Ngành Y tế tại miền Tây: Nhiều bác sĩ xin nghỉ việc

Thứ Ba, 26/07/2022 11:20  | Thiện Thảo

|

(CATP) Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là "vùng trũng" về y tế, giáo dục của cả nước. Tuy nhiên, một nghịch lý đang diễn ra là hàng loạt các y, bác sĩ xin nghỉ việc. Áp lực công việc và đồng lương ít ỏi là một trong những nguyên nhân khiến họ rời nhiệm sở... "Để đào tạo một bác sĩ đủ chuyên môn, thời gian đào tạo ít nhất 10 năm. Nhưng hiện bác sĩ nghỉ việc quá nhiều là tổn thất lớn của ngành y, thiệt thòi cho người bệnh. Ngay thời điểm này, lãnh đạo địa phương không có chính sách đối với ngành y thì bao lâu mới đủ nguồn nhân lực phục vụ nhân dân?", một giám đốc bệnh viện chia sẻ.

Thực trạng đáng báo động

Theo thống kê tại TP.Cần Thơ và tỉnh An Giang có số lượng y bác sĩ nghỉ việc nhiều nhất. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tại TP.Cần Thơ đã có 111 nhân viên đang công tác trong ngành y tế xin nghỉ việc. Trong đó, tại Bệnh viện Huyết học - Truyền Máu Cần Thơ và Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ có cùng số lượng là 17 người đang công tác trong ngành y tế xin nghỉ việc. Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ có 9 bác sĩ, 3 điều dưỡng, 4 kỹ thuật viên và 1 viên chức y tế khác đều xin nghỉ việc. Còn tại Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ có 7 bác sĩ, 6 điều dưỡng và 1 kỹ thuật y cũng xin nghỉ việc.

Theo báo cáo của các địa phương (giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022), có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Trong đó, năm 2021 có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc; 6 tháng đầu năm 2022 có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế). Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng...

Tại tỉnh An Giang, từ năm 2020 đến nay có 439 thầy thuốc nghỉ việc ở 21/21 cơ sở y tế trong hệ thống nhà nước. Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang có 29 thầy thuốc nghỉ việc. Tương tự, Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc có đến 74 người, Bệnh viện Sản - nhi có đến 39 người... Đặc biệt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) An Giang cũng có đến 9 người nghỉ việc. Đáng lo ngại, số bác sĩ nghỉ việc, năm sau cao hơn năm trước.

Cụ thể, năm 2020, toàn tỉnh An Giang có 141 thầy thuốc nghỉ việc. Đến năm 2021 con số này tăng lên 152, và mới hơn nửa năm 2022 đã lên đến 146 người. Trong đó, đa số là thầy thuốc có trình độ chuyên môn, tay nghề. Trong số thầy thuốc nghỉ việc gần 3 năm qua, có đến 110 người có trình độ bác sĩ và 193 người có trình độ điều dưỡng hoặc y sĩ (gần 70% người dưới 40 tuổi). Thực tế, không chỉ chảy máu chất xám, mà còn chảy máu cả về nguồn nhân lực đang ở độ tuổi có khả năng, năng suất làm việc cao nhất trong đời người thầy thuốc. Và đáng lo hơn là phần lớn tình trạng nghỉ việc này tập trung ở các cơ sở y tế được xem là tuyến cao nhất tỉnh.

Bác sĩ đang khám cho bệnh nhân

Tại tỉnh Trà Vinh, trong 6 tháng đầu năm 2022 có 51 trường hợp viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc gồm: 20 bác sĩ, 17 điều dưỡng, 5 kỹ thuật y và 9 cán bộ y tế khác. Bệnh viện Sản nhi có số lượng nghỉ nhiều nhất là 12 người, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh và Trung tâm Y tế huyện Cầu Kè, mỗi đơn vị 6 người. Theo Sở Y tế Vĩnh Long, có 35 nhân viên y tế làm đơn xin nghỉ việc gồm: 21 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 2 kỹ thuật y và 10 cán bộ y tế khác. Trung tâm Y tế TP.Vĩnh Long có số lượng nghỉ nhiều nhất với 12 người, kế đến là Bệnh viện Đa khoa tỉnh với 8 người...

Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Cà Mau, từ năm 2015, nhân viên ngành y tế càng tăng. Từ năm 2015 đến cuối tháng 3-2018, toàn tỉnh có 105 viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập nghỉ hoặc bỏ việc. Trong số này có 38 bác sĩ chuyên khoa 1, một bác sĩ chuyên khoa 2; hai thạc sĩ và bốn dược sĩ chuyên khoa 1. Riêng năm 2018 có 31 bác sĩ thôi việc. Số người nghỉ việc tập trung nhiều nhất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau và Bệnh viện Đa khoa Cái Nước. Năm 2018 đến năm 2021, trung bình mỗi năm có 70 cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh có 57 người nghỉ việc.

