Thiếu cơ chế, ngành y tế khó mua sắm trang thiết bị chống dịch

Thứ Tư, 08/12/2021 22:09

|

(CAO) Nhiều vướng mắc trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19 được các đại biểu chỉ ra khi cho ý kiến cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế tại phiên họp UBTVQH chiều nay (8-12).

Trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu khó khăn khi bóc tách viện phí điều trị bệnh Covid và bệnh nền.

Theo ông Long, có những thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh dẫn đến số lượng người bệnh COVID-19 phải điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tăng mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày tại phiên họp

“Điều này dẫn đến tình trạng nhân viên y tế không thể có thời gian để thực hiện việc lập các biểu mẫu, hồ sơ thống kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế nên không thể thực hiện việc bóc tách chi phí điều trị bệnh COVID-19 do ngân sách nhà nước chi trả và chi phí khám bệnh, chữa bệnh nào điều trị bệnh nền hoặc bệnh khác do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả” - ông Long phản ánh.

Trong khi đó, nhiều người bệnh khi nhập viện không mang giấy tờ tùy thân, không mang theo tiền hoặc nhiều người bệnh vào nằm điều trị rồi đến lúc tử vong cũng không thể liên hệ với người nhà nên không thể thực hiện việc thu viện phí. Việc ký kết hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cũng gặp nhiều khó khăn liên quan đến điều kiện ký hợp đồng, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật...

Để giải quyết các khó khăn trên, Chính phủ kiến nghị vẫn tiếp tục thực hiện việc thanh toán chi phí theo quy định tại Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 nhưng cho phép bổ sung quy định trường hợp không bóc tách được chi phí thì ngân sách sẽ chi trả toàn bộ.

Ông Long cũng kiến nghị cho phép Chính phủ quyết định việc sử dụng kinh phí từ nguồn quỹ dự phòng của Quỹ bảo hiểm y tế để cùng với nguồn ngân sách nhà nước chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 trên nguyên tắc bảo đảm an toàn.

Chia sẻ khó khăn trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng tán thành thực hiện chi trả kinh phí điều trị cho bệnh nhân Covid theo Nghị quyết 268, theo đó, NSNN đảm bảo chi phí thực tế trong trường hợp không bóc tách được.

Ông Hưng nêu rõ, nguồn chi trả gồm có NSNN, BHYT, thu từ dịch vụ y tế và các nguồn thu khác trong đó NSTW đảm bảo cho các cơ sở thu dung, điều trị do Trung ương lập; Ngân sách địa phương đảm bảo cho các cơ sở do đại phương thành lập. NS Trung ương hỗ trợ cho các địa phương khó khăn.

“Chúng rôi nhất trí với Bộ Y tế trình theo hướng ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí thực tế khám chữa bệnh Covid-19. Đối với bệnh khác, trong trường hợp không bóc tách được thì sẽ chi trả toàn bộ” – ông Hưng khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường thừa nhận, các bác sĩ không thể tự ngồi tách ra phần nào là Covid, phần nào là của bệnh nền. Bày tỏ sự cảm thông với ngành y tế, ông Cường cho biết, giờ cán bộ y tế còn “tội” hơn trước.

“Cán bộ y tế được đưa về phường, xã hiện nay, nội đi phát thuốc đã hết thời gian” - ông Cường phản ánh và đề nghị cần quan tâm chế độ cho cán bộ y tế cơ sở, vì áp lực rất lớn, nhiều người đã phải xin nghỉ việc.

Nêu quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu không giao Chính phủ quyền điều hoà giữa NSNN và Bảo hiểm Y tế. “Trường hợp nào không tách được thì mới chi bằng ngân sách, không thể lấy từ BHYT đưa vào ngân sách” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị y tế, từ góc độ kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Hoạ nhìn nhận, nếu tính toán, soi kỹ để bảo đảm chính xác thì rất khó.

Ông Hoạ cho biết, qua làm việc với một số tỉnh, nhất là TPHCM thì có ý kiến nói “đến lúc dịch thì cứ tiêu thôi chứ không phân rõ nguồn”. Vướng mắc trong mua sắm trang thiết bị y tế thời điểm dịch bệnh còn được ông Hoạ phản ánh lại qua thông tin có nhiều khoản kinh phí chuyển từ Mặt trận Tổ quốc về Bộ Y tế không chi tiêu được vì vướng cơ chế chính sách mua bán thiết bị y tế.

“Nếu không có cơ chế thì ngành y tế sẽ không mua sắm được” – ông Hoạ nhận định.

Cho biết ngành kiểm toán đang hoạch định kế hoạch kiểm toán, Thanh tra Chính phủ cũng đã có quyết định thực hiện thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế tại Bộ Y tế, TPHCM và Hà Nội, ông Hoạ than: “Nói thật, khi vào kiểm toán thì chúng tôi sợ không có đường ra, vì mua sắm mỗi nơi mỗi kiểu. Vì dịch, lúc đó cần mua để phục vụ người bệnh là mua thôi”.

Bởi lẽ này, theo ông Hoạ, Kiểm toán Nhà nước xin giới hạn không kiểm toán việc mua sắm trang thiết bị y tế.

Bình luận việc này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Chính phủ và Thủ tướng cần có quyết sách mạnh mẽ hơn.

“Quốc hội cũng đã trao quyền rồi, nhưng không hiểu sao vẫn chưa dám mua” - Chủ tịch Quốc hội thắc mắc và lưu ý Bộ Tài chính cần xem xét để có hướng dẫn cụ thể cho việc này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang