được chọn làm VĐV môn bắn cung dành cho người khuyết tật tham gia mùa giải đầu tiên tại CLB bắn cung Galaxy tại Cung văn hóa lao động TPHCM (55B Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1). Cuộc thi quy tụ gần 40 người khuyết tật đã tạo ra cơ hội để Cường có dịp cọ xát, học hỏi kinh nghiệm. Năm đó, Cường may mắn xếp vị trí thứ 2.
Và sự nghiệp bắn cung của em cũng bắt đầu từ đó. Em lao vào tập luyện để theo đuổi và chinh phục các giải bắn cung thành phố mở rộng. Và trong 2 năm tiếp theo, Cường đều đạt được các thứ hạng cao môn bắn cung 1 dây.
Niềm vui chiến thắng
Dấu ấn đặc biệt đối với Cường là năm 2022, TPHCM tổ chức giải vô địch quốc gia; bằng sự cố gắng và quyết tâm cao độ, em đã xuất sắc giành được 3 huy chương vàng (2 cá nhân và 1 đôi nam nữ).
Cường kể, bao nhiêu cảm xúc vỡ òa khi em được chọn là VĐV khuyết tật duy nhất đại diện Việt Nam tham gia giải bắn cung người khuyết tật Asian Para Games tại Indonesia (giải quốc tế khu vực Đông Nam Á).
Bất kể mưa hay nắng, Cường đều đặn đến sân tập là mảnh vườn của một người anh ở huyện Cần Giờ để chuẩn bị cho giải đấu. Nói đoạn, giọng Cường chùng xuống: Có lẽ vì là lần đầu tiên tham gia một giải đấu lớn nên em còn thiếu sót về mặt kinh nghiệm; và cũng khá tiếc khi hiện thiếu sân tập chuyên nghiệp cho VĐV bắn cung nên em không thể tập luyện được 1 cách bài bản theo đúng tiêu chí của cuộc thi.
Ở giải đấu quan trọng này, Cường tham gia nội dung toàn năng cung 1 dây nam và em cũng được đánh giá cao khi xếp hạng thứ 6/12 VĐV với tổng điểm 83 cho bài toàn năng 72 mũi.
Dù có khá nhiều tiếc nuối khi không mang được tấm huy chương về cho nước nhà, nhưng trong giải đấu này Cường đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm và biến thất bại thành động lực để cố gắng cho những trận đấu mới.
Trở về với cuộc sống thường nhật, Cường hàng ngày vẫn làm sửa chữa điện thoại tại nhà vợ. Khi hỏi, thu nhập có đủ lo cho vợ con không thì Cường cười: em may mắn có được người vợ biết đồng cảm, sẻ chia, luôn hỗ trợ hết lòng cả về vật chất lẫn tinh thần để em có thời gian tập luyện.
Cường luôn tự tin trước khi thi đấu
Vào những ngày có lịch tập, Cường đều có mặt. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn TPHCM chưa có địa điểm tập luyện chuyên nghiệp nên trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, Cường mong rằng sẽ có được nơi tập luyện bài bản để các VĐV có thể làm quen với cự ly nhất định.
Với mong muốn sẽ có nhiều cơ hội để tham gia các giải đấu tầm cỡ dành cho người khuyết tật để trau đồi thêm kinh nghiệm, hiện Cường đang nỗ lực tập luyện để có thể được chọn tham gia giải đấu Para Games tại Campuchia diễn ra vào năm 2023.
Anh Nguyễn Văn Duy (ngụ quận 7) - HLV dạy miễn phí nhóm Bắn cung NiSoRi cho biết: Hiện nhóm của anh có khoảng 8 VĐV khuyết tật chi dưới, chuyên về bắn cung 1 dây và 3 dây. Trong quá trình hướng dẫn cho các VĐV, anh đánh giá rất cao sự nỗ lực, vượt khó của các bạn. Khi ra sân tập luyện, đặc biệt là sân cỏ, khó khăn nhất đối với các VĐV đó là vấn đề di chuyển xe lăn lên lấy mũi tên. Ngoài ra, người khuyết tật cũng khó thực hiện động tác kĩ thuật bắn hơn. Đó là chưa kể mỗi cung tên thi đấu có giá từ vài chục đến cả hơn trăm triệu nên khi dụng cụ tập luyện bị hỏng thì cũng rất "nan giải" cho các VĐV.
Tuy nhiên, vì đam mê, các VĐV rất cố gắng trong tập luyện cũng như trong thi đấu. Cũng theo anh Duy, hiện TPHCM chưa có sân tập bắn cung chuyên nghiệp dành cho cự ly 70m, các anh em trong nhóm phải xuống tận Cần Giờ để tập nhưng chỉ có cự ly khoảng 50 m.
Hai anh em cùng vượt khó
Nguyễn Viết Tú (SN 1996, quê Đắc Lắc) - VĐV khiếm thị môn Judo có khuôn mặt rất hiền. Em có một người anh là Nguyễn Viết Tuấn lớn hơn em 2 tuổi hiện cũng đang sinh sống tại TPHCM.
Rời xa vòng tay của gia đình, 2 anh em dắt díu nhau vào Sài Gòn để học và đi làm. Cả Tú và Tuấn đều bị khiếm thị bẩm sinh.
Nói ra thì không ít người sẽ không tin nhưng hiện Tuấn và Tú đang sống tại phòng trọ ở quận Gò Vấp, làm massage tại một cơ sở dành cho người khiếm thị chỉ để trụ lại đất Sài Gòn theo đuổi đam mê võ thuật.
Nguyễn Viết Tú nhận huy chương bạc giải Judo tại Asean Para Games
Tú kể, bắt đầu từ năm lớp 8, em rời quê để vào quận 1, TPHCM học hòa nhập cùng các bạn. Năm 2007, em được người quen giới thiệu tham gia học môn Judo. Khi mới làm quen với bộ môn này, Tú cảm thấy khó; nhất là khi mình không thể nhìn thấy gì ở xung quanh. Nhưng lạ là chưa bao giờ em có ý nghĩ bỏ cuộc mà còn cảm thấy đây là một sân chơi rất thú vị, vừa có thể rèn luyện sức khỏe vừa có ích trong cuộc sống.
Trải qua những trận tập bầm dập, thậm chí toàn thân ê ẩm, Tú dần dần tự tin hơn và cố gắng duy trì việc tập luyện mỗi khi có thể.
Câu chuyện của chàng trai khiếm thị đầy nghị lực khiến chúng tôi quá đỗi nể phục. Mỗi ngày, hai anh em đi làm tại cơ sở được chủ trả theo sản phẩm khoảng 40 ngàn/khách; trung bình có 3-4 khách/ngày.
Với thu nhập ít ỏi ấy, Tú cùng anh trai phải trả nhà trọ, tự lo chi phí sinh hoạt và đón xe ôm đi tập luyện.
Tú cùng 'anh cả' của đội Judo Trần Việt Hùng nhận huy chương tại giải đấu Đông Nam Á
Nhờ sự phấn đấu không biết mệt mỏi ấy, Tú đã sở hữu được nhiều tấm huy chương vàng toàn quốc, huy chương bạc, huy chương đồng ASEAN Para Games môn Judo. Không kém cạnh, anh trai Tú cũng đạt được nhiều thành tích với bộ môn này với đầy đủ các màu huy chương ở các giải vô địch quốc gia.
Hiểu hơn về hoàn cảnh gia đình, mới thấy anh em Tú đã nỗ lực vươn lên như thế nào. Ba là thợ xây, mẹ nay ốm, mai đau nên ở nhà lo việc nội trợ. Trên Tuấn và Tú có 3 chị gái. Họ đều bình thường và đã lập gia đình riêng, cuộc sống của ai cũng bấp bênh nên cũng không giúp gì được cho 2 cậu em trai tật nguyền.
Tú (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn.
Thế là 2 anh em tự lập với cuộc sống xa nhà. Khi chúng tôi hỏi: “Vậy có còn tiền dư gởi về phụ giúp cho ba mẹ không?”. Tuấn cười: Dạ, tụi em đủ chi tiêu thôi chị, nhiều khi ba mẹ còn gởi vô cho ngược lại ấy chứ”.
Dẫu phía trước Tú chỉ toàn là bóng tối nhưng từng lời nói, từng hành động của em đều thể hiện một thái độ sống rất tích cực và sự nỗ lực bền bỉ để vượt qua số phận.
Hết lòng vì đứa con khuyết tật
Chúng tôi muốn dành cái tựa đề khá “đặc biệt” cho anh Nguyễn Thanh Văn - phụ huynh của bé Nguyễn Thanh Duyên (SN 2009, ngụ P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú).
Câu chuyện về nữ động viên khuyết tật trí tuệ, hội chứng Down các bộ môn bóng đá, võ Judo, Karate, Bocce được kể qua lời của anh Văn. Bởi khi tiếp xúc với chúng tôi, Duyên hầu như không nói gì, em chỉ ngồi lặng lẽ bên cạnh cha mình.
Anh Văn chia sẻ: Duyên bị khuyết tật bẩm sinh. Thương con chịu quá nhiều thiệt thòi nên vợ chồng anh dồn hết tình thương cho cô gái nhỏ. Duyên còn một đứa em trai (SN 2014) hoàn toàn khỏe mạnh.
Hai vợ chồng bán cà phê vỉa hè, dẫu còn bộn bề khó khăn nhưng cũng ráng lo cho 2 đứa nhỏ, đặc biệt là Duyên. Không muốn con tách biệt với cuộc sống, thu mình trong 4 bức tường vì bệnh tật, anh Văn lân la tìm hiểu để con có được sân chơi. Hiện Duyên vẫn đang học lớp 1 trường khuyết tật dạy nghề; thời gian còn lại em tham gia tập luyện các môn thể thao.
Anh Hùng cùng con gái
Đầu tiên là muốn con có sức khỏe; thứ 2 là muốn con có thể giao lưu, tương tác với các bạn đồng cảnh ngộ để con có được niềm vui trong cuộc sống, đó chính là lý do khiến vợ chồng anh Văn đăng ký cho con tham gia rất nhiều lớp học về các môn thể thao dành cho người khuyết tật.
Bắt đầu Duyên làm quen với môn đá banh, kế tiếp là Judo, tiếp theo nữa là võ karate và giờ thì em đang tập luyện môn Bocce.
Với một người bình thường chơi các trò vận động giỏi cũng không phải là điều dễ dàng, huống chi đối với một người đa khuyết tật như Duyên. Duyên có dáng người bé xíu, dẫu giao tiếp hạn chế nhưng khi tập luyện em tỏ ra rất hăng say. Nhìn cô bé chạy nhảy trong sân cùng các bạn mà thấy thương em quá đỗi. Bởi sự nỗ lực này không chỉ của riêng em mà là sự cố gắng của cả một gia đình dành cho đứa con khuyết tật.
Điều vui mừng nhất đối với anh Văn, đó là thấy con gái rất đam mê với các môn tập. Tuy học rất nhiều môn nhưng môn nào em cũng vượt qua sự mong đợi của gia đình cũng như của các HLV. Dù đôi khi em có thể tiếp thu chậm hơn nhưng điều đáng nói em không nản lòng, luôn phấn đấu để theo kịp các bạn.
Những phấn đấu của em đã được đền bù xứng đáng khi em cùng đồng đội đã đạt được nhiều huy chương tại các giải thể thao người khuyết tật TPHCM.
Em Nguyễn Thanh Duyên
Duyên rụt rè, ít nói, nhưng khi được hỏi mơ ước của em lớn lên làm gì thì em trả lời ngắn gọn “Bác sĩ”. Nhìn cảnh hai ba con anh Văn quấn quýt bên nhau, chúng tôi thấy xúc động vô cùng!
Cứ thế, mỗi ngày, mỗi tuần, gác lại công việc đầy vất vả, gác lại những lo toan thường nhật, anh Văn đều đặn chở Duyên đến các điểm tập với hi vọng giản đơn “chỉ mong được thấy con cười”.
Nhằm khuyến khích tinh thần thể thao, vận động, tạo sự lan tỏa, kết nối các doanh nghiệp, giao lưu giữa cộng đồng doanh nhân cùng chung tay làm công tác từ thiện hướng về cộng đồng, hỗ trợ người khuyết tật, đặc biệt là các vận động viên khuyết tật tham dự các giải quốc gia, quốc tế, Paragames mang vinh quang về cho Tổ quốc, nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn, Ban Chuyên đề Công an TPHCM phối hợp với Cộng đồng Thể thao Người khuyết tật tổ chức giải Golf từ thiện lần thứ I (dự kiến diễn ra ngày 19-10-2022, tại sân golf Tân Sơn Nhất), nhằm gây quỹ từ thiện nâng cao đời sống cho người khuyết tật.
Mọi hỗ trợ, đóng góp đồng hành cùng giải đấu, các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, bạn đọc gần xa xin vui lòng liên hệ: Trung tá Đinh Ngọc Quảng - phụ trách Bộ phận Quảng cáo - Truyền thông của Ban Chuyên đề Công an TPHCM, SĐT: 0908.219522; hoặc chị Thảo Trang - Công ty TNHH TMDV Uy Quân, SĐT: 0909.207.181; số tài khoản ngân hàng: 0531000293479 tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương, chi nhánh Bình Thạnh.
Thông tin về giải đấu Gofl từ thiện do Chuyên đề Công an TPHCM tổ chức
(CATP) Trong số những nhân vật mà chúng tôi đã gặp thì anh Nguyễn Duy Minh và chị Nguyễn Thị Gái có câu chuyện “đặc biệt” hơn. Bởi họ đã tìm thấy người bạn đời của mình khi cùng tham gia các giải đấu dành cho các vận động viên khuyết tật. Ngoài đam mê thể thao, giờ đây họ còn có một điểm tựa cùng cảnh ngộ để có thể thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia mọi vui buồn trong cuộc sống.