Nợ thu nhập của nhân viên 6 tỷ đồng

Vì sao hàng loạt bác sĩ nghỉ việc, chúng tôi nhận được câu trả lời: dịch Covid-19 lần thứ 4 bệnh viện đã điều trị miễn phí cho các bệnh nhân, cộng với thời gian đó không có khám, chữa bệnh cho bệnh nhân nên nguồn thu của bệnh viện không có mà bệnh viện thì đã tự chủ. Trong khi đó, thuốc men, trang thiết bị vật tư, hóa chất khi điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 bệnh viện phải bỏ ra không có đơn vị nào thanh toán nên gặp khó khăn về cân đối tài chính, không thể tăng lương cho người lao động. Thu nhập không đủ sống nên họ xin nghỉ tìm đến bệnh viện công để tăng thu nhập.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lọc máu cho bệnh nhân

Một bác sĩ cho biết, theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng), bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề. Nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế). Mức lương trên chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống. Trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.

Ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP.Cần Thơ cho biết, hiện nay các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng trả lương cao hơn rất nhiều so với các bệnh viện công lập để mời người có năng lực về để phục vụ cho cơ sở của họ. Trong bối cảnh vật giá như hiện nay, vấn đề thu nhập càng dễ dàng tác động đến đội ngũ nhân viên đang công tác trong ngành y tế tại các bệnh viện công lập.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau lo âu: "Bác sĩ nghỉ việc, việc tìm nguồn nhân lực rất khó nhất là ở những nơi xa xôi, vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân bác sĩ ở tỉnh nghỉ, do mấy năm dịch bệnh, cơ sở y tế tự chủ tài chính mất cân đối không thể chi trả thêm thu nhập cho nhân viên. Công việc không giảm. Ngành đã thấy và báo với tỉnh tìm hướng khắc phục".

Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang tại TP.Châu Đốc là nơi có bác sĩ nghỉ việc nhiều nhất cho biết, đơn vị đã vận động nhưng các anh em nghỉ việc đều nói do công việc áp lực nhiều và tiền chế độ ngành còn chậm nên chán nản. Đơn vị đang cố gắng gồng gánh để phục vụ việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Lực lượng bác sĩ thì cơ bản đủ, chỉ có thiếu nhân viên điều dưỡng. Hiện tại tiền trực, tiền ưu đãi ngành, tiền phẫu thuật của nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc bị thiếu nhiều tháng qua chưa trả cho anh em, tổng số tiền gần 6 tỷ đồng. Vì vậy, nhiều anh em thấy khó khăn đã xin nghỉ việc.

Thu nhập của ngành y thấp trong khi áp lực công việc quá cao

"Chúng tôi có văn bản gửi Sở Y tế về vụ việc này để nhờ sở hỗ trợ kinh phí chi trả cho anh em. Từ khi dịch Covid-19 đến nay, đơn vị không khám bệnh được gì nên không đủ kinh phí chi trả thu nhập tăng thêm cho các anh em. Do thu nhập giảm nên nhiều nhân viên điều dưỡng nghỉ. Đơn vị đang đề xuất tuyển dụng nhân viên điều dưỡng để phục vụ khám chữa bệnh", lãnh đạo bệnh viện này xác nhận.

Áp lực công việc quá cao

Ngoài thu nhập thấp không đủ trang trải cuộc sống, nhân viên ngành y cho biết, họ bị áp lực công việc. Theo đó, đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo liên quan đến y tế nhưng họ phải làm việc công khác. Điển hình là các thủ tục liên quan đến quy định pháp luật, không đúng chuyên môn nên càng khiến tăng thêm áp lực. Thực tế, bệnh viện tư nhân cũng có trường hợp xin nghỉ việc.

Tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dân An Giang (TP.Long Xuyên, An Giang), từ đầu năm 2022 đến nay đã có gần 20 thầy thuốc, đa số là y sĩ, điều dưỡng xin nghỉ việc. Lãnh đạo bệnh viện này xác nhận, thu nhập ở cơ sở y tế tư nhân cao gấp 2 - 3 lần, thậm chí nhiều hơn nữa so với hệ thống y tế nhà nước. Thế nhưng thời gian gần đây, nhiều cơ sở y tế tư nhân vẫn "chảy máu" nhân lực. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là áp lực xã hội và bất cập của chính sách. Nhiều y, bác sĩ bị người nhà bệnh nhân đánh, la mắng khi khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm y tế quá hạn chế thuốc nên nhiều bệnh nhân không hiểu đã đổ thừa cho y, bác sĩ.

Ngành y kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần cải cách chế độ tiền lương, xem xét điều chỉnh mức lương và các chính sách cho phù hợp, tương xứng với sức lao động của bác sĩ, nhân viên y tế như: chế độ phụ cấp chống dịch; phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, độc hại, nguy hiểm... để họ duy trì phục vụ nghề được lâu dài. Theo lãnh đạo ngành y, kiến nghị trên quá quen thuộc, kéo dài nhiều năm và chờ được xem xét.

Bình luận (0)

Lên đầu trang