Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến ngày 11-7-2022 TPHCM ghi nhận 26.138 ca mắc SXH đến khám chữa bệnh tại các cơ sở YT, tăng 228% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 2.009 ca nhập viện điều trị nội trú. Số trường hợp chuyển nặng và tử vong là 12 ca, tăng cao so với cùng kỳ và trung bình giai đoạn 2016 - 2020.
Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) và tử vong cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 đồng thời có nguy cơ lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố (TP). Ngày 26-7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký công điện về tăng cường công tác phòng, chống SXH và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Bộ Y tế (YT) cũng yêu cầu Giám đốc Sở YT các tỉnh, thành, thủ trưởng các đơn vị triển khai tổ chức thực hiện việc phân tuyến điều trị SXH.
Tăng cường diệt muỗi, lăng quăng
Theo công điện của Chính phủ, hiện nay dịch SXH đang diễn biến phức tạp tại các quốc gia trên thế giới, Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành bệnh này. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi gây ra, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng ngừa, nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi và lăng quăng (bọ gậy).
Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận trường hợp mắc và tử vong do SXH cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 đồng thời có nguy cơ lan rộng tại nhiều tỉnh, TP, nhất là các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung. Cùng với sự gia tăng của dịch SXH, một số bệnh khác như cúm mùa, tay - chân - miệng cũng đang vào thời điểm tăng theo mùa.
Nhằm chủ động kiểm soát, phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó tập trung tăng cường phòng, chống dịch SXH, không để xảy ra "dịch chồng dịch", Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn.
Thành lập các tổ phòng, chống dịch cộng đồng để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ YT; chủ động dự phòng, bố trí đủ phương tiện, vật tư, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là SXH; xử phạt các tổ chức, cá nhân không thực hiện biện pháp phòng, chống dịch theo quy định pháp luật.
Giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi phát hiện. Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là SXH và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về công tác này trên địa bàn.
Khám và điều trị cho bệnh nhi sốt xuất huyết ở TPHCM
Bộ Y tế phân tuyến quản lý điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết
Ngày 26-7, theo Bộ YT dự báo số ca mắc SXH Dengue (bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền qua vết đốt của muỗi vằn mang virus gây bệnh) thời gian tới tiếp tục tăng, cùng với đó số nhập viện, trường hợp nặng cũng tăng lên. Để chủ động trong công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do bệnhnày tới mức thấp nhất, Bộ YT yêu cầu giám đốc Sở YT các tỉnh, TP, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ YT, cơ quan YT các bộ, ngành nghiêm túc triển khai, tổ chức thực hiện việc phân tuyến điều trị SXH Dengue.
Theo Bộ YT, bệnh này được chia làm 3 mức độ: mức độ 1 - SXH Dengue (phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại YT cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ, qua đó phát hiện sớm trường hợp sốc để xử trí kịp thời); mức độ 2 - SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo (người bệnh được cho nhập viện điều trị) và mức độ 3 -SXH Dengue nặng (người bệnh phải được nhập viện điều trị cấp cứu), bao gồm sốc SXH Dengue, sốc SXH Dengue nặng, xuất huyết nặng, suy tạng nặng.
Để phân tuyến quản lý, điều trị SXH, Bộ YT nêu rõ trạm YT xã phường/thị trấn, phòng khám đa khoa, chuyên khoa Nội, Nhi, bệnh viện đa khoa (BVĐK) tư nhân tiếp nhận bệnh nhân (BN) ở mức độ 1: SXH Dengue (trừ trường hợp xem xét chỉ định nhập viện điều trị tại mục A, điều trị SXH Dengue phần IV theo Quyết định 3705/QĐ-BYT ngày 22-8-2019 của Bộ YT). Bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh và BVĐK tư nhân tiếp nhận BN ở mức độ 1.
Đối với mức độ 2, chỉ những BVĐK tư nhân đã tập huấn điều trị SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo mới được tiếp nhận. Với mức độ 3, chỉ những bệnh viện (BV) đã tập huấn, chuyển giao điều trị sốc SXH Dengue nặng mới được tiếp nhận BN. Nếu sốc SXH Dengue nặng, các BV tuyến quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh và BVĐK tư nhân điều trị chống sốc ban đầu, hội chẩn chuyển tuyến trên... Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, BV Bệnh nhiệt đới, BV Nhi, Sản - Nhi tuyến tỉnh tiếp nhận điều trị BN ở mức độ 1; mức độ 2 và mức độ 3. Bệnh viện tuyến cuối điều trị SXH Dengue tiếp nhận BN ở mức độ 1, mức độ 2, mức độ 3.
Trẻ em nhập viện do sốt xuất huyết tăng cao
Hạn chế vận chuyển người bệnh vượt tuyến
Về nguyên tắc phối hợp giữa các tuyến, Bộ YT lưu ý các BV tuyến tỉnh, tuyến cuối tập trung nguồn lực thu dung, điều trị những trường hợp SXH Dengue nặng; hạn chế vận chuyển người bệnh vượt tuyến, trừ trường hợp vượt quá khả năng điều trị. Khi vượt quá khả năng cho phép, cần chuyển BN lên tuyến trên phải thông báo trước với đơn vị tiếp nhận để chuẩn bị; ghi chép đầy đủ thông tin về diễn biến lâm sàng, các kết quả xét nghiệm, phương pháp điều trị và những loại thuốc đã sử dụng; đồng thời thực hiện chế độ tham vấn của tuyến trên, hội chẩn liên khoa, liên viện để giải quyết những trường hợp khó, các trường hợp chuyển viện...
Bộ YT phân công BV Bệnh nhiệt đới Trung ương hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị SXH ở người lớn cho 28 tỉnh: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Cao Bằng, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Cạn, Lạng Sơn.
Bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị SXH ở trẻ cho 28 tỉnh: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Cao Bằng, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Tuyên Quang. Hà Giang, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Cạn, Lạng Sơn. Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị SXH cho trẻ em, SXH người lớn đối với 3 tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị.
Diệt muỗi, lăng quăng để phòng tránh sốt xuất huyết
TPHCM hỗ trợ các tỉnh, thành từ Đà Nẵng trở vào
Theo Bộ YT, đối với các BV trực thuộc Sở Y tế TPHCM, Bộ YT đã thống nhất với Sở Y tế TPHCM để giao nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị SXH cho các tỉnh, thành. Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị SXH ở trẻ cho 11 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ.
Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị SXH ở trẻ em cho 10 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng. Bệnh viện Nhi đồng TPHCM hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị SXH ở trẻ cho 10 tỉnh: Kiên Giang, An Giang, Khánh Hòa, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Phước, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị SXH ở người lớn cho 31 tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Bình Phước, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Nông.