Hỗ trợ sinh kế cho 300.000 hộ nông dân trồng lúa ở ĐBSCL

Thứ Tư, 27/07/2022 12:26  | Đăng Khoa

|

(CATP) Theo đánh giá tại Hội thảo, hiện Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước các thách thức: biến đổi khí hậu xảy ra ngày càng thường xuyên, nghiêm trọng như khô hạn, xâm nhập mặn...

Ngày 26-7, tại Cần Thơ, Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp với Cục Trồng trọt tổ chức Hội thảo khởi động cấp quốc gia dự án "Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới sự phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long".

Theo Tiến sĩ Trần Thu Hà, Giám đốc Dự án SNV, dự án sẽ được triển khai thực hiện ở 3 tỉnh sản xuất lúa gạo lớn nhất trong khu vực ĐBSCL là An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp trong 5 năm, từ năm 2022-2027; trong đó, năm 2023 sẽ chính thức triển khai thực hiện với nguồn kinh phí từ 10 - 15 triệu AUD do Chính phủ Australia tài trợ. Cụ thể, dự án dự kiến hỗ trợ sinh kế cho khoảng 300.000 hộ nông dân trồng lúa; giảm phát thải khoảng 200.000 tấn khí CO2, giảm 20-30% chất thải hóa học, tiết kiệm khoảng 15% chi phí đầu vào.

Theo một số báo cáo tại hội thảo, tại Đông Nam Á, 5% lượng CO2 thải ra do các hoạt động canh tác lúa. Hoạt động canh tác lúa sản sinh ra khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh là CH4 và N2O. Riêng ở Việt Nam, khí thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm 25-30% tổng lượng khí thải và một nửa trong số đó đến từ các hoạt động sản xuất lúa.

Do đó, dự án tập trung vào phát triển nông nghiệp xanh trong ngành hàng lúa gạo để ứng phó với các vấn đề về biến đổi khí hậu. Đồng thời, sẽ gắn kết chặt chẽ với khu vực kinh tế tư nhân làm đầu tàu kéo theo những sáng kiến mới nhất trong sản xuất lúa gạo, giảm phát thải. Từ đó, tạo động lực để sản xuất theo công nghệ xanh, sạch, bền vững hơn; giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc các doanh nghiệp đưa ra gói công nghệ vừa mang tính giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu vừa mang tính thích ứng để hỗ trợ nông dân sản xuất ở các vùng sinh thái khác nhau...

Lộ trình thương mại các chứng chỉ cacbon dự kiến sẽ được thực hiện vào những năm 2027-2028 và từ những luận cứ khoa học của dự án để hỗ trợ việc đẩy mạnh vai trò của kinh tế tư nhân, đẩy mạnh việc canh tác lúa giảm phát thải và thương mại hóa các chứng chỉ cacbon trên thị trường...

Nông dân trồng lúa tại 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp sẽ được hỗ trợ sinh kế

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, ĐBSCL có diện tích lúa 3,9 triệu ha/năm, trong đó có 700 ngàn ha đất canh tác 3 vụ; tổng sản lượng hơn 24 triệu tấn (chiếm 56% cả nước); cung cấp 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo đang đứng trước 3 thách thức gồm: sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; xung đột quốc tế làm chi phí đầu vào tăng, đặc biệt là giá cả vật tư đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu tăng cao dẫn đến chi phí đầu vào tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam; việc thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính. Ông Cường hy vọng dự án sẽ giúp cho ngành sản xuất lúa gạo ở khu vực ĐBSCL sẽ phát triển xanh, sạch và bền vững trong tương lai

Tại hội thảo, ông Peter Loach, Giám đốc Quốc gia của SNV chia sẻ, dự án có điểm mới là chuyển đổi giá trị lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL. Dự án này sẽ sử dụng các công nghệ để tạo ra hiệu quả kinh tế tốt hơn, cải thiện chất lượng lúa gạo và các giá trị xã hội. Tất cả những người tham gia trong chuỗi giá trị này sẽ thu được lợi ích và tăng trưởng trong điều kiện mới do biến đổi khí hậu và biến đổi về nhu cầu lúa gạo của thị trường quốc tế. Dự án sẽ góp phần chuyển đổi trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo phát triển bền vững và đem lại những giá trị bao trùm trong 3 tỉnh chuyên canh lúa tại khu vực ĐBSCL...

Bình luận (0)

Lên đầu trang