Sốt xuất huyết tại TPHCM tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ, 25 người đã tử vong

Thứ Tư, 05/10/2022 11:53

|

(CAO) Ngày 5/10, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, tính đến ngày 2/10 đã ghi nhận 25 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, chủ yếu là người lớn (chiếm 75%).

Trong tuần (từ ngày 26/9-2/10), TPHCM ghi nhận 2.320 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm gần 14% so với trung bình 4 tuần trước. Hầu hết các quận, huyện đều có số mắc giảm so với số mắc trung bình 4 tuần trước.

Từ đầu năm 2022 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết tại TP tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 với 62.085 ca.

Số ca bệnh nặng cũng tăng, với 1.360 ca. Tỷ lệ ca nặng trong tổng số ca mắc là 2,2%, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Đến nay TPHCM đã có 25 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tăng 20 ca so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó nhiều trường hợp đến bệnh viện muộn khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp, điều trị kịp thời.

Dịch bệnh sốt xuất huyết tại TP vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các bác sỹ cảnh báo người dân cần tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo.

HCDC khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu sốt cao 39-40 độ C đột ngột, liên tục, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp.

Trong quá trình điều trị sốt xuất huyết tại nhà, người chăm sóc và người bệnh cần để ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để đưa bệnh nhân nhanh chóng đến bệnh viện.

Các dấu hiệu chuyển nặng cần lưu ý: đau bụng dữ dội, nôn ói liên tục, nôn ra máu, chảy máu lợi/chân răng, thở nhanh, mệt mỏi/bồn chồn...

Đặc biệt, đối với bệnh sốt xuất huyết, khi hạ sốt thì càng cần phải theo dõi sát dấu hiệu chuyển nặng.

Dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn TPHCM đang gia tăng

Trong tuần (từ ngày 26/9-2/10), TP ghi nhận thêm 532 ca bệnh tay chân miệng, tăng 22,9% so với trung bình 4 tuần trước đó, phát sinh thêm 4 ổ dịch mới. Số ổ dịch tay chân miệng từ đầu năm đến nay là 74 ổ dịch. Toàn TP đã ghi nhận 15.282 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Các bác sỹ khuyến cáo, trẻ quay trở lại trường học là thời điểm lý tưởng khiến bệnh tay chân miệng lây lan và bùng phát.

Do đó, phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng sức khỏe của con, em mình và thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn đồ dùng, đồ chơi, nhà cửa, môi trường sống xung quanh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang